Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 01 năm 2025,
Chính sách hỗ trợ tạm cư của TP.HCM: Vì sao bị “tuýt còi”?
Ngô Nguyên - 27/08/2023 11:36
 
Xuất phát từ thực tế và đặc thù, TP.HCM đã mạnh dạn chi gần 114 tỷ đồng hỗ trợ tiền tạm cư cho người dân bị thu hồi đất trong giai đoạn chờ tái định cư. Tuy nhiên, chính sách này đã bị dừng lại.
TP.HCM có nhiều chung cư xuống cấp nguy hiểm cần di dời dân khẩn cấp, nên chính sách hỗ trợ tạm cư rất cần thiết và thực tế
TP.HCM có nhiều chung cư xuống cấp nguy hiểm cần di dời dân khẩn cấp, nên chính sách hỗ trợ tạm cư rất cần thiết và thực tế.

Bị “tuýt còi” dù là giải pháp hữu ích

Theo quy định Luật Đất đai 2013 và Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã quy định, về nguyên tắc, trước khi Nhà nước thu hồi đất và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án phải chuẩn bị đủ quỹ nhà ở, đất tái định cư.

Tuy nhiên, thực tế tại TP.HCM, từ năm 2020, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 10/2020/QĐ-UBND và được điều chỉnh, bổ sung tại Quyết định số 18/2022/QĐ-UBND áp dụng chính sách về hỗ trợ chi phí thuê nhà tạm cư.

Theo đề nghị của Sở Tài chính TP.HCM, mức hỗ trợ chi phí thuê nhà ở tạm cư áp dụng theo khu vực:


Khu vực 1 (các quận 1, 3, 5) được hỗ trợ 8 triệu đồng/hộ/tháng đối với với hộ có từ 4 nhân khẩu trở xuống; 2 triệu đồng/người/tháng nhưng tổng mức không quá 24 triệu đồng/hộ/tháng đối với hộ có từ 5 nhân khẩu trở lên.

Khu vực 2 (các quận 4, 6, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Gò vấp) từ 7 triệu đồng/hộ/tháng đối với hộ có từ 4 nhân khẩu trở xuống. Hộ có từ 5 nhân khâu trở lên sẽ nhận 1,75 triệu đồng/người/tháng, nhưng tổng mức hỗ trợ không quá 21 triệu đồng/hộ/tháng.
Khu vực 3 (TP. Thủ Đức và các quận 7, 8, 12, Bình Tân, Tân Phú), đối với hộ có từ 4 nhân khẩu trở xuống hỗ trợ 6 triệu đồng/hộ/tháng. Đối với hộ có từ 5 nhân khẩu trở lên là 1,5 triệu đồng/người/tháng, nhưng tổng mức hỗ trợ không quá 18 triệu đồng/hộ/tháng.

Khu vực 4 (các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ, Nhà Bè), sẽ hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ/tháng đối với hộ có từ 4 nhân khẩu trở xuống; 1,25 triệu đồng/người/tháng, nhưng tổng mức hỗ trợ không quá 15 triệu đồng/hộ/tháng đối với hộ có từ 5 nhân khẩu trở lên.

Theo đó, TP.HCM đề ra mức chi hỗ trợ tùy thuộc số nhân khẩu của mỗi hộ và theo từng khu vực.

Đối tượng được hưởng là hộ gia đình, cá nhân thuộc diện phải di dời khẩn cấp khỏi chung cư hư hỏng nặng có nguy cơ sụp đổ cao mà không có quỹ nhà ở tạm cư, tái định cư để bố trí; Các trường hợp bị thu hồi đất ở trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người, đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người mà không có quỹ nhà tạm cư và chưa có quỹ nhà tái định cư để bố trí; Người bị thu hồi một phần nhà ở nhưng phần cấu trúc còn lại ngoài ranh thu hồi đất được xác định không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật nên phải xây dựng mới nhà ở trên phần diện tích đất còn lại ngoài ranh thu hồi đất của dự án; Người bị thu hồi đất ở được bố trí tái định cư tại chỗ (đối với các dự án xây dựng nhà ở, đất ở) hoặc các trường hợp bị thu hồi đất ở và được bố trí tái định cư cần phải bàn giao mặt bằng cấp bách để thực hiện dự án nhưng không có nơi tạm cư.

Tổng cộng, TP.HCM đã chi gần 114 tỷ đồng cho 640 hộ dân theo các quyết định trên.

Tuy nhiên, theo Sở Tài chính TP.HCM, tại Kết luận kiểm tra số 27/KL-KTrVB của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), thì việc UBND TP.HCM ban hành văn bản quy phạm pháp luật nêu trên là chưa đúng về thẩm quyền. Theo quy định Luật Ngân sách nhà nước và khoản 3, Điều 21, Nghị định 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ thì, thẩm quyền ban hành quy định chế độ chi ngân sách là HĐND.

Thế nên, tới tháng 1/2023, UBND TP.HCM đã buộc phải bãi bỏ quyết định nêu trên.

 

Cần xuất phát từ thực tế

Trước vấn đề trên, sau khi bị “tuýt còi”, UBND TP.HCM đã giao cơ quan chuyên môn nghiên cứu để tái thực hiện chính sách mà vẫn đảm bảo quy định pháp luật.

Bởi dù rằng “đây nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù ở địa phương ngoài các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu do Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành” (nhận định của nhiều sở, ngành TP.HCM), nhưng giải pháp mà Thành phố thực hiện trước đó, không chỉ giúp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án, đặc biệt là các dự án di dời khẩn cấp khỏi chung cư hư hỏng nặng có nguy cơ sụp đổ, khu vực sạt lở..., mà còn đảm bảo an toàn cho người dân, và đảm bảo về quyền lợi của người bị thu hồi đất.

Vấn đề này, xuất phát từ thực tế triển khai các dự án tại TP.HCM. Đơn cử, theo ông Trần Minh Thơ (nguyên Trưởng ban Ban bồi thường, hỗ trợ tái định cư Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM), tại TP.HCM, do tính cấp bách dự án, nhiều địa phương không đảm bảo thực hiện trách nhiệm lập và thực hiện dự án tái định cư trước khi thu hồi đất, nhưng phải tiến hành việc thu hồi đất trước khi hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc hạ tầng của khu tái định cư. 

Không chỉ vậy, theo Sở Xây dựng TP.HCM, pháp luật hiện hành quy định, trường hợp các hộ dân thuộc diện phải di dời khẩn cấp khỏi chung cư hư hỏng nặng có nguy cơ sụp đổ cao, chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư có trách nhiệm bố trí chỗ ở tạm thời cho các hộ dân theo phương án bồi thường được duyệt: nếu hộ dân không thể tự lo chỗ ở thì UBND Thành phố chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư lựa chọn, phương án sử dụng quỹ nhà tái định cư để bố trí cho các hộ dân.

Nhưng thực tế tại TP.HCM, có nhiều trường hợp phải di dời khẩn cấp các hộ dân khỏi chung cư hư hỏng nặng có nguy cơ sụp đổ cao, nhưng chưa lựa chọn được chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư: chưa chuẩn bị được quỹ nhà, đất tạm cư, tái định cư phù hợp. Vì vậy, việc hỗ trợ tạm cư không chỉ là là nhu cầu  thực tế mà còn đảm bảo an toàn tính mạng tài sản của người dân.

Theo đánh giá tác động chính sách của Sở Tài chính TP.HCM, về mặt kinh tế, việc hỗ trợ chi phí tạm cư sẽ làm tăng chi ngân sách nhà nước hàng năm. Tuy nhiên, về mặt xã hội, việc hỗ trợ chi phí tạm cư thể hiện sự quan tâm của Nhà nước nhằm đảm bảo thực hiện có hiệu quả trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để triền khai thực hiện dự án, ổn định đời sống cho người có đất bị thu hồi.

Đừng để… lập lờ

Tháng 3/2023, ngành chức năng TP.HCM đã tổ chức hội nghị phản biện về việc hỗ trợ chi phí thuê nhà ở tạm cư trong thời gian các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất chờ bố trí nhà, đất tái định cư.

Từ các ý kiến, Sở Tài chính mới đây đã đề xuất UBND TP.HCM kiến nghị HĐND ra nghị quyết.

Theo đề xuất, đối tượng, điều kiện để được hỗ trợ chi phí tạm cư là các hộ gia đình, cá nhân thuộc diện phải di dời khẩn cấp khỏi chung cư hư hỏng nặng có nguy cơ sụp đổ cao mà không có quỹ nhà ở tạm cư, tái định cư để bố trí; các trường hợp bị thu hồi đất ở trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người, đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người mà không có quỹ nhà tạm cư và chưa có quỹ nhà tái định cư để bố trí; các trường hợp người bị thu hồi một phần nhà ở, nhưng phần cấu trúc còn lại ngoài ranh thu hồi đất được xác định không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật nên phải xây dựng mới nhà ở trên phần diện tích đất còn lại ngoài ranh thu hồi đất của dự án; người bị thu hồi đất ở được bố trí tái định cư tại chỗ hoặc các trường hợp bị thu hồi đất ở và được bố trí tái định cư cần phải bàn giao mặt bằng cấp bách để thực hiện dự án, nhưng không có nơi tạm cư.

Theo ý kiến một chuyên gia, trong các đối tượng nêu trên, trường hợp “người bị thu hồi đất ở được bố trí tái định cư tại chỗ hoặc bị thu hồi đất ở và được bố trí tái định cư cần phải bàn giao mặt bằng cấp bách để thực hiện dự án, nhưng không có nơi tạm cư” cần phải minh định rạch ròi hơn.

Phải nêu rõ, “dự án cần mặt bằng cấp bách”, tức chỉ dự án vì lợi ích quốc gia công cộng mà Nhà nước phải thu hồi, chứ không thể là dự án bất động sản thương mại hoặc có phần lớn diện tích kinh doanh.

Cần lưu ý, quy định dự án Nhà nước thu hồi vì lợi ích công cộng đã có trong Luật Đất đai 2013, nhưng có khe hở dẫn tới thời gia qua không ít dự án thương mại nhập nhèm khi “mượn” cấp HĐND ra nghị quyết thu hồi vì… công cộng.

Có như vậy, tiền hỗ trợ tạm cư từ ngân sách mới chi đúng dự án, đúng đối tượng. Nếu để dự án thương mại nhập nhèm và “lẩn” vào dự án mục đích lợi ích công cộng để rồi thu hồi cấp bách, không chỉ tước quyền lợi dân, gây bất an sinh xã hội mà còn tiêu tốn ngân sách và người hưởng lợi cuối cùng là chủ đầu tư dự án thương mại.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư