Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Chính phủ đề xuất bố trí 2,75 triệu tỷ đồng vốn đầu tư trung hạn 5 năm tới
Kỳ Thành - 20/10/2020 18:15
 
Trong tổng vốn ngân sách nhà nước dành cho đầu tư công giai đoạn tới, vốn ngân sách trung ương chiếm 1,38 triệu tỷ đồng, vốn cân đối từ địa phương là 1,37 triệu tỷ đồng.

Chiều 20/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày trước Quốc hội “Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025”.

Hiệu quả đầu tư công đã được cải thiện

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2016-2020 được Quốc hội thông qua với tổng mức vốn đầu tư tối đa là 2 triệu tỷ đồng, bao gồm: Vốn ngân sách trung ương (NSTW) là 1,12 triệu tỷ đồng, gồm vốn nước ngoài 300 nghìn tỷ đồng, vốn trong nước 820 nghìn tỷ đồng; Vốn cân đối ngân sách địa phương (NSĐP) là 880 nghìn tỷ đồng.

Căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và điều chỉnh theo Nghị quyết số 71/2018/QH14.

“Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp quyết liệt yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh và cho biết, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã tích cực triển khai các Nghị quyết này.

Nhờ đó đã hình thành khung khổ pháp luật tương đối đồng bộ, thống nhất quản lý đầu tư công như Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 và tiếp theo là Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14, Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư số 64/2020/QH14 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật với nhiều quy định mới giúp quản lý chặt chẽ toàn bộ quá trình đầu tư công…

“Các quy định này đã đáp ứng yêu cầu quản lý đầu tư công như ngăn ngừa sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí trong việc quyết định chủ trương đầu tư, nâng cao trách nhiệm của người ra quyết định chủ trương đầu tư; khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý sử dụng vốn nhà nước đối với toàn bộ quá trình đầu tư”, ông Dũng cho hay.

Hiệu quả đầu tư công đã từng bước cải thiện, đầu tư tập trung, số dự án khởi công mới từng năm trong giai đoạn 2016-2020 giảm dần, số vốn bố trí bình quân cho một dự án kế hoạch năm sau cao hơn năm trước, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả.

Đặc biệt, hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư nói chung và đầu tư công nói riêng đã được cải thiện, hệ số ICOR giai đoạn 2016-2019 là 6,1 thấp hơn so với mức gần 6,3 của giai đoạn 2011-2015.

Nhìn chung, đầu tư công đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.

Nhiều công trình, dự án quan trọng, quy mô lớn được tập trung đầu tư hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020 , khởi công nhiều đoạn của cao tốc Bắc - Nam, đã hoàn thành đầu tư xây dựng 880 km đường bộ cao tốc, mạng lưới quốc lộ đạt 24.598 km, đáp ứng nhu cầu vận tải của nền kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Lãng phí, thất thoát chưa được xử lý triệt để

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắn nhìn nhận, cơ cấu lại đầu tư chưa gắn với cơ cấu lại tài chính ngân sách, vai trò chủ đạo của NSTW chưa được phát huy. Chi đầu tư trung ương thấp hơn chi đầu tư địa phương ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn; nhiều nhiệm vụ chi chưa cân đối được nguồn vốn để giải quyết dứt điểm trong giai đoạn 2016-2020.

Bên cạnh đó, thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào khu vực công đã có chuyển biến tích cực nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra. Chất lượng quy định quản lý đầu tư công còn bất cập, đặc biệt ở khâu lựa chọn, đánh giá hiệu quả dự án.

Việc giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công mặc dù đã chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu. Tiến độ của một số dự án trọng điểm còn chậm. Chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa chi đầu tư và chi thường xuyên. Tình trạng lãng phí, thất thoát, chất lượng công trình thấp trong đầu tư và xây dựng chưa được xử lý triệt để.

Nguyên nhân mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra là do tác động ảnh hưởng từ những biến động của tình hình kinh tế chính trị, kinh tế thế giới ảnh hưởng tình hình kinh tế trong nước, dẫn đến việc huy động các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác phục vụ cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn cũng như tác động trực tiếp đến nguồn thu NSNN; các tồn tại, bất cập về đầu tư công trong giai đoạn trước chưa thể xử lý dứt điểm ngay trong ngắn hạn, còn nhiều dự án chuyển tiếp từ các năm trước chuyển sang cần phải tiếp tục xử lý, sắp xếp…

Về mặt chủ quan, thể chế pháp luật về đầu tư công tuy đã khá đồng bộ, nhưng vẫn còn tồn tại các quy định chồng chéo giữa các văn bản pháp luật có liên quan đến đầu tư công như quy định về đất đai, về môi trường, xây dựng; chất lượng quy hoạch còn thấp, tính dự báo còn hạn chế, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, mất nhiều thời gian, làm chậm tiến độ của hầu hết các dự án; vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, năng lực quản lý của một số chủ đầu tư ở một số nơi còn hạn chế, công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra chưa được quan tâm đúng mức...

Dự kiến 2,75 triệu tỷ đồng vốn đầu tư trung hạn 5 năm tới

Về dự kiến phân bổ vốn đầu tư nguồn NSNN giai đoạn 2021-2025, tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn NSNN cho giai đoạn này là 2,75 triệu tỷ đồng, trong đó vốn NSTW chiếm 1,38 triệu tỷ đồng, vốn cân đối NSĐP 1,37 triệu tỷ đồng.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được kỳ vọng sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công.

Trong giai đoạn 2021-2025, đầu tư hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tuyến đường bộ ven biển cả nước, các tuyến đường kết nối, các cảng hàng không, cảng biển,… góp phần giảm thời gian lưu thông hành khách và hàng hóa, tiết kiệm nhiên liệu, giảm chi phí vận tải, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, mở rộng không gian phát triển, tạo quỹ đất cho đầu tư sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả tài nguyên biển, phát triển kinh tế biển,...

Thẩm tra báo cáo này, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, để khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19, tạo cú hích về nguồn vốn cho phát triển kinh tế, để có những bước đột phá, tăng trưởng thì việc tăng tổng mức đầu tư NSNN trong giai đoạn 2021-2025 cao hơn giai đoạn 2016-2020 là cần thiết. Vì vậy, cơ quan này cơ bản nhất trí với tổng số vốn Chính phủ dự kiến.

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính ngân sách cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để bảo đảm tính khả thi của kế hoạch, giữ an toàn nợ công, bảo đảm nguyên tắc số bội chi NSNN phải nhỏ hơn số chi đầu tư phát triển và việc bố trí dự toán chi đầu tư hàng năm phải căn cứ vào khả năng thu NSNN thực tế theo quy định của Luật NSNN.

Thường vụ Quốc hội xem xét các kế hoạch kinh tế-xã hội, ngân sách, đầu tư công
Không chỉ kết quả năm nay mà cả kế hoạch giai đoạn 5 năm tới về kinh tế - xã hội, ngân sách, đầu tư công, tài chính đều sẽ được đặt lên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư