Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Chủ tịch TNG Nguyễn Văn Thời: Quản trị nguồn lực bền vững là yếu tố sống còn
Anh Việt - 16/10/2022 11:36
 
Kinh tế toàn cầu ảm đạm, hàng tồn kho nhiều, các đối tác lớn của doanh nghiệp dệt may Việt Nam bị tác động từ các bất ổn kinh tế toàn cầu, đang gây tác động mạnh đến đơn hàng. Theo ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch TNG, lúc này doanh nghiệp cần chú trọng quản trị nguồn lực.

Sớm về đích kế hoạch năm

Ông Nguyễn Văn Thời chia sẻ: “Ở các doanh nghiệp khác thì tôi chưa nắm rõ, nhưng ở Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG không có chuyện đáng e ngại về đơn hàng”.

Số liệu của TNG cho thấy, doanh thu tiêu thụ quý III/2022 đạt 2.018 tỷ đồng, tăng 308 tỷ đồng, tương đương 18% so với cùng kỳ. Lũy kế doanh thu 9 tháng, Công ty đạt 5.247 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ và hoàn thành 87,5% kế hoạch năm 2022.

Năm 2022, TNG đặt kế hoạch doanh thu 6.000 tỷ đồng. Với đơn hàng và tốc độ thực hiện như hiện nay, ông Thời cho biết, Công ty sẽ sớm về đích kế hoạch năm.

Chia sẻ với khó khăn của các nhà đầu tư trên thị trường, với kết quả thực hiện kế hoạch sau 9 tháng, ông Thời đã đề xuất Hội đồng Quản trị TNG thông qua nghị quyết tạm ứng cổ tức đợt I năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ thực hiện là 4%/mệnh giá (1 cổ phiếu nhận 400 đồng). Ngày thanh toán vào 20/10/2022.

Để có thể tự tin về dòng tiền và hoạt động doanh nghiệp như vậy, đã từ lâu Công ty TNG tập trung và đề cao việc gia tăng sản xuất, nhưng vẫn đảm bảo được các yếu tố về môi trường, con người và chất lượng sản phẩm.

Không ít cổ đông của TNG đã được mục sở thị các nhà máy với cung cách quản trị hiện đại. Nhà máy Sông Công (Thái Nguyên) rộng rãi và được trồng nhiều cây xanh tựa như một công viên khiến khách hàng đến làm việc cảm thấy sảng khoái.

Đến nay, TNG có gần 17.000 lao động làm việc ở các nhà máy, Công ty áp dụng hệ thống ERP quản lý các công đoạn sản xuất từ nhập nguyên phụ liệu đến xuất thành phẩm bằng công nghệ thông tin. 278 chuyền may luôn chạy hết công suất.

Một công nhân trẻ của nhà máy là Hoàng Vinh (19 tuổi) cho biết, sau khi tốt nghiệp cấp 3, đã quyết định trở thành công nhân nhà máy may và ứng tuyển vào Sông Công 3. Hàng ngày, cậu di chuyển từ nhà đến nơi làm bằng xe ô tô đưa đón công nhân của doanh nghiệp.

Sau mỗi ca làm việc, cậu nhập số sản phẩm hoàn thành vào hệ thống phần mềm quản trị của Công ty, khi số liệu báo khớp với số sản phẩm đã nộp, 1 ô thành tiền hiện ngay bên cạnh, tức là cậu biết được ngay thành quả lao động ngày hôm đó. Điều này góp phần thúc đẩy tăng năng suất và quản trị chặt chẽ ở TNG, yếu tố mà Ban lãnh đạo doanh nghiệp liên tục theo đuổi những năm gần đây.

TNG đã mở rộng nhà máy Phú Bình thêm 22 chuyền may, nhà máy Sông Công mở rộng với 22 chuyền may…

Mỹ đã trở thành thị trường lớn nhất của TNG khi mang lại 40% doanh thu, tiếp theo là EU với 39%. Điểm tích cực ở TNG là hiệu quả hoạt động liên tục cải thiện khi tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu tăng trưởng.

“Thời điểm này, chúng tôi đang đàm phán cho kế hoạch năm sau. 5-6 khách lớn nhất của TNG vẫn là các nhà bán lẻ lớn trên thế giới. Họ cần hàng. Các đối tác lớn của TNG như Delcathlon, Cosco luôn ưu tiên đơn hàng cho TNG. Bởi thế, tôi cho rằng, các doanh nghiệp uy tín, phát triển bền vững không lo thiếu đơn hàng, quan trọng là quản lý chất lượng và giữ uy tín thương hiệu”, Chủ tịch TNG chia sẻ.

Công ty TNG gia tăng sản xuất, nhưng vẫn đảm bảo các yếu tố về môi trường, con người và chất lượng sản phẩm
Công ty TNG gia tăng sản xuất, nhưng vẫn đảm bảo các yếu tố về môi trường, con người và chất lượng sản phẩm

Tập trung vào quản trị hiệu quả

Vấn đề lớn nhất với một doanh nghiệp dệt may có quy mô lên tới gần 17.000 lao động như TNG, theo chia sẻ của doanh nhân Nguyễn Văn Thời, là tập trung vào quản trị hiệu quả. Bằng cách nào? Bằng công nghệ, thi đua khen thưởng và công tác cán bộ.

“Chúng tôi thống kê chi phí 3 năm gần nhất của từng chi nhánh, lấy mức trung bình và yêu cầu trong năm mới, các đơn vị thực hiện dưới mức đó thì được thưởng, không làm được có thể tính đến việc thay người”.

16 chi nhánh của TNG hoạt động như các công ty độc lập, hàng tháng đều có xếp hạng, tất nhiên hệ số để tính toán còn phụ thuộc quy mô, doanh thu, khả năng đóng góp lợi nhuận… Bảng xếp hạng này chính là cơ sở để tính lương, thưởng. Công thức tính, tỷ lệ tính cho từng chi nhánh được công khai trong cả hệ thống.

Việc của công ty mẹ là hỗ trợ, sát cánh để các chi nhánh có đơn hàng, đào tạo, giúp họ chủ động hạch toán được chi phí, quản trị công việc…

Thái Nguyên, nơi TNG đặt đại bản doanh, không phải là miền đất dễ cạnh tranh về nguồn nhân lực khi Tập đoàn Samsung đã xây dựng tổ hợp nhà máy lớn nhất tại đây, kế đó không xa là các nhà máy may quy mô trung bình khác. Song, trong cuộc đua thu hút nhân công, TNG lại trở thành điểm sáng do tập trung vào chăm lo chế độ đãi ngộ mà trong đó mức lương trung bình 7,5 triệu đồng/tháng đã giải quyết được nhu cầu cân bằng cuộc sống của người lao động.

“Tôi công bố rõ ràng, ở TNG không có chuyện vi phạm quy định về lao động. Nếu ở đâu có vi phạm, người lao động lập tức được bồi thường, còn người phát hiện ra được khen thưởng”. Ðó là một cách dụng nhân của Chủ tịch TNG.

Ông Thời cũng yêu cầu bộ phận nhân sự thường xuyên khảo sát mặt bằng lương ở các khu vực có nhà máy, để biết mức độ cạnh tranh và thực hiện. Mỗi tháng, hệ thống TNG chi hơn 120 tỷ đồng tiền lương, 20 tỷ đồng tiền bảo hiểm.

Ðặc biệt, TNG nhìn nhận, nơi an cư lạc nghiệp cho cán bộ nhân viên của Công ty là một nhu cầu cấp bách. Ông Thời quan niệm, xây nhà ở cho cán bộ công nhân viên Công ty cũng quan trọng như việc xây dựng nhà máy mới.

Ðây chính là lý do “TNG Village”, tổ hợp bất động sản đầu tiên của TNG ra đời. Ðược đầu tư xây dựng hiện đại, nhưng lại vận hành, quản lý theo cách đề cao văn hóa làng xóm, cộng đồng của người Việt, đây là nơi an cư lạc nghiệp cho nhiều gia đình người TNG.

Người chèo lái TNG cũng rất chịu khó đầu tư cho chuỗi sản xuất phụ trợ để chủ động kiểm soát chất lượng, thời gian giao hàng… Ðến nay, chuỗi phụ trợ của TNG đã bao gồm đến 7 ngành hàng gồm dây chuyền bông, thêu, trần, thùng carton, túi PE, in, giặt. Nhà máy bông của TNG được đánh giá cao và phải từ chối không ít đơn hàng.

Trong phóng sự của CNBC, Top 3 đài truyền hình Mỹ, về ngành may mặc Việt Nam đã lấy bối cảnh quay tại nhà máy Ðại Từ, chúng tôi thắc mắc khi thấy hệ thống máy dò kim của TNG chạy tới 2 lần trên một sản phẩm. Ông Thời cười và giải thích: “Thông thường, khách hàng chỉ yêu cầu máy dò kim chạy 1 lần, nhưng tại TNG, chúng tôi đã đưa vào quy trình 2 lần quét cả 2 mặt của sản phẩm, để đảm bảo an toàn sản phẩm ở mức cao nhất. Ðây là tiêu chuẩn riêng của TNG và chúng tôi luôn yêu cầu phải suy nghĩ để có những cải tiến đem lại sự hài lòng cho khách hàng”.

Môi trường kinh doanh khó đoán định, nhưng có một điều chắc chắn rằng, cơ hội sẽ song hành với nhiều thách thức. Chỉ có phát triển bền vững, đầu tư chiều sâu, các doanh nghiệp sản xuất mới trụ vững và đón đầu được cơ hội để hiện thực hóa khát vọng tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư