Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chủ tịch HĐQT Công ty Venus Vũ Ngọc Hương: Gia sản lớn nhất là sự đồng lòng
Gia Huy - 20/05/2017 07:23
 
Từng lâm vào cảnh phải vét từng đồng trong túi, cầm cố cả ngôi nhà của bố mẹ để đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn, bà Vũ Ngọc Hương, Chủ tịch HĐQT, CEO Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Sao Kim (Venus) nhận ra rằng, lợi thế lớn nhất của doanh nghiệp gia đình là sự đồng lòng của các thành viên.

Lợi thế là sự đồng lòng

Là người điều hành chính của hai doanh nghiệp gia đình, với các ngành kinh doanh như dịch vụ cho thuê, quản lý tòa nhà, chăm sóc sức khỏe, giáo dục…, nữ CEO sinh năm 1976 Vũ Ngọc Hương cho rằng, trên thế giới hiện có hàng triệu doanh nghiệp gia đình đang hoạt động và phát triển bền vững.

Loại hình doanh nghiệp này có 2 hình thức: một là chỉ truyền trong gia đình, không mở rộng ra bên ngoài, không thể phát triển quy mô lớn; hai là khi nhu cầu thị trường lớn lên thì quy mô doanh nghiệp cũng lớn lên theo thị trường, nhưng vẫn giữ lại phần lớn nhất cho gia đình.

Bà Vũ Ngọc Hương (ngồi giữa) đang đi tìm lời giải cho bài toán tìm thế hệ kế cận cho doanh nghiệp gia đình của mình.
Bà Vũ Ngọc Hương (ngồi giữa) đang đi tìm lời giải cho bài toán tìm thế hệ kế cận cho doanh nghiệp gia đình của mình.

Theo bà Hương, lợi thế của loại hình doanh nghiệp này là mọi người cùng gánh vác công việc, cùng chia sẻ, làm việc với nhau hơn cả 8 tiếng… Đặc biệt, sự đồng lòng và ý chí xây dựng doanh nghiệp rất lớn. Trong khi đó, đối với doanh nghiệp được hình thành dựa trên sự hợp tác thì nếu các thành viên không hợp ý, không đồng lòng, thì sẽ nhanh chóng bỏ cuộc và doanh nghiệp phải giải tán.

Bà Hương cho rằng, doanh nghiệp gia đình có thể tận dụng tối đa nguồn lực mà gia đình có, đó là dùng nhà làm văn phòng, vợ chồng con cái cùng nhau làm việc… Tuy nhiên, đó là giai đoạn khởi đầu, còn về sau, khi đã có thị trường, thì phải chỉnh đốn lại, phân công và chuyên môn hóa, làm bài bản, đầy đủ hơn. Khi thời cơ đến, có thể mở rộng hơn cho cổ đông khác và các quỹ đầu tư.

“Trong giai đoạn đầu, doanh nghiệp gia đình chỉ phát triển tự phát, mọi người cùng gánh vác công việc, nhưng sau đó phải làm bài bản để phát triển và lan tỏa. Thế nhưng, dù tăng quy mô doanh nghiệp, song quyền lợi của gia đình không được giảm sút”, CEO Vũ Ngọc Hương chia sẻ.

Hiện tại, Venus đang trong giai đoạn phải phát triển bài bản hơn, bởi nếu không thì sẽ không tăng quy mô và không thể có được sự chấp nhận của thị trường. Cũng từ đây, xuất hiện nhu cầu cần phải mở rộng ra ngoài gia đình, bởi khả năng vài người trong gia đình nắm giữ doanh nghiệp là hạn chế.

Bài toán thế hệ kế cận

“Tôi có 5 người con, nhưng không phải ai cũng đi theo con đường kinh doanh của gia đình. Tôi cho các con lựa chọn và làm theo sở thích của mình. Tôi phát triển theo lõi đồng tâm, nghĩa là tôi làm dịch vụ lõi, còn các con làm các dịch vụ xung quanh mang tính chất bổ trợ, gắn kết nhau”, bà Hương nói và cho biết, bà đang tính toán và thực hiện tìm kiếm, đào tạo thế hệ kế cận trong số các cháu ruột và cả ở những người không phải người nhà mình.

Là người có kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp, bà Hương nhận thức rõ được rằng, doanh nghiệp gia đình muốn phát triển bền vững phải tạo ra một lớp kế cận phù hợp. Bên cạnh đó, các chiến lược cho thế hệ kế cận cũng phải được xác thực và dài hơi. Người lãnh đạo doanh nghiệp cần phải có quan điểm thoáng cho doanh nghiệp gia đình, càng thoáng thì càng dễ nắm bắt các ý tưởng nhân văn, gần gũi cộng đồng, đem lại giá trị xã hội.

Ngoài ra, triết lý kinh doanh, chất lượng dịch vụ phải nhân văn và mang lại giá trị cho xã hội. Nếu doanh nghiệp gia đình xây dựng bằng hình thức độc đoán, thì thế hệ kế nghiệp có giỏi cỡ mấy cũng không thể duy trì được doanh nghiệp lâu dài. Quy mô doanh nghiệp gia đình không thể hiện ở việc có vốn lớn để tổ chức các cuộc kinh doanh áp đảo hay bài bản, mà phải đi bằng các bước chậm mà chắc, để tạo ra được thị trường ngách của riêng mình, rồi mở rộng dần.

“Chiến lược của Venus là đi từ thị trường ngách, chất lượng sản phẩm và chăm chỉ từng hạt bột mà nên, sau đó mới đi đến truyền thông, thương hiệu bằng những việc làm cụ thể thể hiện trách nhiệm xã hội”, CEO Hương nói.

Kinh doanh là công việc

Với CEO Vũ Ngọc Hương, bản chất công việc của lãnh đạo là tạo ra công việc cho người khác và bản thân cũng phải tuân theo định hướng do mình quyết định. “Tôi làm như một người lao động chăm chỉ, bởi với tôi, nói doanh nhân là một nghề cũng đúng, hay là nghiệp cũng vậy, phải có kỹ năng và nghệ thuật mới làm được. Ngày xưa, các cụ không học hành gì cũng thành những thương nhân rất lớn. Cái làm nên sự thành công đó là tư duy sáng tạo trong công việc”, CEO Ngọc Hương chia sẻ.

Bà Hương đánh giá cao các nghị quyết của Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vừa qua về những tư duy đột phá cho doanh nghiệp tư nhân. Theo bà, Chính phủ đã công tâm và đúng đắn khi đánh giá rằng, kinh tế tư nhân góp phần lớn cho nền kinh tế nói chung. Kinh tế nhà nước vẫn phải là đầu tàu và mũi nhọn, những lĩnh vực không thuộc nhóm trọng yếu thì có thể giao cho tư nhân, để tận dụng trí tuệ và nguồn tiền của xã hội. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp tư nhân cống hiến được nhiều hơn cho kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, CEO Venus cho rằng, Chính phủ cần bổ trợ chính sách về tài chính doanh nghiệp. Nhà nước cần có cơ chế kiểm soát dòng vốn, kiểm soát sự kinh doanh minh bạch của doanh nghiệp. Thay vì tài sản thế chấp, ngân hàng có thể căn cứ vào những hợp đồng dài hạn trong 3 năm liên tiếp của doanh nghiệp để cấp vốn.

Nhắc tới phong trào khởi nghiệp hiện nay, bà Hương nhận định, các bạn trẻ dường như chưa xác định được là mình khởi nghiệp để đi làm hay khởi nghiệp để tạo ra sản nghiệp riêng. Họ cho rằng, chỉ cần thành lập một doanh nghiệp là coi như đã khởi nghiệp.

“Theo tôi, các start-up trước tiên phải tìm ra cái gì là lợi thế của mình. Đây phải là lợi thế mà mình đã so sánh, trải nghiệm được qua một thời gian dài. Nếu chưa có những trải nghiệm này thì các bạn cần phải tìm cách thực hiện. Không được để lâm vào trạng thái thua rồi bỏ, thì việc khởi nghiệp sẽ không đi tới đâu”, bà Hương chia sẻ.

Ngoài ra, khi đã nắm rõ điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, người khởi nghiệp phải có được kế hoạch cụ thể về từng đường đi, nước bước của doanh nghiệp, từ đó tham khảo ý kiến của người đi trước để rồi bắt tay khởi nghiệp bằng sự kiên trì. “Tôi luôn có kế hoạch cho các con mình, đặc biệt là với những bạn đã đi làm. Tôi cho con tối đa 3 năm để trải nghiệm đúng sai, sau đó phải kiên định một trong những thứ mà mình đã lựa chọn”, CEO Vũ Ngọc Hương nói.

Trò chuyện với CEO Vũ Ngọc Hương

Kinh doanh, theo bà là gì?

Với tôi, kinh doanh là “tám xu đổi lấy một hào”. Kiên nhẫn cung cấp cho khách hàng dịch vụ bằng 10 thì sẽ lấy được 2 phần trong lợi nhuận của khách hàng. Với chiến lược “kiến tha lâu đầy tổ”, tôi tích cóp để hướng tới thành công lâu dài.

Bí quyết thành công của bà là gì?

Theo tôi, cần phải chân thành và thẳng thắn với đối tác. Khi có điều này, mọi thứ sẽ suôn sẻ hơn.

Bà có định hướng gì cho Venus trong thời gian tới?

Tôi sẽ phát triển Venus trở nên bài bản hơn, chuyên nghiệp và đúng nghĩa là đẩy mạnh những dịch vụ đối với công chúng.

Lợi thế của doanh nghiệp gia đình đó là sự đồng lòng, nhưng điểm yếu là gì?

Đó là dễ cảm thông và tùy tiện.
Việt Nam lọt top 20 trên báo cáo chỉ số nữ doanh nhân 2017
Trong báo cáo về Chỉ số nữ doanh nhân 2017 (Mastercard Index of Women Entrepreneurs - MIWE) do Mastercard vừa công bố ngày 7/4, Việt Nam xếp thứ 19 trong bảng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư