Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chủ tịch ACB: Năm 2021 có nhiều khả năng đạt mức tăng trưởng khả quan
Thùy Vinh - 07/04/2021 09:23
 
Theo Chủ tịch ACB, năm 2021 kinh tế Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn nhưng với sự xuất hiện của một số nhân tố thuận lợi, có nhiều khả năng ACB sẽ đạt mức tăng trưởng khả quan.

Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB cho biết, trong bối cảnh dịch COVID 19 diễn biến phức tạp, từ đầu tháng 2/2020, ACB đã chủ động triển khai phòng chống dịch COVID-19, lập kế hoạch đảm bảo kinh doanh liên tục, chuẩn bị các biện pháp ứng xử cho các tình huống khác nhau.

Tất cả nhân viên, đơn vị luôn tuân thủ thực hiện hướng dẫn của các cơ quan quản lý trong công tác này, và việc kinh doanh của toàn hệ thống đã không bị gián đoạn.

Trong bối cảnh khó khăn chung, nhưng ACB đã hoàn thành 2 mục tiêu quan trọng: ACB đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Sun Life Việt Nam độc quyền phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ kéo dài 15 năm vào ngày 18/11/2020.

Thương vụ này góp phần gia tăng đáng kể cho giá trị của Ngân hàng. Đồng thời, chuyển đăng ký niêm yết cổ phiếu ACB sang Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM được hoàn thành đúng kế hoạch.

Kết quả, năm 2020 tiếp tục là một năm thành công của Tập đoàn ACB về mặt tăng trưởng tài sản và giá trị đem lại cho cổ đông. Tổng tài sản của ACB đạt 445 nghìn tỷ đồng, tăng 15,9%; vốn huy động 353 nghìn tỷ đồng, tăng 14,6%; dư nợ tín dụng 311 nghìn tỷ đồng, tăng 15,9%; nợ xấu trên tổng dư nợ tín dụng ổn định ở mức 0,59%.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2020 đạt 9.596 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2019 và hoàn thành 126% kế hoạch. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản bình quân (ROA) đạt 1,86%, cao hơn mức 1,69% của năm 2019.

Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) đạt 24,31%, tương đương mức của năm 2019.

Năm 2021 nền kinh tế Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn như năm 2020 nhưng với sự xuất hiện của một số nhân tố thuận lợi, có nhiều khả năng sẽ đạt mức tăng trưởng khả quan.

Dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến khu vực doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân. Nhiều doanh nghiệp trong các ngành kinh tế đã bị ảnh hưởng tiêu cực và phải thích nghi với điều kiện mới để tồn tại. Năm 2020 có thể mô tả là năm “COVID-19 và vượt khó.”

Theo Chủ tịch ACB, bước sang năm 2021, mặc dù đại dịch còn là trở lực lớn đối với tăng trưởng kinh tế, nhưng Chính phủ và một số tổ chức nghiên cứu kinh tế trong nước và nước ngoài vẫn lạc quan dự báo kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng từ 6-6,5% trên cơ sở tin rằng, đại dịch sẽ được kiểm soát tốt hơn, và các ngành nghề như bán buôn, bán lẻ, xuất, nhập khẩu, phục vụ nhu cầu đời sống và xây dựng sẽ phục hồi.

Năm 2021 được hình dung là "phục hồi trong thay đổi". Trong lĩnh vực ngân hàng, NNHNN đã nêu rõ định hướng là tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12%, tăng trưởng tín dụng khoảng 12% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.

Định hướng này cho thấy hệ thống ngân hàng thương mại sẽ có cơ hội cung cấp tín dụng đáng kể cho khu vực doanh nghiệp và hộ gia đình để hỗ trợ kinh doanh và gia tăng tiêu dùng.

Trong môi trường hoạt động đó ông Huy cho hay, ACB tiếp tục thực thi chiến lược hoạt động 2019-2024 với tầm nhìn ACB là ngân hàng bán lẻ hàng đầu, có tăng trưởng tổng thu nhập ở mức cao, đem lại trải nghiệm khách hàng tốt nhất, và có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) từ 20%/năm trở lên.

ACB tập trung cho các phân đoạn mục tiêu ở khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời phát triển có chọn lọc khách hàng doanh nghiệp lớn.

Tuy nhiên, theo ông Huy, dịch COVID-19 đã làm thay đổi hành vi khách hàng một cách rõ nét về mặt công việc, đi lại, giao tiếp, mua sắm.... ACB cần tập trung đầu tư công nghệ, thay đổi phương thức hoạt động để theo kịp nhu cầu và hành vi khách hàng.

Để đảm bảo thực hiện chiến lược thành công, ACB cần đầu tư nguồn nhân lực cho giai đoạn bứt phá mới, khi quy mô tổng tài sản vào cuối năm 2021 sẽ đạt mức gần 500 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cuối năm 2020, tiền gửi khách hàng và tín dụng đều tăng 9%.

Lợi nhuận trước thuế khoảng 10.602 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với kết quả năm 2020. Lợi nhuận sau thuế dự kiến là 8.482 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Dự kiến sau khi trích lập các quỹ cho năm 2021, ACB sẽ còn hơn 7.009 tỷ đồng và sẽ dùng gần 6.755 tỷ đồng để chia cổ tức cho năm 2021 với tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu.

Theo số liệu của ACB, đến cuối tháng 3/2021, đến cuối tháng 3/2021, tổng tài sản ACB đạt 450.000 tỷ tỷ đồng, tăng 1,1% so với đầu năm.

Tín dụng đạt 324.000 tỷ đồng tăng hơn 4,1%; huy động đạt 352.000 tỷ đồng. Lợi nhuận quý I/2021 của ACB đạt mức 3.105 tỷ đồng trước thuế. Còn tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1%.

Dragon Capital muốn mua 10,5 triệu cổ phiếu ACB
Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) vừa công bố đăng ký giao dịch cổ phiếu ACB của đơn vị liên quan đến người nội bộ ngân hàng ACB.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư