Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 05 năm 2024,
Chủ tịch SHB: Giá chuyển nhượng cổ phần phải vì lợi ích cổ đông
Thùy Liên - 25/04/2024 18:07
 
Tại ĐHĐCĐ chiều nay, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB trả lời câu hỏi của nhiều cổ đông về kế hoạch chuyển nhượng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, tính khả thi của kế hoạch kinh doanh năm 2024, giá cổ phiếu, nợ xấu…
TIN LIÊN QUAN

Chiều nay (25/4), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB - HOSE: SHB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024. Năm nay, SHB đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 22%, nợ xấu 2,7%. Mức nợ xấu này, theo chất vấn của cổ đông là khá cao và đề nghị ngân hàng cần đặt mục tiêu nợ xấu giảm thêm nữa.

Về vấn đề này, Chủ tịch SHB cho rằng, ban lãnh đạo ngân hàng đưa ra con số khả thi chứ không muốn đánh bóng. SHB luôn minh bạch, phản ánh đúng thực trạng hoạt động. Tình hình quốc tế cũng như Việt Nam trong năm qua có nhiều khó khăn, phản ánh vào hoạt động ngân hàng. Vì vậy, dù không ai mong muốn song nợ xấu vẫn tăng. Dù vậy, ông Hiển khẳng định, ngân hàng vẫn kiểm soát được chất lượng tín dụng và đang đồng hành với doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đảm bảo hoạt động an toàn, bền vững.

Về xử lý nợ xấu, HĐQT, Ban điều hành đang tập trung cao độ xử lý nợ xâu từ nay đến hết tháng 9/2024.

“Chúng tôi thành lập các tổ từ hội sở đến chi nhánh phòng giao dịch, trực tiếp làm rõ với các giải pháp phù hợp, hỗ trợ đồng hành với khách hàng vượt qua khó khăn, thu hồi khoản nợ xấu cần thiết, giảm nợ xấu của SHB. Đưa ra con số mục tiêu là 2,7% nhưng ban lãnh đạo quyết tâm đưa về mức dưới 2,5%”, ông Hiển cho biết.  

Một vấn đề nữa được cổ đông quan tâm là chuyển nhượng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Tại ĐHĐCĐ năm ngoái, Chủ tịch SHB cho biết năm 2023 hoặc đầu năm 2024 sẽ có những “chàng rể” trung hạn, song đến nay việc đàm phán vẫn chưa hoàn tất.

Liên quan tới vấn đề này, Chủ tịch SHB cho biết, ngân hàng đang từng bước chuyển nhượng vốn công ty tài chính cho đối tác nước ngoài, chuyển nhượng vốn của SHB Lào và SHB Campuchia. Khi chuyển nhượng đều vì lợi ích nhà cổ đông, nhà đầu tư và của SHB. Ban lãnh đạo đưa ra các yêu cầu thoả mãn cả 2 bên nhưng ưu tiên quyền lợi nhà cổ đông, nhà đầu tư, chứ nếu chuyển nhượng với điều kiện thấp thì nhanh lắm.

Ngoài các vấn đề trên, cổ đông SHB cũng quan tâm nhiều đến việc chia cổ tức và giá cổ phiếu. Dù biến động giá cổ phiếu SHB thời gian qua không làm hài lòng nhiều cổ đông song theo ông Đỗ Quang Hiển, SHB tự hào là một mã cổ phiếu có giá trị thanh khoản luôn dẫn đầu trên thị trường. Giá cổ phiếu cao hay thấp là do khẩu vị, sự lựa chọn của các nhà đầu tư.

Năm nay, SHB dự định chia cổ tức 16% (5% tiền mặt và 11% bằng cổ phiếu) khiến nhiều cổ đông phấn khởi. Trước lo lắng việc chia cổ tức có thể khiến cổ phiếu bị pha loãng,m ông Hiển cho rằng, ngoài chia cổ tức bằng tiền mặt, cần phải tăng vốn để nâng cao sức khoẻ ngân hàng, giúp ngân hàng phát triển bền vững.  Đó là tầm nhìn chiến lược trung và dài hạn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư