Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 25 tháng 10 năm 2024,
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự, chỉ đạo Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương
Gia Huy - 26/10/2015 22:51
 
Sáng 26.10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 chính thức khai mạc. Tại đại hội, Bí thư tỉnh Ủy tỉnh Bình Dương Mai Thế Trung cho biết, mục tiêu chủ yếu phát triển kinh tế 5 năm 2016-2020 của tỉnh sẽ là tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng quy mô nền kinh tế, bảo đảm phát triên bền vững và tăng trưởng hợp lý.
TIN LIÊN QUAN

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ - công nghiệp gắn với quá trình đô thị hóa, đầu tư nông nghiệp đô thị gắn với công nghệ sinh học cao và chuyển giao công nghệ sinh học.

Đại hội có sự tham gia của 350 đại biểu đại diện cho cho 37.451 đảng viên/588 tổ chức cơ sở Đảng thuộc 16 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, trong đó có 55 đại biểu đương nhiên là các đồng chí Tỉnh ủy viên khóa IX và 295 đại biểu được bầu từ Đại hội cấp trên cơ sở đã dự đại hội…

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ X lấy phát triển dịch vụ - công nghiệp gắn với phát triển đô thị hóa làm mục tiêu phải triển 5 năm 2016-2020.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ X lấy phát triển dịch vụ - công nghiệp gắn với phát triển đô thị hóa làm mục tiêu phải triển 5 năm 2016-2020.

Phát biểu tại Đại hội, ông Mai Thế Trung cho biết, trong năm năm tới, tỉnh sẽ thực hiện nhiều chương trình đột phá như tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao có  hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao gắn với phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, lịch sự.

Huy động tất cả các nguồn lực từ các thành phần kinh tế, tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là các công trình mang tính động lực. Gắn kết và khai thác tối đa lợi thế từ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội của vùng trọng điểm phía nam.

Nhiệm kỳ 2016-2020, Bình Dương đề ra chỉ tiêu phát triển kinh tế là: Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng bình quân 8,3%/năm (tương ứng GDP là 13,3%). Cơ cấu kinh tế của tỉnh đến năm 2020 công nghiệp – dịch vụ - nông nghiệp – thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tương ứng đạt 63,2%-26%-3%-7,8%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 8,7%/năm. GRDP bình quân  đầu người đạt 142,6  triệu đồng vào năm 2020. Thu ngân sách tăng 8,9%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 35% GRDP. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 82%, thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 7 tỷ đô la mỹ.

Đại hội đảng bộ tỉnh cũng đề ra nhiệm vụ phát triển tỉnh năm 2016-2020 đó là duy trình tăng trưởng ở mức cao, đồng thời khai thác các yếu tố để tăng trưởng như đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước. Nâng cao năng suất hợp tác (TFP) đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội, thân thiện với môi trường cho các nhà đầu tư…

Tỉnh cũng phấn đấu tới năm 2020 sẽ trở thành trung tâm công nghiệp lớn, có trình độ ở tầm quốc gia và khu vực, sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới. Ưu tiên phát triển công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, sớm hoàn chỉnh quy hoạch phát triển nguyên liệu và vũng phát triển công nghiệp phụ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để cho việc mời gọi nhà đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh…

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề ra phương hướng phát triển năm năm tới đó là việc xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng bảo đảm mục tiêu phát triển, nâng cấp đô thị.  Trong đó, phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các công trình giao thông huyết mạch có vai trò trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp và đô thị của tỉnh, kết nối với hệ thống giao thông của quốc gia và vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Tới dự và phát biểu khai mạc đại hội, thay mặt Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phát triển năng động, ở bên cạnh TP.HCM, một trung tâm kinh tế hàng đầu của đất nước, Bình Dương đến nay đã cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp, có nhiều tiềm năng, thuận lợi lớn để tiếp tục phát triển, nhưng cũng có nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhất là thách thức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đảng bộ tỉnh cần quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo các định hướng của Trung ương phù hợp điều kiện tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, hệ thống cơ sở hạ tầng, đô thị. Quy hoạch phát triển của Bình Dương phải gắn kết chặt chẽ với phát triển chung của vùng, tạo sự liên kết vùng, nhất là trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển các ngành, các lĩnh vực, bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao tiềm năng khoa học - công nghệ…

Cũng theo Chủ Tịch nước, tỉnh Bình Dương cần tập trung thực hiện hiệu quả các đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế để đổi mới cơ bản mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, thân thiện với môi trường, tăng tỉ lệ nội địa hóa, giảm tỉ trọng gia công. Phát triển nhanh các ngành dịch vụ, nâng cao tỷ trọng dịch vụ trong GDP, nhất là các dịch vụ chất lượng cao, có lợi thế và giá trị gia tăng cao.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình dương sẽ kết thúc vào ngày 27.10.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư