Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Chống vấn nạn lạm thu "quỹ lớp"
D.Ngân - 07/10/2022 14:07
 
Mới đây, một phụ huynh chia sẻ bảng dự trù kinh phí hoạt động của Ban đại diện phụ huynh học sinh lớp 1/3, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận 7, TP.HCM).

Theo đó, Quỹ hội dự chi hơn 130 triệu đồng cho cả năm học. Với 41 học sinh, tính trung bình mỗi em đóng hơn 3 triệu đồng.

Đáng lưu ý, trong bảng dự chi này phần lớn kinh phí phụ huynh đóng chỉ để “chăm cô”.

Cụ thể, Hội phụ huynh dự trù kinh phí “chăm cô” trong năm học hết 54 triệu đồng, trong đó hàng tháng sẽ chuyển khoản cho giáo viên chủ nhiệm và bảo mẫu mỗi người 3 triệu đồng. Tổng mỗi người 27 triệu đồng/năm học.

Tại một số trường khác tại TP.HCM vấn đề lạm thu đầu năm học cũng gây bức xúc. Trước thực tế này Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã ký văn bản khẩn gửi các đơn vị giáo dục về việc chấn chỉnh công tác quản lý thu - chi đầu năm học 2022 -2023 trên địa bàn.

Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM yêu cầu các cơ sở giáo dục nghiêm túc thực hiện các công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND TP.HCM và của ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố về việc triển khai hướng dẫn thu, sử dụng học phí và thu khác đầu năm học 2022 - 2023; đồng thời phải xây dựng dự toán các khoản thu khác theo nội dung hướng dẫn chuyên môn của ngành.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Tất cả các khoản thu phải được các đơn vị thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản đến phụ huynh, học sinh, sinh viên.

Sở này yêu cầu các cơ sở giáo dục giãn thời gian thực hiện các khoản thu; không tổ chức thu gộp nhiều khoản trong cùng thời điểm, đồng thời thực hiện đầy đủ chế độ quản lý tài chính theo quy định.

Văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cũng nêu rõ đối với kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, cơ quan này nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định tại Thông tư 55 của Bộ.

Trong đó, lưu ý kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh do ban đại diện quản lý, sử dụng và chỉ phục vụ hoạt động trực tiếp của mình.

Không sử dụng các khoản kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh cho các mục đích: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường, trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh, vệ sinh lớp học, vệ sinh trường, khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường, mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường, hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục, sửa chữa nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường" (điểm b, khoản 4 Điều 10 Thông tư 55).

Hiệu trưởng, thủ trưởng đơn vị thống nhất với Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh trường để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí của ban đại diện; chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể ban đại diện thống nhất ý kiến (không bao gồm kinh phí tài trợ).

Ngoài ra, đối với việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn viện trợ, tài trợ, quà biếu tặng tại các cơ sở giáo dục, thực hiện theo quy định.

Cụ thể: Kế hoạch vận động phải được phê duyệt trước khi tổ chức vận động và trên tinh thần tự nguyện, không áp đặt;

Các khoản tài trợ phải được tổng hợp kịp thời vào báo cáo quyết toán thu, chi tài chính theo kỳ và báo cáo quyết toán tài chính hàng năm theo quy định…

Cũng về tình trạng lạm thu, từ nhiều năm gần đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đều nhắc lại yêu cầu các nhà trường tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định; không trực tiếp thu kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quy định có 7 khoản mà ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép thu, cụ thể: bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh trường, lớp; khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp hoặc cho cán bộ, giáo viên, nhân viên; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Việc thu, chi kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh. Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh lớp chủ trì phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp dự kiến kế hoạch chi tiêu kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể các thành viên ban đại diện cha mẹ học sinh lớp thống nhất...

Sở này cũng yêu cầu các nhà trường khi thu tiền của người học phải trả chứng từ thu kịp thời, đầy đủ, đúng quy định; tuyệt đối không giao nhiệm vụ cho giáo viên trực tiếp thu, chi tiền.

Bên cạnh đó, nhà trường cần quan tâm, thực hiện các chế độ miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và các chế độ khác cho học sinh theo quy định, đặc biệt là với những học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập, tuyệt đối không được để học sinh vì gia đình khó khăn không có tiền đóng góp mà phải bỏ học. Các nhà trường cũng cần lưu ý thực hiện việc giãn thời gian thu, không tổ chức thu gộp nhiều khoản trong cùng một thời điểm.

Quảng Ngãi: Lập đoàn thanh tra chấn chỉnh tình trạng lạm thu của các cơ sở giáo dục
Quảng Ngãi thành lập đoàn đi thanh tra, kiểm tra tình hình thu, chi đầu năm tại các cơ sở giáo dục để chấn chỉnh tình trạng lạm thu vào đầu năm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư