Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 06 tháng 09 năm 2024,
Chìa khóa giải bài toán nhân lực bán dẫn
Tú Ân - 03/09/2024 08:34
 
Nhân tài, nhân lực bán dẫn sẽ là chìa khóa để Việt Nam mở ra cánh cửa bước vào ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Công nghiệp bán dẫn là một trong những nền tảng quan trọng của nền kinh tế hiện đại (Ảnh: Đức Thanh)
Công nghiệp bán dẫn là một trong những nền tảng quan trọng của nền kinh tế hiện đại. Ảnh: Đức Thanh

Khâu “đột phá của đột phá”

Chỉ trong tháng 8/2024, Thủ tướng Chính phủ có 2 văn bản chỉ đạo liên quan phát triển công nghiệp bán dẫn.

Đầu tiên là Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn do đích thân Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Phó trưởng ban thường trực.

Mới đây nhất, Thủ tướng ban hành Công điện số 83/CĐ-TTg về việc tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây. Trong đó, yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”.

Trước đó, Thủ tướng đã khẳng định, cần coi đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn là “đột phá của đột phá” trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, đa dạng hóa các nguồn lực cho đào tạo phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, gồm nguồn lực nhà nước, xã hội, nhân dân, phát huy quan hệ Nhà nước - xã hội - thị trường, đẩy mạnh hợp tác công - tư trong đào tạo.

Statista Market Insights dự báo, doanh thu bán dẫn của Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ở mức 11,6% trong giai đoạn 2023-2027, đạt 31,28 tỷ USD vào năm 2027. Trong đó, mạch tích hợp - phân khúc quan trọng nhất trong ngành bán dẫn - được dự báo có giá trị 16,44 tỷ USD trong năm 2024.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng mới đây cũng cho biết, ngành công nghiệp bán dẫn là một trong những nền tảng quan trọng của nền kinh tế hiện đại, là "trái tim" của cuộc cách mạng công nghệ, cơ sở cho sự phát triển của nhiều ngành công nghệ cao. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ "Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng tới năm 2050", với mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được 50.000 kỹ sư bán dẫn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, mô hình liên kết Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà trường rất quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn. Theo Bộ trưởng, quá trình xây dựng chương trình, tuyển chọn học viên, tổ chức đào tạo và thực hành cần được thực hiện trên cơ sở liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa trường học và doanh nghiệp, kết hợp giữa lý thuyết với thực hành.

Nhân lực cũng là yếu tố đặc biệt quan trọng trong “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, định hướng tới năm 2050” mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, một trong những bước đi của “Chiến lược Bán dẫn Việt Nam” là xây dựng Việt Nam thành Hub nhân lực toàn cầu về công nghiệp bán dẫn, và từ Hub nhân lực này sẽ tiến tới xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Hub nhân lực sẽ như thỏi nam châm thu hút đầu tư nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử tại Việt Nam. Hub nhân lực cũng bao gồm cả gia công, xuất khẩu lao động về công nghiệp bán dẫn.

Theo ông Hùng, thiếu hụt nhân lực bán dẫn đang có tính ngắn hạn, cho nên, ngoài việc đào tạo, nghiên cứu dài hạn, thì vẫn phải chú trọng việc đào tạo nhanh trong ngắn hạn.

“Lời giải ở đây là sự hợp tác giữa các doanh nghiệp công nghiệp bán dẫn và trường đại học, là đầu tư cơ sở vật chất của Nhà nước cho các cơ sở đào tạo. Việc đào tạo lại giáo viên, hoặc thu hút giáo viên bán dẫn nước ngoài có thể là ưu tiên cao nhất lúc này”, ông Hùng cho biết.

Có thể thấy rằng, thế giới đang nhắm đến, lựa chọn Việt Nam tham gia chuỗi bán dẫn. Nguồn nhân lực bán dẫn đang là chìa khóa mở ra cánh cửa đưa Việt Nam gia nhập chuỗi bán dẫn toàn cầu. Nhưng để nắm bắt cơ hội đó, trong 12-18 tháng tới, Việt Nam phải có đủ nguồn nhân lực bán dẫn để đáp ứng yêu cầu của ngành sản xuất đặc biệt này.

Mô hình đào tạo nhân lực bán dẫn

Theo khuyến nghị của các chuyên gia, doanh nghiệp lớn hàng đầu thế giới, Việt Nam có thế mạnh và khả năng phát triển ở các mảng lắp ráp, đóng gói, kiểm thử trong chuỗi bán dẫn toàn cầu. Đây là cơ hội lớn, nhưng thách thức cũng không nhỏ.

GS-TS. Phan Mạnh Hưởng, Giám đốc Phòng Thí nghiệm vật liệu nano và công nghệ điện tử (Trường đại học Nam Florida, Hoa Kỳ) cho rằng, khi vào Việt Nam, các công ty và tập đoàn quốc tế sẽ có những yêu cầu cụ thể về nguồn nhân lực. Để đáp ứng hiệu quả, Việt Nam cần nắm bắt rõ các yêu cầu này và điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp. Để có chương trình đào tạo phù hợp, cần hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp, bao gồm việc mời doanh nghiệp tham gia phát triển chương trình đào tạo, để đảm bảo các yêu cầu và nhu cầu của họ được phản ánh trong nội dung đào tạo. Ngược lại, các doanh nghiệp cũng phải nhận thấy lợi ích từ việc tham gia đào tạo và được hỗ trợ, như được giảm thuế trong những năm đầu. Việc này giúp doanh nghiệp chuyển đổi một phần nguồn kinh phí để đầu tư vào đào tạo.

Ngoài ra, việc phát triển các chương trình đào tạo liên kết giữa các trường là rất quan trọng. Mỗi trường có điểm mạnh riêng và việc liên kết các trường sẽ tạo ra sức mạnh chung, giúp đào tạo đội ngũ chất lượng và đảm bảo đầu ra tốt. Những chiến lược này sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng hệ thống đào tạo hiệu quả và đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp bán dẫn.

“Theo tôi, Chính phủ có thể thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp vào đào tạo thông qua các chính sách khuyến khích như giảm thuế hoặc hỗ trợ tài chính. Doanh nghiệp sẽ hợp tác với các trường đại học để phát triển chương trình đào tạo phù hợp, đồng thời cung cấp cơ hội thực tập và việc làm cho sinh viên. Mô hình đào tạo đồng bộ giữa doanh nghiệp và các viện, trường sẽ giúp đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu của ngành và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam”, ông Hưởng chia sẻ.

Dẫn ví dụ từ câu chuyện Chính phủ Nhật Bản xây dựng nhà máy sản xuất chip bán dẫn, ký kết liên kết đào tạo với các trường đại học lớn của Mỹ, bà Nguyễn Thị Vân Anh (Trung tâm Khoa học và Đổi mới trong nghiên cứu thuộc Đại học Tohoku, Nhật Bản) cho rằng, Việt Nam có thể tham khảo mô hình này.

“Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển chip bán dẫn một cách phù hợp. Xây dựng cơ chế phù hợp để có thể đẩy mạnh hợp tác 3 bên: Doanh nghiệp - Nhà trường - Chính phủ”, bà Vân Anh khuyến nghị.

Chia sẻ kinh nghiệm đào tạo nhân lực bán dẫn từ Nga, GS-VS. Nguyễn Quốc Sỹ, Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT cho hay, Liên bang Nga đã thay đổi theo hướng tích hợp hệ thống đào tạo bán dẫn với hệ thống nghiên cứu và sản xuất, kết hợp với đầu ra của thị trường. Đó là một chuỗi liên kết mật thiết với nhau. Các cơ sở nghiên cứu thường sử dụng luôn nguồn lực cán bộ khoa học cho giảng dạy, thậm chí có thể tham gia các công đoạn sản xuất.

“Muốn xây dựng nền công nghiệp bán dẫn, Việt Nam phải đứng được vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Không chỉ sản phẩm đào tạo, mà cả sản phẩm cuối của ngành công nghiệp bán dẫn cũng phải được đưa vào thị trường toàn cầu, cạnh tranh sòng phẳng. Hệ sinh thái ở đây không chỉ là hệ sinh thái của riêng đào tạo, mà là hệ sinh thái của toàn bộ nền công nghiệp bán dẫn. Chỉ như vậy mới có thể đào tạo và phát triển nguồn nhân lực để xây dựng thành công ngành công nghiệp bán dẫn”, GS-VS. Nguyễn Quốc Sỹ khuyến nghị.

Thu hút nhân tài bán dẫn

Không những ở khâu đào tạo, việc thu hút nhân tài bán dẫn từ nước ngoài, kiều bào là vấn đề cấp thiết. Kiều bào sẽ hỗ trợ đào tạo, xây dựng phòng thí nghiệm, bồi dưỡng nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam. Họ cũng trở thành cầu nối với các tập đoàn đa quốc gia, nâng cao hình ảnh Việt Nam, cũng như tìm kiếm đối tác, chuyển giao công nghệ, tiếp cận công nghệ tiên tiến.

Trong Công điện số 83/CĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút nhân tài khoa học và công nghệ từ nước ngoài và từ khu vực công nghiệp về cộng tác, giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học, nhất là các bộ môn bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây…

Ông Eric Nguyễn, chuyên gia của SAP (Đức) cho rằng, việc đào tạo kỹ sư bán dẫn không thể làm ngay trong một sớm một chiều, mà cần thời gian 2-3 năm để đào tạo một kỹ sư ra trường và làm được việc. Trong khi đó, nguồn giáo viên đào tạo kỹ sư ở trong nước lại hạn chế. Vì vậy, Việt Nam có thể cân nhắc thu hút các chuyên gia người nước ngoài cũng như người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy trong nước. Tuy vậy, việc thu hút chuyên gia về Việt Nam để giảng dạy và chuyển giao công nghệ đang gặp nhiều khó khăn do những vướng mắc trong chính sách lương và chế độ đãi ngộ.

Theo GS-TS. Trần Xuân Tú, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Hà Nội), để thu hút nhân tài toàn cầu trong lĩnh vực bán dẫn về Việt Nam, điều đầu tiên cần phải có là môi trường làm việc tốt, tiếp đến là lương và các chế độ đãi ngộ khác.

“Chúng ta cũng cần phải có các chính sách về phát triển khoa học công nghệ. Lĩnh vực công nghệ cao phải có sự đầu tư, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển. Nếu chúng ta không có đầy đủ chính sách như vậy, thì sẽ rất khó thu hút nhân tài”, GT-TS. Trần Xuân Tú phân tích.

Còn TS. Nguyễn Thanh Tuyên, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), những điểm yếu về vốn và nhân lực trên hành trình đưa Việt Nam trở thành một cứ điểm sản xuất chip tầm cỡ khu vực sẽ phần nào được bổ khuyết nhờ đầu tư về chất xám và nguồn lực tín dụng từ 6 triệu kiều bào ở khắp nơi trên thế giới.

“Bộ Thông tin và Truyền thông kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Việt kiều đầu tư mạnh mẽ hơn nữa về Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất chip, bán dẫn, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, kết nối mời gọi đầu tư vào ngành bán dẫn ở Việt Nam. Kiều bào Việt Nam, với kiến thức chuyên môn sâu rộng, có kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam”, ông Tuyên nhận định.

FPT hợp tác với doanh nghiệp Đài Loan thành lập Quỹ Đầu tư phát triển ngành bán dẫn
Theo thỏa thuận hợp tác, FPT và FCC Partners Inc sẽ phối hợp để nghiên cứu thành lập một quỹ đầu tư, nhằm phát triển nguồn nhân lực, thu hút...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư