Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chính quyền nhìn PCI qua lăng kính doanh nghiệp
Khánh An - 09/04/2017 09:08
 
Hội thảo Phân tích Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2016 (tổ chức tại Vĩnh Long giữa tuần qua) được bắt đầu bằng câu hỏi, liệu PCI cao có khiến các địa phương thu hút thêm doanh nghiệp, thu hút thêm đầu tư?

Cho dù 6 tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, gồm Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre, Kiên Giang và Long An có mặt trong Top 15 PCI năm 2016 (vừa được công bố vào tháng 3/2017), nhưng không một tên tuổi nào trong số này xuất hiện trong 10 địa điểm hấp dẫn đầu tư nhất đối với các doanh nghiệp (doanh nghiệp) dân doanh Việt Nam (cũng theo khảo sát của PCI).

Trong khi đó, đây là vùng đứng đầu cả nước nhiều năm về tính năng động, tiên phong của chính quyền địa phương, về môi trường pháp lý an toàn hơn và môi trường kinh doanh bình đẳng hơn cho khu vực kinh tế tư nhân trong bảng xếp hạng các điểm số thành phần của PCI.

.
Hội thảo Phân tích Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2016

“Chúng tôi muốn biết doanh nghiệp thực sự đang cần gì hơn nữa”, ông Trần Văn Rón, Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Long lý giải việc đăng cai tổ chức hội thảo này.

Cũng phải nói thêm, Vĩnh Long là một điểm sáng của PCI năm 2016 khi tăng tới 13 bậc trong bảng xếp hạng, đang đứng ở vị trí thứ 6. Không chỉ vậy, tỉnh này đang là quán quân của chỉ số tiếp cận đất đai, với tỷ lệ 67% doanh nghiệp không khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai trong vòng 2 năm qua; là á quân của chỉ số gia nhập thị trường với chỉ còn 6% doanh nghiệp mất 1 tháng để chính thức đi vào hoạt động...

Nhưng, đây chưa phải là tất cả những gì mà Vĩnh Long muốn đạt được khi tỉnh này mới có 2.762 doanh nghiệp tính đến năm 2016.

“Các doanh nghiệp tư nhân của Vĩnh Long đang đóng góp 42% ngân sách địa phương (trong khi khu vực FDI chỉ đóng góp 5%), giải quyết hơn 33.000 việc làm. Năm 2016, đã có thêm 288 doanh nghiệp mới. Nếu doanh nghiệp phát triển mạnh hơn, kinh tế của địa phương sẽ phát triển”, ông Trương Đặng Vĩnh Phúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Long chia sẻ.

Đây cũng là điều mong muốn của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là khi vùng này vẫn tiếp tục không hấp dẫn các nhà đầu tư do bất lợi về vị trí địa lý và hạ tầng giao thông.

“An Giang xem doanh nghiệp là động lực phát triển, là sự sống còn của tỉnh. Chúng tôi muốn xem có cách gì hơn những gì mà Sóc Trăng và nhiều tỉnh đã làm, như đối thoại với doanh nghiệp. Chúng tôi đã làm việc với thanh tra thuế, hải quan, chuyên ngành... để đảm bảo rằng, những sai sót nhỏ của doanh nghiệp không bị phạt, không coi khoản này là doanh thu của ngân sách. Có thể khoản này không nhiều, nhưng nó làm doanh nghiệp bức xúc”, ông Lê Văn Nưng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang chia sẻ quan điểm khi cho rằng, nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp vượt quá thẩm quyền của địa phương.

Hơn thế, kết quả PCI năm 2016 tiếp tục phát hiện điểm yếu có thể gọi là cố hữu của cả vùng, đó là chất lượng lao động không đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Liên tục trong 12 năm công bố PCI, khu vực này đều nằm cuối bảng về lao động qua đào tạo.

Thậm chí, năm 2016, có tới 81% doanh nghiệp khu vực này kêu ca không tuyển được cán bộ quản lý cấp cao; 67% doanh nghiệp khó kiếm cán bộ cấp trung và cán bộ kỹ thuật.

Đặc biệt, bóc tách các chỉ số của PCI, ông Đậu Anh Tuấn, Giám đốc Dự án PCI, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) còn phát hiện, mặc dù nông nghiệp là lĩnh vực quan trọng của khu vực này, nhưng đây là nhóm doanh nghiệp có thời hạn vay vốn thấp nhất.

“Các doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đứng thứ hai về khó tiếp cận vốn ngân hàng. Đây cũng là các chỉ số mà chính quyền các địa phương có thể tham gia hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ chiếm tỷ lệ lớn trong vùng”, ông Tuấn phân tích.

Cũng phải nói thêm, nghiên cứu của các chuyên gia PCI từ VCCI trong 12 năm thực hiện PCI cho thấy, một điểm cải thiện trong chỉ số PCI gốc sẽ giúp tăng tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới thêm 2,7%. Một điểm cải thiện về chỉ số tiếp cận đất đai hoặc cạnh tranh bình đẳng có thể giúp tăng thêm 15% số doanh nghiệp đăng ký mới trong 10 năm tới.

Nghĩa là, những quyết tâm để doanh nghiệp thực sự an tâm kinh doanh, như ông Lê Văn Nưng cam kết trong các hành động của chính quyền tỉnh An Giang, sẽ cho ra kết quả trong nhiều năm nữa.

“Chúng tôi cải thiện PCI để tạo nên các doanh nghiệp mạnh hơn, nhiều hơn, chứ không chỉ vì thứ hạng cho chính quyền. Chúng tôi cũng muốn các bộ, ngành trung ương chia sẻ quan điểm này”, ông Nưng thẳng thắn.

Bảng xếp hạng PCI 2016: Cuộc đua của sáng kiến
Không chỉ có sự tỏa sáng của các ngôi sao cải cách, sự bứt phá của các địa phương phía dưới Bảng Xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư