Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Chủ tịch Quốc hội lưu ý nhiều vấn đề tài chính, ngân sách
An Nguyên - 27/05/2021 11:02
 
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Quốc hội mới là cấp có thẩm quyền thông qua hay không thông qua báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước.
.

Phiên họp thứ 56 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sáng 27/5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp thứ 56 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết phiên họp lần này Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về báo cáo sơ bộ về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nghe và cho ý kiến về ba báo cáo của Chính phủ, gồm: Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; báo cáo tài chính nhà nước năm 2019; báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

Về báo cáo sơ bộ kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Chủ tịch Quốc hội đề nghị trên cơ sở báo cáo nhanh, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sơ bộ, đặc biệt là đánh giá khái quát về kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử, cho ý kiến về những nội dung còn phải tiếp tục thực hiện, những yêu cầu đối với Hội đồng bầu cử quốc gia, đối với Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia để hoàn thiện chính thức báo cáo này và tổ chức các bước tiếp theo theo quy định của Luật Tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Với báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trên tinh thần tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, tất cả những vấn đề liên quan đến tài chính, ngân sách phải được xem xét và quyết định trên cơ sở quy định của pháp luật và Quốc hội mới là cấp có thẩm quyền thông qua hay không thông qua báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước.

Do đó, trước khi trình ra Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải làm cho rõ tập trung vào những nội dung, gồm: liên quan đến tình hình thực hiện các chỉ tiêu trong dự toán ngân sách nhà nước đã được Quốc hội thông qua; những tồn tại, hạn chế, yếu kém và những nội dung liên quan đến vấn đề lập dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước; những vấn đề liên quan đến việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, bao gồm cả vấn đề xử lý các điều kiện tài chính, trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong việc tiếp thu, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật; xử lý trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân gắn với trách nhiệm của người đứng đầu...

Về báo cáo tài chính nhà nước năm 2019, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nhiều lần cho ý kiến và kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này tập trung phân tích sâu về việc thực hiện các kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này, đưa vấn đề về tài chính ngày càng đi vào nề nếp, thực chất.

Báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, bên cạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một nhiệm vụ quan trọng. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung phân tích kết cấu, nội dung báo cáo này xem đúng quy định hay chưa, có bám sám chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ ký ban hành hay không; những kết quả cụ thể, những hạn chế, tồn tại cần khắc phục…; bảo đảm công tác này càng đi vào thực chất, hiệu quả, đáp ứng được các yêu cầu đặt ra.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến sâu vào nội dung cụ thể trong lĩnh vực lãng phí, tiết kiệm, những thành tích, ưu điểm căn bản và những tấm gương của các bộ, ngành, địa phương gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện pháp luật, quy định, yêu cầu về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (cả về nhân lực, vật lực, tài lực); kết quả của thảo luận để hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội, chắt lọc những vấn đề căn cơ nhất đưa vào báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế, xã hội cho việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày càng đi vào thực chất, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thực  tế và quy định của pháp luật.

Cũng tại phiên họp này, Văn phòng Quốc hội tổ chức lễ phát động quyên góp từ cán bộ, nhân viên, người lao động để ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo lời kêu gọi của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Quyết định sử dụng 12.100 tỷ đồng ngân sách mua vắc xin phòng Covid-19
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị sử dụng 12.100 tỷ đồng nguồn tiết kiệm chi năm 2020 để mua vắc xin phòng dịch Covid-19.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư