Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cho vay tín chấp: Nhà băng sợ mất vía với DN hai sổ!
Thùy Liên - 13/08/2014 07:46
 
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang thúc các ngân hàng thương mại xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp (DN) để cho vay tín chấp, thay vì dựa vào tài sản thế chấp như trước. Song thực tế, không phải ngân hàng nào cũng tin vào chỉ số này.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Cho vay tín chấp, ngân hàng phải kiểm soát tốt rủi ro
Ngân hàng "chết chìm" với giao dịch đảm bảo
Ngân hàng dọn dẹp công ty cho thuê tài chính
Bị lừa 35 tỷ đồng, MB vẫn khẳng định quy trình thẩm định chặt chẽ
Vì sao Home Credit tăng trưởng chóng mặt?

Uy tín có thay được tài sản đảm bảo?

Số liệu tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm vẫn chưa được NHNN công khai, song theo thông tin của Báo Đầu tư, tình hình vẫn rất thảm hại.

   
  Ngân hàng Nhà nước đang thúc các ngân hàng thương mại xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp để cho vay tín chấp  

Cụ thể, tính đến ngày 21/7/2014, tín dụng mới tăng 3,15%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước và chỉ bằng 1/3 mục tiêu đề ra năm nay. Trong đó, tín dụng tiền đồng chỉ tăng 1,92%. Tuy nhiên, tín dụng không tăng không có nghĩa là DN không có nhu cầu vay vốn, mà vốn bị “tắc” trên đường đến với DN do rào cản tài sản thế chấp.

Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Mật ong Hưng Dũng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, Công ty cung cấp mật ong cho thị trường14 tỉnh, thành phố trên cả nước, chưa bao giờ có nợ xấu, luôn trả lãi đúng hạn. Tuy nhiên, hiện tất cả tài sản thế chấp của Công ty đã nằm trong tay ngân hàng, nên dù muốn mở rộng sản xuất, Công ty cũng đành chịu. 

Trong khi đó, ông Trần Quý Lâm, Giám đốc Công ty Xản xuất nước đóng chai Trung Kiên (Phú Thọ) cũng cho biết: “Trước đây, có trường hợp nhân viên một số ngân hàng khi cho vay đã ép ‘lại quả’ 30%, song các DN chấp nhận vay vốn kiểu này đều đã ‘sập’ do gánh nặng nợ quá lớn. Còn ngân hàng sau đó dính nợ xấu, lại thắt chặt cho vay, liên lụy cả những DN khác. Như DN chúng tôi có đầu ra ổn định, muốn mở rộng sản xuất, nhưng tiếp cận vốn cũng rất khó”.

Trước tình trạng ứ vốn, NHNN đang chỉ đạo các ngân hàng tăng cường xếp hạng tín nhiệm DN để đẩy mạnh cho vay tín chấp, tháo gỡ khó khăn về tài sản đảm bảo. Ở nhiều quốc gia, xếp hạng tín nhiệm được coi là “phiếu bảo hành” của DN khi tiếp cận vốn ngân hàng. Nếu DN được đánh giá tín nhiệm tốt, ngân hàng sẽ yên tâm rót vốn dù không có tài sản thế chấp.

Thế nhưng, ở Việt Nam, không phải ngân hàng nào cũng tin vào kết quả xếp hạng tín nhiệm DN.

DN hai sổ, ngân hàng sợ ‘mất vía’

Lãnh đạo các ngân hàng thương mại thừa nhận, xếp hạng tín nhiệm DN là một trong những giải pháp để ngân hàng kiểm soát nợ xấu tốt hơn và rút ngắn thời gian giải ngân. Tuy nhiên, với tình trạng minh bạch của DN hiện nay, ngân hàng chưa dám tin vào xếp hạng tín nhiệm DN.

“Nhiều DN có hai báo cáo tài chính, trong đó, báo cáo đẹp để gửi ngân hàng là báo cáo ‘ma’. Chúng tôi chỉ tin vào uy tín của những DN đã từng giao dịch với mình khi cho vay tín chấp. Còn với các DN khác, ngay cả các DN được Trung tâm Thông tin tín dụng  (NHNN) xếp hạng tín nhiệm cao, chúng tôi vẫn phải dè chừng”, lãnh đạo một ngân hàng cho biết.

Ông Trần Đạo Vũ, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á cũng thừa nhận: “Cho vay tín chấp là một quá trình giao dịch, chứ không thể gặp nhau lần đầu có thể cho vay tín chấp ngay được. Doanh nghiệp càng minh bạch trong hoạt động và báo cáo tài chính, đảm bảo ngân hàng có thể quản lý được dòng tiền, thì càng có khả năng vay tín chấp”.

Theo các ngân hàng, khó khăn lớn nhất hiện nay của công tác xếp hạng tín nhiệm DN là tỷ lệ báo cáo tài chính của DN (nguyên liệu đầu vào của xếp hạng tín nhiệm) đã qua kiểm toán rất thấp, chỉ khoảng 1-2% tổng số DN. Theo quy định hiện hành, những đơn vị bắt buộc phải thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính hiện nay là các ngân hàng, các DN hoạt động trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, DN đầu tư nước ngoài, các công ty đại chúng, các tổ chức phát hành và tổ chức kinh doanh chứng khoán… Trong đó, số lượng công ty đại chúng chỉ có hơn 1.200 - con số quá nhỏ so với 400.000 DN trong cả nước.

Hậu quả của việc DN thiếu minh bạch là ngân hàng thiếu niềm tin. Đây cũng là lý do dòng tín dụng vừa chảy chậm, vừa rót vào chỗ trũng: trái phiếu chính phủ, các dự án đầu tư công, DN nhà nước, công ty sân sau.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư