Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 13 tháng 10 năm 2024,
Chọn cổ phiếu BĐS: Tìm “ốc đảo” trên sa mạc
Chí Tín - 12/08/2013 07:05
 
Thị trường chứng khoán vẫn trầm lắng, cơ hội tìm kiếm lợi nhuận ở nhóm cổ phiếu bất động sản (BĐS) còn rất gian nan. Tuy nhiên, lác đác vẫn có một số cổ phiếu BĐS thu hút được dòng tiền.
TIN LIÊN QUAN

Đánh giá chung về thị trường BĐS và cổ phiếu nhóm này, nhiều chuyên gia cho rằng, hiện chưa thể hy vọng gì đáng kể vào sự hồi phục của thị trường BĐS.

Vẫn khó tìm được lợi nhuận ở phần lớn cổ phiếu bất động sản

Ông Nguyễn Quang Duy, chuyên viên phân tích thuộc Công ty MayBank KimEng nhận xét, cho dù giao dịch BĐS đã có tín hiệu tăng, nhưng cần một thời gian rất dài nữa, doanh nghiệp địa ốc mới có thể tiêu thụ hết số hàng tồn.

Tuy nhiên, ở góc độ nhà đầu tư “lướt sóng”, cổ phiếu BĐS vẫn là món hàng được quan tâm đặc biệt, bởi đây là nhóm cổ phiếu hứa hẹn sớm muộn sẽ có “sóng”.

Thậm chí, ngay trong bối cảnh khó khăn hiện nay, vẫn có những cơ hội kiếm lời, cho dù là rất hiếm hoi.

Cổ phiếu PDR của Công ty cổ phần Phát triển BĐS Phát Đạt là một trong những cổ phiếu BĐS tăng giá ổn định trong tháng 7.

Cụ thể, trong tháng 7 vừa qua, giá cổ phiếu PDR đã tăng từ 10.000 đồng/cổ phiếu lên 11.800 đồng/cổ phiếu. Sang đầu tháng 8, đà tăng giá của cổ phiếu PDR đã chững lại, nhưng hiện vẫn dao động quanh mức 11.800 - 12.000 đồng/cổ phiếu.

PDR là một trong số ít doanh nghiệp BĐS có được lợi nhuận quý II/2013 tốt hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, Công ty đạt lãi ròng 568 triệu đồng, tăng 42,5% so với quý II/2012. Song, so với quy mô của PDR, thì mức lợi nhuận này cũng chỉ mang tính tượng trưng, bởi nếu đem chia đều cho số lượng cổ phiếu đang lưu hành, thì EPS (thu nhập trên mỗi cổ phiếu) cũng chỉ vỏn vẹn 4 đồng/cổ phiếu.

Cũng trong tháng 7, giá cổ phiếu NHA của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Nam Hà Nội cũng tăng đều đặn từ 2.800 đồng/cổ phiếu, lên 3.900 đồng/cổ phiếu.

Sang đầu tháng 8, giá cổ phiếu này đã có dấu hiệu điều chỉnh, nhưng hiện vẫn dao động quanh mốc 3.600 đồng/cổ phiếu.

Tình hình kinh doanh của NHA cũng bộc lộ đúng những khó khăn hiện tại của thị trường BĐS, khi lợi nhuận sau thuế quý II/2013 của NHA chỉ đạt hơn 121 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số hơn 421 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.

Cho dù lợi nhuận giảm mạnh, nhưng việc một công ty BĐS vẫn có lãi trong bối cảnh thị trường ảm đạm ít nhiều cũng khích lệ nhà đầu tư. Cổ phiếu SC5 của CTCP Xây dựng số 5 cũng là một trong những cổ phiếu được chú ý gần đây, khi tăng giá từ mốc hơn 16.000 đồng/cổ phiếu đầu tháng 7, lên hơn 19.000 đồng/cổ phiếu hiện nay. Theo kết quả kinh doanh quý II/2013, lợi nhuận sau thuế của CTCP Xây dựng số 5 đạt hơn 2,2 tỷ đồng, giảm 18,9% so với quý II/2012.

Trong khi một số công ty BĐS được quan tâm bởi kết quả kinh doanh, thì cặp cổ phiếu SEL và SJI lại được chú ý bởi kế hoạch sáp nhập 2 doanh nghiệp này.

Trong hơn 1 tháng qua, giá cổ phiếu SEL của CTCP Sông Đà 11 Thăng Long đã tăng từ mức khoảng 8.000 đồng/cổ phiếu đầu tháng 7, lên mốc 10.500 đồng/cổ phiếu vào thời điểm hiện nay. Tương tự, cổ phiếu SJE của CTCP Sông Đà 11 cũng tăng đều từ 11.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu tháng 7 lên mức 12.500 đồng/cổ phiếu vào thời điểm hiện tại.

Hiện SJE là cổ đông sở hữu 36% cổ phần của SEL và có kế hoạch sở hữu toàn bộ 100% cổ phần tại SEL.

Theo kế hoạch sáp nhập, SJE sẽ phát hành bổ sung cổ phần bằng phương thức chào bán cổ phần ra công chúng. SJE sẽ sử dụng số lượng cổ phần phát hành bổ sung này để hoán đổi cho các cổ đông hiện hữu của SEL. Theo đó, các cổ đông hiện hữu của SEL sẽ trở thành cổ đông của SJE. Ngược lại, SJE sẽ trở thành cổ đông duy nhất của SEL và chuyển đổi SEL thành Công ty TNHH một thành viên do SJE sở hữu 100% vốn.

Đã có người ví von rằng, thị trường chứng khoán hiện như sa mạc khô cạn, song vẫn có thể tìm được nguồn nước hiếm hoi từ một vài ốc đảo.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư