Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Chống tham nhũng trong đấu thầu, mua sắm vật tư, thiết bị y tế
D.Ngân - 19/12/2021 20:34
 
Bộ Y tế đề nghị tăng cường phòng chống tham nhũng trong đấu thầu, mua sắm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế.

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành về việc tăng cường các biện pháp phòng chống tham nhũng trong đấu thầu, mua sắm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế.

Bộ Y tế đề nghị tăng cường phòng chống tham nhũng trong đấu thầu, mua sắm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế.

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm và kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. 

Theo yêu cầu của Bộ Y tế các tỉnh phải chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát lại kế hoạch mua sắm đảm bảo đủ số lượng, đúng chủng loại phù hợp với tình hình mới; 

Thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ cho công tác phòng, chống dịch đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch trong đấu thầu, mua sắm. 

Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất đối với các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.

Bộ Y tế nêu rõ, trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị UBND các tỉnh, thành phố nghiên cứu, đề xuất hoặc trao đổi với Bộ Y tế hoặc các Bộ quản lý chuyên ngành để phối hợp giải quyết.

Các địa phương xem xét bổ sung vào Kế hoạch thanh tra năm 2022 có nội dung thanh tra về công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.

Liên quan tới vi phạm trong lĩnh vực trang thiết bị y tế, ngày 18/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03, Bộ Công an) cho biết đã khởi tố 7 cá nhân gồm lãnh đạo, nhân viên Công ty Việt Á và Giám đốc CDC Hải Dương.

Điều tra ban đầu xác định, tháng 4/2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19. Đến nay, doanh nghiệp đã cung ứng kit cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố, doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.

C03 cho biết đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm Covid-19 cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng. Doanh nghiệp này còn chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng cho Giám đốc CDC Hải Dương với gần 30 tỷ đồng.

Hiện Bộ Y tế đã cấp phép cho 97 kit test Covid-19, trong đó 35 loại kit test nhanh và 39 loại kit test PCR. Ngoài 3-4 doanh nghiệp sản xuất kit test nhanh trong nước, hiện có thêm 30 doanh nghiệp được phép nhập khẩu.

Tuy nhiên, ngược lại với công bố, nhiều doanh nghiệp phản ánh từng trả chi phí xét nghiệm cao hơn so với mức quy định của Bộ Y tế (238.000 đồng một xét nghiệm test nhanh). 

Trước thông tin "loạn" giá kit và chi phí xét nghiệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ việc giá kit xét nghiệm bị đẩy lên cao và xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm.

Ngăn lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm thiết bị y tế
Tình trạng trục lợi, lợi ích nhóm trong mua sắm thiết bị y tế phòng chống dịch, nếu có, cần phải khẩn trương ngăn chặn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư