Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Chính phủ yêu cầu một loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trình ngay trong tháng 9/2021
Khánh An - 09/09/2021 18:34
 
Ngày 9/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.
.
 Trong tháng 9/2021, Cổng thông tin về các văn bản chỉ đạo, điều hành chống dịch sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế hoàn thành.

Hỗ trợ doanh nghiệp trở lại hoạt động

Với 4 nhóm giải pháp, mục tiêu của Nghị quyết 105/NQ-CP được xác định là tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Nghị quyết xác định rõ yêu cầu hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch Covdi-19.

Để đạt được, Nghị quyết 105/NQ-CP đã đưa ra một số chỉ tiêu cụ thể.

Thứ nhất, đến hết năm 2021, lũy kế ít nhất khoảng 1 triệu lượt khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó dịch bệnh.

Thứ hai, đại đa số các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh  tạm ngừng kinh doanh trở lại hoạt động.

Thứ ba, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách gia hạn nộp thuế, miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; hỗ trợ tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động... cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Hàng loạt giải pháp phải trình Chính phủ trong tháng 9/2021

Nhóm nhiệm vụ đầu tiên là thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống đại dịch Covid-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Nhiều giải pháp sẽ phải hoàn tất trong tháng 9/2021.

Cụ thể, Bộ Y tế sẽ phải rà soát, sửa đổi các quy định về bảo hiểm y tế theo hướng cho phép bảo hiểm y tế được thanh toán các hoạt động khám, chữa bệnh từ xa có thu phí, trình Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo trình tự, thủ tục rút gọn trong tháng 9/2021.

Cũng trong tháng 9/2021, Bộ Y tế phải ban hành văn bản hướng dẫn việc doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mua sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm, thực hiện việc tự xét nghiệm và công nhận kết quả xét nghiệm của doanh nghiệp.

Cùng với đó, Chính phủ giao Bộ Y tế nghiên cứu xây dựng cơ chế, hướng dẫn, tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu vắc xin; Nhà nước thực hiện kiểm tra chất lượng, cấp phép, bảo quản và tổ chức tiêm vắc xin miễn phí cho mọi người dân...

Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu căn cứ vào tình hình kiểm soát dịch và mức độ bao phù vắc xin trên địa bàn, Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương thực hiện Chỉ thị 16 có lộ trình, kế hoạch cụ thể để doanh nghiệp, hợp tác xã có thể hoạt động trở lại...

Cũng trong tháng 9/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an và các bộ, ngành địa phương, cơ quan liên quan ban hành sổ tay điện tử hướng dẫn ứng phó với Covid-19, xây dựng cổng thông tin về các văn bản chỉ đạo, điều hành chống dịch.

Trong nhóm giải pháp thứ hai là đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng, Bộ Giao thông - Vận tải: được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan ban hành hướng dẫn quy định về giao nhận, vận tải trong điều điều kiện phòng, chống dịch, báo cáo Chính phủ trong tháng 9/2021.

Cùng với đó, Nghị quyết nhấn mạnh nhiệm vụ của Bộ Giao thông - Vận tải trong hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất “luồng xanh” vận tải đường bộ và đường thuỷ toàn quốc, liên tỉnh, liên vùng để vận chuyển hàng hóa thông suốt. Nguyên tắc của hướng dẫn này là đơn giản hóa thủ tục, nhanh chóng, thuận lợi; khai thác lợi thế của việc vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt trong chuỗi cung ứng sản phẩm; không quy định thêm các điều kiện cản trở lưu thông, đặc biệt đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, vật tư, nguyên liệu sản xuất; không để xảy ra tiêu cực, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Nhóm giải pháp thứ 3 là hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan khẩn trưởng trình cấp có thẩm quyền và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ban hành chính sách liên quan đến giảm mức đóng hoặc hỗ trợ từ kết dư quỹ bảo hiểm xã hội ngắn hạn nhằm kịp thời hỗ trợ cho người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh  doanh và các đối tượng sử dụng lao động khác, hoàn thành trong tháng 9/20201.

Cũng trong tháng này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu, đề xuất miễn tiền phạt chậm nộp bảo hiểm xã hội phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 theo quy định.

Bộ Giao thông - Vận tải cũng phải hoàn thành yêu cầu quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định chính sách giá dịch vụ liên quan đến hoạt động hàng không nhằm  hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải hàng không,đang trong giai đoạn bị tác động tiêu cực của dịch Covid-19 trong tháng này.

Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Chính phủ trog tháng 9/2021 về việc gia hạn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã đang khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Cũng trong tháng 9/2021, Bộ này sẽ báo cáo Chính phủ việc áp dụng hậu kiểm đối với các thủ tục hành chính, cấp phép trong lĩnh vực môi trường trong thời gian dịch Covid-19, cho phép thực hiện cấp phép trên cơ sở xem xét hồ sơ và ý kiến đồng thuận của cơ quan quản lý chuyên mô tại địa phương mà không phai tổ chức kiểm, khát sát thực tế... Việc kiểm tra sẽ được thực hiện sau...

Trong nhóm giải pháp thứ 4 là tạo điều kiện cho lao động và chuyên gia, Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong tháng 9/2021 chỉ đạo các địa phương thực hiện linh hoạt,  nới lỏng các quy định, điều kiện về việc cấp, gia hạn giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam phù hợp với bối cảnh mới, nhưng phải an toàn về phòng chống dịch.

Bộ Y tế cũng phải hoàn tất hướng dẫn quy trình về cách ly y tế an toàn trong tháng 9/2021 để các địa phương thực hiện thống nhất, tạo thuận lợi cho việc tiếp nhận lao động đến và trở về từ các địa phương khác...

Trong nhóm giải pháp này, Bộ Ngoại giao được yêu cầu báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2021 việc đàm phán, công nhận lẫn nhau về hộ chiếu vắc xin với các quốc gai, vùng lãnh thổ... nhằm mở cửa nền kinh tế khi điều kiện cho phép.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBDN tỉnh, thành phố
- Trực tiếp chỉ đạo, khẩn trương tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết này, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, kịp thời động viên khen thưởng những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chủ động đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kết hợp tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh...
- Chỉ đạo tạm dừng, giãn, hoãn các cuộc kiểm tra, thanh tra cần thiết đã có trong kế hoạch năm 2021 và tổ chức thực hiện trong thời gian phù hợp sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát.
- Chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ được giao đúng tiến độ và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết này.
- Bố trí đầu mối chuyên trách, chuyên nghiệp để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị cùa doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa bàn được giao quản lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
- Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp cán bộ, công chức gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh
- Sau khi ban hành các chính sách, giải quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ... 

Nguồn: Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.

Hỗ trợ doanh nghiệp: Trách nhiệm nặng nề nằm ở khâu thực thi
Hàng loạt giải pháp hỗ trợ cấp bách mà doanh nghiệp đang cần đã được điểm danh chi tiết trong Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư