Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Chờ dòng vốn lớn từ châu Âu
Nguyên Đức - 03/11/2021 08:08
 
Những nỗ lực gần đây của Chính phủ Việt Nam đang hứa hẹn những cơ hội to lớn để nền kinh tế có thể đón dòng vốn lớn.
Siemens (Đức), hãng sản xuất thiết bị công nghiệp hàng đầu thế giới, đã đầu tư vào Việt Nam từ rất sớm.

Thông điệp của Thủ tướng và con đường kết nối Việt Nam - châu Âu

26 thỏa thuận hợp tác, với giá trị hàng tỷ USD, đã được ký kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Anh quốc, trong khuôn khổ chuyến công du châu Âu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Một trong số đó là việc Tập đoàn SOVICO và Viện đại học Oxford ký biên bản ghi nhớ hợp tác, tài trợ đầu tư phát triển nghiên cứu, giáo dục với tổng giá trị 155 triệu bảng Anh. Trong khi đó, Hãng hàng không Vietjet và Tập đoàn Rolls-Royce ký kết thỏa thuận cung cấp động cơ và dịch vụ động cơ cho đội tàu bay thân rộng với tổng giá trị 400 triệu USD.

Ngoài ra, Quỹ Đầu tư Affinity và Ngân hàng HDBank cũng đã ký kết thỏa thuận tài trợ 300 triệu USD cho chương trình phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu. Tập đoàn Giáo dục EMG Education ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục toàn diện với Tập đoàn Giáo dục Pearson. Còn Tập đoàn Vingroup và đại diện Công ty Raphael Labs (Anh) ký Thỏa thuận về hợp tác phát triển đầu tư thử nghiệm và chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc phòng Covid-19 và các bệnh đường hô hấp...

Mặc dù trong các thỏa thuận được ký kết lần này, chưa có dự án đầu tư nào được ghi nhận, song khi doanh nghiệp Việt Nam - châu Âu cùng bắt tay kinh doanh, thì những cơ hội hợp tác đầu tư trong tương lai cũng không còn xa. Thời gian gần đây, đặc biệt là sau khi Việt Nam - EU ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), nhận định của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều chỉ ra rằng, dòng vốn đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam sẽ được đẩy mạnh.

Trên thực tế, trong chuyến công du châu Âu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dành thời gian tiếp hàng loạt tập đoàn lớn. Pacific Land, Jardines, Enterprize Energy, Siemens… là những cái tên điển hình. Chưa kể, còn có JAKS Malaysia, InterContinental Hotel Group - IHG, Roll Roys, Formula E, City Credit Capital, OCA Global…

Trong số này, không ít doanh nghiệp đã và đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Chẳng hạn, Jardines đã đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam và đang hợp tác với một loạt doanh nghiệp lớn, như Trường Hải Thaco, Vinamilk...

Còn Pacific Land, theo chia sẻ của ông Pattrick McKillen, Chủ tịch toàn cầu, thì Tập đoàn đang mong muốn tiếp tục đầu tư lâu dài và ổn định tại Việt Nam, nhất là việc xây dựng một trung tâm nghiên cứu công nghệ sinh học lớn tại Hà Nội.

Đánh giá cao các hoạt động đầu tư của các tập đoàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã bày tỏ mong muốn các tập đoàn tiếp tục đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Người đứng đầu Chính phủ cũng đã chia sẻ những khó khăn của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian qua do tác động của dịch bệnh, đồng thời khẳng định, Chính phủ và các cơ quan của Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh hiệu quả và thành công bền vững tại Việt Nam.

Thông điệp đó của Thủ tướng Phạm Minh Chính, có thể nói, sẽ góp phần quan trọng giúp con đường kết nối đầu tư Việt Nam - châu Âu thêm “thẳng cánh”, giống như việc Bamboo Airways trong dịp này đã công bố mở đường bay thẳng sang Anh.

Chờ đón dòng vốn “khủng”

Ngay trước chuyến công du châu Âu, lần đầu tiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cùng ông Klaus Schwab, Chủ tịch điều hành và nhà sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đồng chủ trì cuộc Đối thoại chiến lược quốc gia giữa Việt Nam và WEF bằng hình thức trực tuyến. Khoảng 70 tập đoàn lớn trên toàn cầu đã tham gia cuộc đối thoại này.

Tại Việt Nam, LG đã gặp nhiều khó khăn vì giãn cách xã hội do dịch bệnh. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn quyết định ở lại Việt Nam và mở rộng đầu tư, vì chúng tôi hy vọng, Việt Nam sẽ sớm ổn định tình hình và quay lại trở lại trạng thái bình thường mới.

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã một lần nữa gửi thông điệp tới các nhà đầu tư nước ngoài rằng, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, Việt Nam cam kết bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động.

Theo chia sẻ của Thủ tướng, Việt Nam sẽ đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19, trong đó có các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Với riêng doanh nghiệp FDI, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; ban hành quyết định về ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các dự án quy mô lớn, công nghệ cao và có liên kết với doanh nghiệp Việt Nam... Thủ tướng cũng đã chia sẻ về một chương trình tổng thể để hồi phục và phát triển kinh tế của Việt Nam.

Trước đó, Thủ tướng cũng đã liên tiếp có các cuộc đối thoại với các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài. Những nỗ lực này đã nhận được sự đánh giá cao của các nhà đầu tư nước ngoài. Niềm tin của họ đối với Việt Nam đã được khẳng định.

Và đó chính là một trong những lý do làm dòng vốn đầu tư nước ngoài đang trở lại. Trong 10 tháng, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 23,74 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng rất nhẹ, nhưng lại là lời khẳng định cho niềm tin của nhà đầu tư đối với Việt Nam.

“Tại Việt Nam, LG đã gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và hoạt động vì tình hình giãn cách xã hội do dịch bệnh. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn quyết định ở lại Việt Nam và tiếp tục mở rộng đầu tư vì chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ sớm ổn định tình hình và quay lại trở lại trạng thái bình thường mới”, đại diện Tập đoàn LG (Hàn Quốc) cho biết trong cuộc gặp gỡ doanh nghiệp Á - Âu mới đây.

Đây chính là tập đoàn mà chỉ trong 10 tháng qua đã có 2 lần tăng vốn đầu tư vào Việt Nam, một lần 750 triệu USD và một lần tới 1,4 tỷ USD.

Tín hiệu tích cực sẽ không chỉ dừng lại ở đó, nhất là khi nhìn vào những động thái tích cực từ chuyến công du châu Âu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Sẽ còn những thỏa thuận hợp tác, những cuộc thảo luận tại Pháp.

Theo dự kiến, trong chuyến tháp tùng Thủ tướng công du nước Pháp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sẽ tham dự một hội nghị xúc tiến đầu tư và tiếp các tập đoàn đầu tư lớn. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng sẽ có các cuộc làm việc với La French Tech và Station F để thảo luận về các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo.

Chắc chắn, sẽ có nhiều cơ hội hợp tác lớn được mở ra. Việt Nam hoàn toàn có thể chờ đợi dòng vốn “khủng” từ châu Âu, cũng như từ các thị trường đầu tư lớn khác trên toàn cầu.

Tập đoàn Jardines Matheson, vương quốc Anh để mắt tới cổ phần hóa DNNN tại Việt Nam
Trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, ông Henry Keswick, Chủ tịch Tập đoàn Jardines Matheson, Vương quốc Anh bày tỏ muốn được tham...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư