Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 30 tháng 12 năm 2024,
Chính phủ trông cậy vào các địa phương đầu tàu của nền kinh tế, trong đó có Hải Phòng
Thanh Sơn - 08/10/2024 19:01
 
Chính phủ trông cậy vào các địa phương đầu tàu của nền kinh tế, có tiềm lực, trong đó có Hải Phòng. Hải Phòng cần cố gắng vượt trội để bù đắp cho các địa phương khó khăn hơn, góp phần vào thành tựu phát triển chung của cả nước.

Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội tăng trưởng khá

Đó là khẳng định của Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình trong buổi làm việc với lãnh đạo TP. Hải Phòng về tình hình khắc phục hậu quả mưa bão, lũ lụt; giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, nhà ở xã hội, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia vào ngày 8/10.

Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết, Hải Phòng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3 với mức độ thiệt hại lớn, ước tính tổng giá trị thiệt hại trên 13.000 tỷ đồng. Thành phố dự kiến dành trên 1.200 tỷ đồng từ các nguồn dự phòng ngân sách, cắt giảm chi thường xuyên và chi đầu tư công, quỹ dự trữ tài chính để khắc phục các thiệt hại do bão số 3 gây ra.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng báo cáo tại buổi làm việc
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng báo cáo tại buổi làm việc.

Đến nay, cơ bản hạ tầng kinh tế - xã hội của Thành phố như viễn thông, điện, nước, giao thông, công nghiệp - dịch vụ, y tế - giáo dục... đã được khôi phục, tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tiếp tục có sự tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2023: Tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng năm 2024 đạt 9,77%, đứng thứ 8 cả nước, gấp 1,43 lần tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 1,78 tỷ USD, đạt 89% kế hoạch năm. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 9 tháng đạt trên 87.800 tỷ đồng, tăng trên 34% so với cùng kỳ; bằng khoảng 90% dự toán Trung ương giao.

Về giải ngân vốn đầu tư công, tính đến ngày 30/9, Thành phố đã giải ngân gần 8.900 tỷ đồng, bằng 52% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, xếp thứ 27 toàn quốc; đứng thứ 5 vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng đầu 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, đây là mức thấp so với các năm trước, là một khó khăn để phấn hoàn thành kế hoạch năm 2024.

Về tình hình xây dựng cơ sở hạ tầng, thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện 13 dự án giao thông trọng điểm kết nối liên tỉnh, liên vùng. Tập trung phối hợp, phấn đấu khởi công các dự án lớn, trọng điểm để mở rộng không gian đô thị về khu vực Bắc sông Cấm và các khu công nghiệp khu vực ven thành phố. Thành phố đang tiếp tục tập trung để phát triển thêm 20 khu công nghiệp mới với tổng diện tích hơn 7.000 ha theo quy hoạch. Đồng thời, Thành phố đang trình Đề án thành lập Khu kinh tế phía Nam Hải Phòng, phấn đấu hoàn thành phê duyệt trong năm 2025.

Về tình hình xây dựng nhà ở xã hội, hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 9 dự án đã khởi công xây dựng với tổng quy mô 15.000 căn. Đến năm 2025 dự kiến tổng số căn tại các dự án ít nhất là khoảng 20.800 căn, 70 - 80% trong số đó được đưa ra thị trường. Như vậy, đến năm 2025, Thành phố cơ bản hoàn thành vượt chỉ tiêu 15.400 căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2025 Chính phủ đặt ra cho Hải Phòng.

Để hoàn thành các kế hoạch, mục tiêu đề ra, thành phố đề xuất kiến nghị với Chính phủ 7 vấn đề.

Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án: Đề án thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng; Dự án xây dựng các bến số 9, 10, 11, 12 thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch huyện; 5 dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp (Tràng Duệ 3; Nam Tràng Cát; Giang Biên 2; Vinh Quang; Nhật Bản - Hải Phòng (Nomura)).

Đề nghị Bộ Công thương sớm nghiên cứu xây dựng Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Vùng Đồng bằng sông Hồng đặt tại Thành phố.

Đề nghị Chính phủ sớm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thông qua các Đề án, Nghị quyết về: Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 35 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng; Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 35 của Quốc hội, trong đó đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội hơn và thành lập Khu thương mại tự do tại Hải Phòng để triển khai Nghị quyết số 45, Kết luận số 96 của Bộ Chính trị; Tổ chức chính quyền đô thị; sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; Thành lập thành phố trực thuộc thành phố tại huyện Thủy Nguyên và chuyển huyện An Dương thành quận.

Hải Phòng cần đặt và phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng vượt trội hơn

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao Hải Phòng trong công tác phòng chống cũng như khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra; biểu dương Hải Phòng đã thực hiện đầy đủ các chỉ đạo của Trung ương, dành nguồn lực khắc phục thiệt hại do bão gây ra, giúp quá trình hồi phục nhanh chóng.

Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình mong muốn Hải Phòng cần đặt và phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng vượt trội hơn, qua đó góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước.

Đối với các kiến nghị, đề xuất của Hải Phòng, Phó thủ tướng ủng hộ và yêu cầu các bộ, ngành tạo điều kiện có hành lang pháp lý để thành phố triển khai, trở thành cú hích, giúp thành phố bứt phá trong nhiệm kỳ tới. Đề án về chính quyền đô thị của thành phố, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội.

Liên quan đến hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhà ở xã hội, Phó thủ tướng cho rằng, các hệ thống hạ tầng đã và sẽ triển khai như đường ven biển, cầu cảng, khu kinh tế, sân bay... thể hiện tầm nhìn của Thành phố.

Các dự án này khi đi vào cuộc sống sẽ tạo cú hích trong tương lai và nhiệm kỳ tới sẽ là nhiệm kỳ tăng tốc mạnh của Hải Phòng. Một số dự án đã triển khai như đường ven biển, nếu nâng lên thành cao tốc kết nối từ Thanh Hóa ra Hải Phòng với hàng loạt khu kinh tế, sẽ phát huy hiệu quả, tác dụng rất tốt.

Nhấn mạnh, mặc dù tốc độ tăng trưởng của Hải Phòng là ấn tượng, song dư địa còn rất lớn, Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình mong muốn Hải Phòng cần đặt và phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng vượt trội hơn, qua đó góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước.

“Chính phủ trông cậy và mong đợi nhiều vào các địa phương đầu tàu của nền kinh tế, trong đó có Hải Phòng. Những đầu tầu của nền kinh tế có tiềm lực như Hải Phòng cần cố gắng vượt trội để bù đắp cho các địa phương có điều kiện khó khăn hơn, qua đó góp phần vào thành tựu phát triển chung của cả nước”, Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình bày tỏ.

Nêu rõ, đầu tư công là một trong những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng, dù giải ngân của Thành phố hiện ở mức cao hơn bình quân chung của cả nước, song dư địa để tăng giải ngân đầu tư công của Hải Phòng còn rất nhiều, Phó thủ tướng đề nghị Hải Phòng quan tâm đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn, tin tưởng điều này nằm trong tầm tay của Thành phố.

“Cái gì có lợi cho sự phát triển, tăng trưởng của Thành phố, Chính phủ ủng hộ, vấn đề còn lại là thủ tục giải quyết cho nhanh, thể chế hóa các kết luận của Bộ Chính trị để Hải Phòng phát triển nhanh nhất, thuận lợi nhất”, Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng phát biểu kết luận buổi làm việc
Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng phát biểu kết luận buổi làm việc.

Thay mặt lãnh đạo thành phố, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cảm ơn những đánh giá, nhận xét của các bộ, ngành Trung ương; đặc biệt sự chia sẻ và chỉ đạo sát sao của Phó thủ tướng. Hải Phòng cam kết nỗ lực hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ thành phố XVI, Nghị quyết của 45 Bộ Chính trị.

Những vấn đề mà Phó thủ tướng lưu ý là thách thức lớn, nhưng Hải Phòng quyết tâm sẽ không lùi bước. Tuy nhiên, thành phố hơn bao giờ hết cần một cơ chế, chính sách đặc thù rất mong nhận được sự ủng hộ của Chính phủ, hỗ trợ của bộ, ngành. Hải Phòng đi sau nhưng học tập được kinh nghiệm của các địa phương đi trước như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng trong việc vận dụng, phát huy cơ chế đặc thù.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đi thị sát, kiểm tra khu vực Dự án xây dựng đường cao tốc ven biển, khu vực dự kiến xây dựng Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng và cảng Nam Đồ Sơn
Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình đi thị sát, kiểm tra khu vực dự án xây dựng đường cao tốc ven biển, khu vực dự kiến xây dựng Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng và cảng Nam Đồ Sơn.
Khảo sát tại Khu tập thể 3 tầng An Dương, phường An Dương, quận Lê Chân (cấp D)
Khảo sát tại Khu tập thể 3 tầng An Dương, phường An Dương, quận Lê Chân (cấp D).
Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nghe báo cáo Điều chỉnh dự án Trung tâm Hội nghị, Thương mại và Du lịch quốc tế (gắn với kinh doanh Casino) tại phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn.

Trước khi làm việc với lãnh đạo TP. Hải Phòng, Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình trực tiếp đi thị sát, kiểm tra khu vực dự án xây dựng đường cao tốc ven biển, khu vực dự kiến xây dựng Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng và cảng Nam Đồ Sơn; kiểm tra công tác di dời các hộ dân tại khu chung cư cũ cấp D tại phường An Dương, quận Lê Chân.

Lãnh đạo Hải Phòng gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp FDI
Sáng nay (5/10), Thường trực Thành ủy Hải Phòng tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư