Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Chìa khóa tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp
Thùy Liên - 25/07/2023 11:18
 
Lãi suất không còn là rào cản lớn nhất của doanh nghiệp song vẫn có tới 25% doanh nghiệp vừa và nhỏ than khó tiếp cận vốn. Tăng khả năng tiếp cận vốn và tăng sức hấp thụ vốn cho doanh nghiệp là hai vấn đề nan giải hiện nay.

Lãi suất liên tục giảm, tín dụng vẫn tăng thấp nhất vòng vòng 13 năm

NHNN giảm lãi suất điều hành 4 lần, phân bổ hết room tín dụng, ban hành Thông tư cơ cấu nợ, tung ra các gói tín dụng ưu đãi, kết nối ngân hàngdoanh nghiệp… Bất chấp những nỗ lực này, tín dụng tính tới cuối tháng 6/2023 chỉ tăng 4,73%, thấp nhất trong vòng 13 năm qua.

f
Phó Thống đốc Đào Minh Tú

Phát biểu tại Hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp” diễn ra sáng nay (25/7), Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, 6  tháng đầu năm nay, kinh tế thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp và khó lường. Sản xuất, thương mại toàn cầu khó khăn; cạnh tranh chiến lược, xung đột địa chính trị giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; lạm phát ở mức cao; chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài… Trong nước, tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra trong bối cảnh cầu thế giới giảm và những khó khăn nội tại của nền kinh tế. Những diễn biến này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm ở mức thấp mặc dù NHNN và cả ngành Ngân hàng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp.  

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam khẳng định, thời gian qua, ngành ngân hàng đã có nhiều giải pháp đúng và trúng tháo gỡ điểm nghẽn vốn cho doanh nghiệp (giảm lãi suất, cơ cấu nợ, đơn giản thủ tục cho vay...), dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới hơn 38% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Theo ông Thân, ngành ngân hàng là ngành có nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả nhất trong hỗ trợ doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, tình hình của các doanh nghiệp vẫn rất khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa do tiêu thụ trong nước và đơn hàng xuất khẩu đều giảm mạnh. Ngoài khó khăn đầu ra, có tới 25% hội viên của Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng hiện nay họ đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng do tiêu chí cho vay còn khắt khe, tình trạng gây khó dễ của các cán bộ ngân hàng vẫn còn tồn tại.     

“Có một thực trạng là số lượng các doanh nghiệp không vay được vốn tín dụng hiện nay vẫn còn tương đối nhiều. Ngoài những các tác động khách quan từ thị trường, thì một phần nguyên nhân là do các chính sách của Nhà nước vẫn chưa đồng bộ, bản thân các doanh nghiệp cũng chưa chứng minh được năng lực hoàn vốn, năng lực quản lý, kế hoạch sản xuất kinh doanh và minh bạch tài chính… Do đó, để tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp thì chính sách giảm lãi suất chỉ là một trong các giải pháp”, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam nhận định.

Ngân hàng than khó cho vay

Chuyện ngân hàng đỏ mắt tìm khách vay, người vay lại không thể với tới tín dụng ngân hàng không phải là câu chuyện lần đầu tiên được nhắc tới. Từ góc nhìn ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng lý giải nguyên nhân vì sao một số doanh nghiệp khó vay vốn.
Thứ nhất, kinh tế khó khăn, nguồn lực của doanh nghiệp bị cạn kiệt dẫn tới việc các doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng và ngân hàng cũng không thể tự ý hạ tiêu chuẩn, giảm các quy định, điều kiện cho vay mà vẫn phải theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quản trị rủi ro, an toàn hệ thống.
Thứ hai, đa số các DN khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng là các DN mới thành lập trong thời gian qua, dù đã từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng đến nay nhiều DN vẫn chưa đủ khả năng trả hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn.
Thứ ba, nhiều DN có tài sản thế chấp gặp vướng mắc pháp lý, chưa có giấy chứng nhận, quy hoạch treo, tranh chấp…, dẫn đến không đáp ứng được điều kiện vay vốn.
Thứ tư, các DNVVN là đối tượng được ưu tiên áp dụng chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn, nhưng để được tiếp cận chính sách ưu tiên theo quy định, DNNVV phải đáp ứng được điều kiện về tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh. Tuy nhiên, hầu hết DNNVV hiện nay không đáp ứng được các điều kiện trên. Phần lớn DNNVV có quy mô nhỏ, năng lực tài chính, trình độ quản trị hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi, số liệu tài chính thiếu minh bạch, chính xác, Chứng từ kế toán không đáp ứng các chuẩn mực theo quy định nên ngân hàng khó xem xét cấp tín dụng..
Thực tế, hiện nay nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn. Lãnh đạo Công ty May 10 cho hay, đơn hàng sụt giảm 20-30% so với cùng kỳ khiến công  không có nhu cầu vay vốn dù lãi vay đã giảm mạnh, nhiều ngân hàng săn đón mời vay.
“Khi nào thị trường hồi phục trở lại, nhiều đơn hàng mở ra thì khi ấy doanh nghiệp mới tăng nhu cầu vay vốn ngân hàng”, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết.
Lãnh đạo các ngân hàng thương mại như VietinBank, Agribank, SHB… cho biết thời gian qua đã triển khai rất nhiều giải pháp như hạ lãi suất cho vay, tung ra các gói vay lãi suất ưu đãi, giảm thủ tục giải ngân… song vốn vẫn “ế”.

Ông Đinh Ngọc Dũng - Phó Giám đốc phụ trách Khối Ngân hàng Doanh nghiệp Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cho biết, dù đã triển khai rất nhiều giải pháp song tăng trưởng tín dụng của SHB nửa đầu năm nay vẫn chậm.  “Những tháng cuối năm, SHB tiếp tục tăng cường rà soát, cắt giảm thủ tục, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục cho vay, số hóa toàn bộ quy trình cho vay để giảm đáng kể thời gian xét duyệt và thẩm định cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng có thể tiếp cận nhanh chóng, thuận lợi nhất với nguồn vốn tín dụng ngân hàng”, ông Dũng cho biết.
Theo các chuyên gia, hiện nay, các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn mà khó khăn lớn nhất là nghẽn cả đầu vào lẫn đầu ra. Khó khăn thứ hai là vấn đề pháp lý, môi trường kinh doanh đứng thứ hai. Khó khăn về vốn chỉ đứng thứ ba.
Riêng về vấn đề vốn, hiện gánh nặng tài chính của doanh nghiệp rất lớn, gồm nghĩa vụ thuế, phí, nghĩa vụ nợ phải trả cho đối tác, sau cùng mới là vấn đề tiếp cận vốn ngân hàng.  Kênh huy động vốn từ thị trường cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn bị thu hẹp khiến cho áp lực vốn càng thêm nặng nề với nhiều doanh nghiệp.
Chìa khóa nào để “giải cứu” cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay, không chỉ doanh nghiệp mà các ngân hàng cũng rất khó khăn, phải đối diện với nhiều rủi ro lớn: nợ xấu gia tăng, biên lợi nhuận giảm, áp lực tăng vốn lớn. Việc tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế không chỉ “cứu” doanh nghiệp mà cũng chính là cứu ngân hàng.
Ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) cho rằng,  vấn đề quan trọng nhất đối với doanh nghiệp hiện nay không phải là vốn mà là thị trường, đầu ra cho sản phẩm… Vì vậy, điều doanh nghiệp cần hiện nay, bên cạnh hỗ trợ tiếp sức từ ngân hàng, là các chính sách hỗ trợ thúc đẩy cung ứng hàng hoá, sản phẩm. Đặc biệt với những doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ thì cần nhiều hơn nữa sự quan tâm về cơ chế chính sách, hạ tầng đất đai sản xuất, công nghệ mới…
“Để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn trong điều hành chính sách tài khóa sẽ có thêm sự chủ động, giải pháp trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, tiếp tục quan tâm tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp ngành sản xuất công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ. Qua đó, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần giảm bớt áp lực chi phí đầu vào, giảm giá đầu ra. Ngoài ra, chính sách tài khoá phối hợp với chính sách tiền tệ nhuần nhuyễn hơn để vừa kiểm soát lạm phát, vừa tạo thêm dư địa giảm lãi suất cho chính sách tiền tệ”, ông Vân kiến nghị.
Trong khi đó, Cấn Văn Lực đưa ra loạt giải pháp để tăng khả năng hấp thụ vốn của DN và người dân như: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thuế VAT, các chính sách giãn hoãn thuế, phí, tiền thuê đất, giảm 2% thuế GTGT; xem xét giảm tỷ lệ đóng BHXH cho DN; xem xét chuyển phần còn lại của Chương trình phục hồi (nhất là cấu phần hỗ trợ tiền thuê nhà, hỗ trợ 2% lãi suất…) sang Quỹ phát triển nhà ở xã hội; Chú trọng các động lực tăng trưởng (đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy các đầu tàu nền kinh tế; gỡ khó cho thị trường TPDN; đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế…
Riêng với doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp cần phải nâng tầm trình độ về quản lý, kế hoạch sản xuất kinh doanh và minh bạch tài chính… Khi các ngân hàng yên tâm về sức khoẻ của doanh nghiệp thì chắc chắn các ngân hàng sẽ không từ chối cho vay.
Trước mắt, Hiệp hội DNNVV và NHNN sẽ sớm tham mưu giải pháp tháo gỡ khó khăn ngắn hạn cho doanh nghiệp, chẳng hạn tháo gỡ khó khăn về điều kiện vay. Ngoài ra, chính sách tài khoá cần phải có quy định rất rõ ràng, mạch lạc, giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận được các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước mà không sợ thanh kiểm tra.

Loạt ngân hàng báo lãi quý II/2023; Kiến nghị bơm tín dụng bất động sản
Ngoài ra, các vấn đề, như chuyên gia cảnh báo một số rủi ro khi tiền tệ nới lỏng, nợ xấu vọt tăng, triển vọng các kênh đầu tư cuối năm......
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư