Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 21 tháng 05 năm 2024,
Cho thuê tài chính: Chìa khoá thúc tăng trưởng bằng chuyển đổi số
Thanh Thuỷ - 10/05/2024 18:36
 
Thay đổi về công nghệ đang mở thêm những thị trường mới, sản phẩm mới cho lĩnh vực cho thuê tài chính.

Chỉ 1,5% doanh nghiệp Việt tiếp cận vốn qua kênh cho thuê tài chính

Tính đến hết năm 2023, tổng dư nợ cho thuê tài chính đạt khoản 45.000 - 46.000 tỷ đồng, chiếm 0,34% tổng dư nợ tín dụng. Với số lượng chỉ khoảng 10.000 - 15.000 khách hàng, tính trong trong tổng số 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận vốn qua kênh cho thuê tài chính chỉ chiếm quanh khoảng 1,5%.

Con số trên được ông Nguyễn Thiều Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo "Hệ sinh thái số và phát triển bền vững ngành cho thuê tài chính" tổ chức ngày 10/5.

Là hoạt động cấp tín dụng trung hạn, dài hạn trên cơ sở hợp đồng cho thuê tài chính, hoạt động này đã bắt đầu khá lâu tại thị trường Việt Nam khi lần đầu tiên có Thông tư của Ngân hàng Nhà nước về việc hướng dẫn thực hiện quy chế tạm thời về tổ chức và hoạt động của công ty cho thuê tài chính vào tháng 2/1996. Tuy vậy, đến nay, thị trường cho thuê tài chính vẫn phát triển khiêm tốn.

“Do phát triển khiêm tốn, các sản phẩm cho thuê tài chính hiện nay rất truyền thống phần lớn giống như vay tín dụng. Trong khi đó, các sản phẩm mới, ý tưởng mới chưa được phát triển nhiều trên thị trường trong bối cảnh nhiều máy móc thiết bị kiểu mới ra đời cùng xu hướng phát triển bền vững”, Chủ tịch Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam nêu ra những trăn trở khi thực hiện mục tiêu cung cấp dịch vụ tài chính bổ sung cho các doanh nghiệp.

Còn dư địa lớn bất chấp nhiều thách thức

Chỉ ra các thách thức của lĩnh vực cho thuê tài chính, ông Phạm Xuân Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam cho rằng, thách thức lớn nằm pháp lý, rủi ro tín dụng, rủi ro vận hành. Cụ thể, rủi ro cố hữu từ sự điều chỉnh chính sách của nền kinh tế đang chuyển đổi (mất đi tính ổn định từ cam kết chính sách) gây ra bất thường cho môi trường kinh doanh. Ngoài ra, khung khổ pháp lý đối với hoạt động này được gộp chung với ngân hàng thương mại nên bị bó hẹp rất nhiều về đối tượng khách hàng và tài sản cho thuê, trong khi đối thủ cạnh tranh rất mạnh là ngân hàng thương mại cả về vốn và lãi suất.

Ngoài ra, rủi ro “mắc kẹt” cũng gia tăng đối với loại tài sản, thiết bị mà công ty cho thuê tài chính đang sở hữu và cho thuê do có sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ. Cùng đó, còn là rủi ro tín dụng cao do năng lực kinh doanh và quản trị của khách hàng có nhiều hạn chế.

Tại Việt Nam, quy định pháp luật không cho phép các công ty cho thuê tài chính được cho thuê tàu biển, tàu sông. Với hoạt động cho thuê tàu bay, hiện đã có Công ty Cho thuê máy bay Việt Nam (VALC) chiếm lĩnh thị trường. Các khoản cho vay vốn trung dài hạn của ngân hàng thương mại cũng đang lấn át so với các công ty cho thuê tài chính. Chưa kể, còn các đối thủ cạnh tranh khác như các nhà đầu tư cho thuê trực tiếp theo Bộ luật dân sự. Hoạt động vay trả chậm qua L/C các dây chuyền máy móc thiết bị với đối tác nước ngoài cũng phổ biến hơn.

“Nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng bán thiết bị trả chậm 3-5 năm cho doanh nghiệp Việt Nam, không khác gì cho thuê tài chính. Họ gắn chip công nghệ vào thiết bị, nếu không thanh toán định kỳ, thiết bị có thể dễ dàng bị ngừng hoạt động”, ông Hoè nêu dẫn chứng.

Dù vậy, lĩnh vực này cũng có nhiều cơ hội lớn khi còn nhiều dư địa phát triển. Theo ông Phạm Xuân Hòe, Việt Nam thuộc nhóm nước đang phát triển, tăng trưởng GDP top đầu thế giới. Cầu về thuê tài sản rất lớn gồm tài sản tiêu dùng từ gần 1 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Ngoài ra, 306 bệnh viện tư nhân, 37.350 phòng khám tư nhân hay 29.021 hợp tác xã, 123.241 tổ hợp tác và 125 liên hiệp hợp tác xã, gần 20.000 hộ trang trại nông nghiệp cũng là các khách hàng tiềm năng.

Ngoài ra, chuyển đổi số và năng lượng, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn tạo cầu lớn về tín dụng trung dài hạn, nhất là với hoạt động cho thuê tài chính. Giới hạn về tỷ lệ vốn ngắn hạn sang cho vay trung dài hạn của NHTM liên tục giảm các năm qua và hiện kéo về 30% cũng mở ra cơ hội để hoạt động cho thuê tài sản phát triển.

Thúc tăng trưởng bằng công nghệ

Hội thảo Hệ sinh thái số và phát triển bền vững ngành cho thuê tài chính tại Việt Nam diễn ra ngày 10/5.

Để giúp hoạt động cho thuê tài chính tăng trưởng, công nghệ là điều được các chuyên gia nhấn mạnh tại hội thảo. Bà Natalie Turner – chuyên gia giải pháp khu vực APAC từ FIS Global nhấn mạnh các công ty cho thuê tài chính có thể giảm thiểu rủi ro, tối ưu hoá nguồn lực, nhân lực hiện tại, tối ưu hoá quy trình nâng cao năng suất hiệu quả dựa trên công nghệ.

“Chuyển đổi không có nghĩa là đập đi xây lại, mà sẽ thay đổi những gì thực sự cần thiết dựa trên nguồn lực hiện tại, khả năng chi trả, từ đó mang đến lợi ích to lớn trong tương lai”. Chuyên gia từ FIS Global cũng nhấn mạnh các công ty cho thuê tài chính có thể mở rộng quy mô theo chiều ngang nhờ bước sang các thị trường mới, cung cấp các sản phẩm mới và dịch vụ mới.

Trong đó, các sáng tạo về công nghệ cho phép  công ty cho thuê tài chính tiếp cận người dùng cuối (end to end), sử dụng open API với nhà sản xuất/cung cấp để cho thuê sản phẩm trả tiền theo thời gian sử dụng.

Từ góc độ công ty cho thuê tài chính, bà Mai Thị Ngọc Hà, Phó tổng giám đốc Vietcombank Leasing (VCBL), chuyển đổi số mang lại cơ hội tiếp cận khách hàng, nhất là khi số lượng chi nhánh, điểm bán hàng của các công ty cho thuê tài chính đều hạn chế. Cùng đó, còn là các lợi ích trong việc đánh giá nhìn nhận rủi ro khách hàng, xây dựng mô hình, xác định tổn thất công ty có thể chấp nhận để đưa ra chính sách phù hợp cũng như hỗ trợ công tác quản trị hệ thống văn bản, luồng tín dụng…

“Cho thuê tài chính là khoản cho vay liên quan đến tài sản không phải dự án, tốc độ là yếu tố quan trọng. Cùng việc quản lý tài sản, đây là hai điểm mấu chốt. Nếu ứng dụng tốt công nghệ thông tin, hoạt động cho thuê tài chính có thể phát triển theo đúng nghĩa và vượt bậc tương lai”, đại diện Công ty Cho thuê Tài chính TNHH BIDV-SuMi TRUST nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong hoạt động kinh doanh của công ty cho thuê tài chính.

Ngoài các giải pháp nhờ công nghệ, kiến nghị về hoạt động cho thuê tài chính, ông Hòe cho rằng các công ty cần từng bước phát triển cho thuê vận hành, nhận uỷ thác về cho thuê tài chính hay cho thuê thí điểm liên kết cho thuê tài sản tiêu dùng vào các khu đô thị mới đối với cư dân và xây dựng chiến lược. Ông Hòe cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có hội nghị thảo luận sâu về thông tư hướng dẫn, tạo sự khác biệt rõ ràng giữa cho thuê tài chính với hoạt động ngân hàng thương mại khi Luật Tổ chức tín dụng 2024 sắp có hiệu lực ngày 1/7.

Quy định về đăng ký, quản lý phương tiện làm khó cho thuê tài chính
Có ô tô trong nhóm sản phẩm cho thuê chủ lực, Hiệp hội Cho thuê tài chính kiến nghị tháo gỡ quy định liên quan đến đăng ký, quản lý phương tiện...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư