Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Cho vay thế chấp, ngân hàng thành tiệm cầm đồ?
Hà Tâm - 02/06/2014 07:26
 
Nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng, việc mất niềm tin với một số DN cá biệt đang khiến ngân hàng “co” lại tín dụng, đóng cửa vay với rất nhiều DN. Các chuyên gia kinh tế đề xuất xem lại cách cho vay dựa trên tài sản thế chấp của ngân hàng hiện nay.
TIN LIÊN QUAN

Còn DN “chết oan” vì thiếu vốn

   
  Có tài sản thế chấp là giải ngân, mà không biết dòng tiền được sử dụng vào mục đích gì (ảnh minh họa)   

Theo ông Quách Hùng Hiệp, Phó tổng giám đốc Ngân hàng BIDV, năm 2013 và đầu năm 2014, vốn hầu như không bơm ra được nền kinh tế.

“Chúng tôi mong tiêu thụ được vốn, vì huy động rồi mà không cho vay được, thì ngân hàng cũng rất sốt ruột”.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng TMCP cũng khẳng định, mặc dù lãi suất cho vay hiện nay chỉ 5 - 7%/năm (ngắn hạn), nhưng rất khó tìm được DN đủ điều kiện để cho vay.

Tuy nhiên, thông tin từ phía DN lại cho thấy, tín dụng đóng băng không chỉ do cầu yếu. Trên thực tế, nhu cầu vốn của khối DN vẫn còn rất lớn, song điều kiện cho vay quá chặt, khiến nhiều DN không thể vay vốn ngân hàng.

Ông Nguyễn Thành Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bao bì và In nông nghiệp nhận xét: “Hình như trong khó khăn, các ngân hàng ‘co’ tín dụng quá, khiến DN tốt cũng khó vay do ngân hàng sợ mất vốn. Chúng tôi thấu hiểu điều này, vì ngân hàng cũng là DN, nhưng nếu ngân hàng điều tra, thu thập đầy đủ thông tin hơn về DN, nhất là những DN nhỏ và vừa, thì sẽ giúp nhiều DN không chết oan vì thiếu vốn. Đúng là có những DN chây ì, nhưng chỉ là cá biệt, chứ không phải tất cả”.

Không chỉ khó tiếp cận vốn, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Phó chủ tịch Hiệp hội DN nữ Hà Nội cho hay, theo phản ánh của các hội viên, lãi suất thực tế mà họ đang vay ngân hàng vẫn rất cao, có những DN phải vay với lãi suất 14 - 15%/năm.

Cũng theo bà Hương, hiện nay, rất nhiều DN có nhu cầu vay vốn, nhưng lại không còn tài sản thế chấp. Vì vậy, bà Hương đề nghị NHNN xem xét cho các DN được vay vốn bằng bảo lãnh hợp đồng hoặc thế chấp bằng hàng hóa.

“Không nên vì một DN dùng một kho hàng để thế chấp tại 7 ngân hàng mà đóng cửa với các DN còn lại. Nhiều thành viên của chúng tôi, mặc dù có nhiều đơn hàng, nhiều hợp đồng và có hàng hoá, nhưng không vay được vốn ngân hàng”, bà Hương nói.

Thí điểm cho vay không thế chấp?

Đại diện Hiệp hội Công thương Hà Nội cho rằng, nguyên nhân khiến tín dụng bế tắc hiện nay là sự niềm tin giữa ngân hàng và DN bị xói mòn. Ngân hàng cho vay đòi phải có tài sản thế chấp, trong khi DN hầu như không còn tài sản thế chấp. Vì vậy, Hiệp hội này cho rằng, cần phải thành lập Quỹ phòng ngừa rủi ro để ngân hàng yên tâm bơm vốn.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, cách cho vay dựa trên tài sản thế chấp khiến hệ thống ngân hàng Việt Nam không khác gì “tiệm cầm đồ”.

“Nhiều ngân hàng cứ có tài sản thế chấp là giải ngân, mà không biết dòng tiền được sử dụng vào mục đích gì. Trong khi ở các nước tiên tiến, việc giải ngân dựa trên tính khả thi của dự án, vốn giải ngân đến đâu ngân hàng giám sát đến đó, DN phải xuất trình hóa đơn, hợp đồng thì ngân hàng mới rót vốn”, ông Thành nói.

Thừa nhận tình trạng cho vay vẫn dựa chủ yếu vào tài sản thế chấp, song lãnh đạo một ngân hàng giải thích, với cơ chế vay hiện nay, ngân hàng chưa giám sát được dòng tiền, nên không dám cho vay dựa vào hợp đồng.

Tuy vậy, để thúc đẩy tín dụng, NHNN cho hay, cơ quan này đang đẩy nhanh mô hình cho vay dựa trên mô hình, dựa vào hợp đồng, mà không cần tài sản thế chấp, như cho vay mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi khép kín, tín dụng 4 nhà.

Điển hình là cuối tuần qua, Agribank đã chi 331 tỷ đồng cho vay 3 DN ở An Giang hoạt động theo mô hình khép kín, từ sản xuất đến tiêu thụ.

Cũng cuối tuần qua, Hà Nội cũng đã chính thức triển khai chương trình kết nối ngân hàng – DN. Ngay trong đợt 1 của chương trình, đã có 11 ngân hàng trên địa bàn đăng ký tham gia, với vốn cam kết rót cho DN đạt 11.297,6 tỷ đồng. Tham gia chương trình, không những khách hàng được hưởng lãi suất thấp , mà nhiều DN thiếu tài sản thế chấp cũng được ngân hàng chấp nhận.

Những chương trình thí điểm vay vốn không cần dựa vào tài sản thế chấp như trên, nếu thành công, sẽ là cơ sở để vực dậy niềm tin thị trường, giúp tín dụng có thể tăng tốc trong thời gian tới.
 

TIN LIÊN QUAN
Thống đốc đã làm được gì cho nông nghiệp, nông thôn?
Rủi ro rình rập khi thế chấp nhà trên giấy
Vietcombank cho thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay
Khó nhận diện rủi ro từ tín dụng
Tín dụng nông nghiệp: vừa cho vay, vừa...run
Ngân hàng đau đầu với việc trích lập dự phòng

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư