Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Chống đô-la hóa không ảnh hưởng đến kiều hối
Thùy Vinh - 14/08/2016 20:30
 
Lượng kiều hối chuyển về Việt Nam trong hơn 7 tháng qua tiếp tục tăng trưởng vững. Điều đó cho thấy, chính sách chống đô-la hóa đã không ảnh hưởng nhiều đến kiều hối gửi về nước.
TIN LIÊN QUAN

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2016, lượng kiều hối về Thành phố đạt 2,5 tỷ USD, tăng 4,16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Có thể thấy, chính sách chống đô-la hóa của NHNN áp dụng thời gian qua đã không ảnh hưởng đến lượng kiều hối. Trước đó, việc NHNN giảm lãi suất tiền gửi USD về 0%/năm, áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm niêm yết hàng ngày, siết lại đối tượng cho vay ngoại tệ đã khiến nhiều người cho rằng, việc này sẽ ảnh hưởng đến nguồn kiều hối về Việt Nam, song thực tế đã không như vậy.

Lượng kiều hối về Việt Nam hiện chủ yếu đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Đức Thanh
Lượng kiều hối về Việt Nam hiện chủ yếu đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Đức Thanh

“Từ năm 2013, với sự ổn định của tỷ giá, lượng kiều hối chuyển về được bán lại cho ngân hàng chiếm tỷ lệ khá cao (20 - 35%). Chỉ tính riêng năm 2015, con số trên đạt trên 22% và xu hướng này vẫn được duy trì”, ông Minh nói và cho biết, trong 5 năm qua, từ 2011 đến 2015, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM tăng bình quân 10 - 12%/năm. Với tình hình kinh tế của TP.HCM phục hồi khá mạnh so với mặt bằng chung của cả nước, dự báo lượng kiều hối chuyển về Thành phố trong năm 2016 đạt 5,7 tỷ USD, tăng 5,6% so với năm 2015.

Thời gian qua, bất động sản là lĩnh vực hút kiều hối nhiều nhất. Chính vì vậy, việc thị trường bất động sản ấm lên đang tác động đáng kể đến dòng chảy kiều hối.

Trong khi đó, Việt Nam khuyến khích kiều bào về nước đầu tư, cho phép gửi và nhận kiều hối bằng ngoại tệ, giữ ổn định tỷ giá và không bắt buộc phải gửi tiết kiệm vào ngân hàng hoặc bán cho ngân hàng. Dịch vụ chuyển kiều hối qua kênh chính thức hiện rất phát triển, với sự tham gia của nhiều ngân hàng, doanh nghiệp.

Ông Trần Văn Trung, Giám đốc Công ty Kiều hối Đông Á cho biết, một trong những nhân tố tác động tích cực đến lượng kiều hối gửi về nước là Việt Nam hiện có hơn 4,5 triệu kiều bào ở nước ngoài và số lượng người Việt sinh sống và làm việc ở nước ngoài đang ngày càng tăng, nhất là lực lượng xuất khẩu lao động… Bên cạnh đó, chính sách về kiều hối rất thông thoáng, tạo điều kiện dễ dàng cho người thụ hưởng, như người nhận không phải đóng thuế thu nhập cá nhân, không phải trả phí.

Theo nhận định của ông Trung, cùng với sự phục hồi của bất động sản, chắc chắn kiều hối năm nay sẽ về nhiều hơn. Hiện các thị trường truyền thống như Mỹ, Australia, Canada vẫn là thị trường kiều hối lớn nhất của Việt Nam. Xếp sau đó là các thị trường xuất khẩu lao động như Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản.

Năm 2015, Công ty Kiều hối Đông Á đạt mức doanh thu chi trả kiều hối là 1,6 tỷ USD, tăng 15 - 20% so với năm 2014 và kỳ vọng tăng trưởng ở mức này trong năm 2016. Trong khi đó, Công ty Kiều hối Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đạt doanh số chi trả 1,5 tỷ USD trong năm 2015 và kế hoạch năm nay đặt ra ở mức cao hơn.

Lượng kiều hối về Việt Nam hiện nay chủ yếu đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Theo NHNN Chi nhánh TP.HCM, trong năm qua, lượng kiều hối chảy vào sản xuất - kinh doanh chiếm 70,6% tổng kiều hối chuyển về Việt Nam, kiều hối chuyển vào bất động sản chiếm 20,7%.

“Phần lớn kiều hối vào sản xuất - kinh doanh, đầu tư, chứ không phải để nắm giữ, chi tiêu hay tập trung vào đầu tư bất động sản, chứng khoán như những năm trước”, ông Minh cho biết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư