Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Chính phủ họp hội nghị “4 trong 1”, sẽ ra nghị quyết về giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn vì COVID-19
Hà Nguyễn - 10/04/2020 08:03
 
Hội nghị sẽ tập trung thảo luận, cho ý kiến để hoàn thiện và sớm ban hành Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch COVID-19.

Hôm nay (10/4), Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch COVID-19 sẽ được tổ chức.

Đây là hội nghị quan trọng, được gọi là hội nghị “4 trong 1”, bởi đúng như tên gọi của nó, sẽ tập trung thảo luận 4 vấn đề quan trọng liên quan kinh tế - xã hội, an ninh, an ninh trật tự xã hội trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp.

Sẽ có nghị quyết chuyên đề về chính sách tháo gỡ khó khăn

Hội nghị được tổ chức đã thể hiện trách nhiệm của Chính phủ, các cấp, các ngành với nhân dân nhằm ổn định đời sống nhân dân, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, trên tinh thần mọi cấp, mọi ngành, mọi người dân, doanh nghiệp đều cố gắng, nỗ lực khắc phục khó khăn, tập trung quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh, đồng thời nỗ lực duy trì, phát triển sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm các thành phần yếu thế của xã hội có cuộc sống tối thiểu cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh.

Theo kế hoạch, Hội nghị sẽ tập trung thảo luận, cho ý kiến để hoàn thiện và sớm ban hành Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch COVID-19.

Dự thảo nghị quyết này đang được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị, trên tinh thần là sẽ có các cơ chế, chính sách tốt nhất trong điều kiện và nguồn lực cho phép, tập trung khắc phục khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và tạo đà cho các năm tiếp theo, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh; cụ thể hóa các chủ trương, chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi của Đảng, Nhà nước, Chính phủ với nhân dân, doanh nghiệp theo tinh thần quyết liệt, quyết tâm và trách nhiệm cao.

Thực tế, kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên toàn cầu và Việt Nam đến nay, Chính phủ đã rất quyết liệt trong hành động, không chỉ trong dập, ngăn chặn dịch bệnh, mà còn trong thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, duy trì tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11 Về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19. Các gói hỗ trợ về chính sách tiền tệ, tài khóa, an sinh xã hội cũng lần lượt được công bố, ban đầu chỉ là gói tiền tệ 250.000 tỷ đồng, tài khóa 30.000 tỷ đồng nhưng cho đến nay đã được nâng lên 300.000 tỷ đồng và 180.000 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, còn có gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, nhằm hỗ trợ những người dân, người lao động bị giảm sâu thu nhập bởi dịch bệnh COVID-19.

Nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng tới nền kinh tế, sẽ tiếp tục có các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được ban hành.

Trong đó, một trong những nhiệm vụ, giải pháp được đặc biệt coi trọng trong bối cảnh hiện nay là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, làm sao năm nay phải giải ngân hết vốn còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020, với tổng số vốn gần 700.000 tỷ đồng, tương đương gần 30 tỷ USD, không để dồn lại cuối năm như những năm trước đây.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thì phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng đối với cấp ủy, chính quyền các cấp, các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương theo tinh thần Bộ ngành nào, cơ quan nào, địa phương nào làm chậm thì người đứng đầu phải trực tiếp kiểm điểm trách nhiệm; nếu đến tháng 9/2020 dự án nào không giải ngân thì sẽ điều chuyển vốn sang cơ quan, đơn vị khác. 

Chuẩn bị cho "lò xo kinh tế" bật lên mạnh mẽ

Kinh tế Việt Nam đang chịu tác động nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19. Tăng trưởng GDP quý I chỉ là 3,82% và dự báo, năm nay, tăng trưởng GDP cả năm sẽ chỉ ở mức khoảng 5%, tùy tình hình dịch bệnh được ngăn chặn ở thời điểm nào.

Tuy trong khó khăn, kinh tế Việt Nam vẫn có tăng trưởng, thậm chí là mức tăng trưởng cao so với trong khu vực, nhưng người đứng đầu Chính phủ cũng đã nói, không thể “ru ngủ” vì điều đó.

Chính phủ luôn xác định phương châm điều hành là tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép”, là vừa chống dịch, vừa duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19; có các phương án, giải pháp phù hợp nhằm ứng phó với mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nhân dân, sớm khống chế thành công dịch bệnh để tạo điều kiện phục hồi các hoạt động của nền kinh tế.

Trên thực tế, nếu không khống chế được dịch thì ảnh hưởng và thiệt hại của nó gây ra chắc chắn sẽ cao hơn nhiều so với chi phí để phòng, chống dịch. Bởi thế, kiểm soát được dịch bệnh là yếu tố mang tính giải pháp quan trọng nhất để giảm thiểu thiệt hại của nền kinh tế, tạo điều kiện duy trì và sớm phục hồi sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng, giúp Việt Nam tận dụng cơ hội khi Trung Quốc và đối tác lớn tuyên bố hết dịch và nới lỏng các biện pháp giao thương.

Hiện tại, kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu vận hành trở lại sau đại dịch. Vì thế, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam chuẩn bị cho sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch.

Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh việc đã đến lúc phải chuẩn bị cho "lò xo kinh tế" bật lên mạnh mẽ. 

Còn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, ngoài các vấn đề về an sinh xã hội, còn những vấn đề khác phải tính đến. Đó là xác định những việc cần làm ngay trong thời điểm hiện nay để có những phản ứng chính sách kịp thời; đồng thời chủ động xây dựng kịch bản phát triển quốc gia đón đầu sự phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.

Theo Bộ trưởng, đây là những vấn đề lớn nhằm hiện thực hóa được các mục tiêu: giảm tối đa ảnh hưởng của dịch lên nền kinh tế, các ngành, lĩnh vực và đời sống nhân dân; đánh giá và dự báo những xu hướng thay đổi cũng như trật tự trong khu vực và trên thế giới từ tác động của dịch; đồng thời, tận dụng cơ hội và xu thế mới trong phát triển để chuẩn bị ngay những giải pháp, kịch bản cho phát triển kinh tế nhanh và bền vững của đất nước.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh, đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam nắm lấy để có các quyết sách đúng đắn và kịp thời. Theo đó, phải đẩy nhanh việc cải cách, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và toàn bộ nền kinh tế, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh… nhằm đủ sức tham gia ngay các trật tự mới, cấu trúc mới sau khi hết dịch (dự kiến sẽ diễn ra rất nhanh).

Dự kiến, tại Hội nghị hôm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo Chính phủ những nghiên cứu đầu tiên liên quan đến việc xây dựng kịch bản phát triển quốc gia đón đầu sự phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.

Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Theo đó, Nghị định quy định việc gia hạn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư