Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công bố các cam kết và chính sách hỗ trợ nhà đầu tư
Ngọc Tân - 14/08/2018 11:23
 
Ngày 13/8, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành tổ chức Hội nghị "Chủ tịch UBND tỉnh đồng hành cùng doanh nghiệp" và Họp báo công bố những chính sách hỗ trợ của tỉnh Thừa Thiên Huế dành cho cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Kêu gọi sự chung tay của doanh nghiệp, nhà đầu tư

Tại buổi họp báo, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, Thừa Thiên Huế là địa phương có nhiều lợi thế khác biệt để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thời gian qua, do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, nhiều lợi thế khác biệt này vẫn chưa được tỉnh khai thác, phát huy một cách đúng mức để tạo nên lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy đầu tư, phát triển kinh tế. Do vậy, để thay đổi một cách căn bản vấn đề này, cần có sự chung sức, phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và cộng đồng các nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp. Ảnh: DPI Thừa Thiên Huế

Cũng tại buổi họp báo, thay mặt chính quyền, trên cương vị là Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đưa ra cam kết quyết tâm đổi mới, tạo ra những đột phá trong tư duy quản lý và phát triển trên địa bàn tỉnh. Tạo mọi điều kiện thông thoáng, minh bạch, xây dựng đầy đủ các thiết chế pháp lý, quy hoạch, tập trung nguồn lực xây dựng một cách cơ bản các hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và hỗ trợ tối đa các thủ tục hành chính để các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp có thể bỏ vốn đầu tư, khai thác một cách có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thừa Thiên Huế vào mục đích tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp và thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển.

Theo Chủ tịch Phan Ngọc Thọ, đối với cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư, Tỉnh mong muốn nhận được sự chung tay đóng góp về cả tư duy, tinh thần và vốn đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư vào các chính sách, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua đó, làm cho các chính sách, định hướng phát triển của Tỉnh được ban hành có tính hiệu quả, khả thi và đồng thuận cao; làm tiền đề cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh một cách hiệu quả, từng bước tạo nên một Thừa Thiên Huế năng động, bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh:“ Nhằm tiếp tục chia sẻ và đồng hành cùng doanh nghiệp, năm 2018 là năm thứ 3 liên tiếp mà Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh chọn “Năm Doanh nghiệp Thừa Thiên Huế” làm năm chủ đề và một trong những chương trình trọng điểm. Với chủ đề này, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay đã, đang và tiếp tục cam kết bằng những hành động thiết thực, cụ thể đó là: Quyết liệt chỉ đạo, tập trung việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là trong các lĩnh vực: nộp thuế, hải quan, đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh; Tập trung rà soát, bổ sung, thực hiện cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ nhà đầu tư và doanh nghiệp; Hoàn thiện cơ sở hạ tầng đến các vùng trọng điểm kêu gọi đầu tư như các Khu Công nghiệp, Khu Kinh tế Chân Mây Lăng Cô, vùng ven biển đầm phá, thành phố Huế, Khu du lịch sinh thái Bạch Mã,...;Tập trung nguồn lực, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển về cả số lượng cũng như chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh; giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập của người lao động”.

Cũng tại buổi họp báo, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết trong năm nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đưa vào triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh các sở ban ngành và địa phương (DDCI) trên địa bàn tỉnh.  Bộ chỉ số DDCI được xây dựng trên cơ sở ý kiến đánh giá, phản hồi của nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã đang đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh về chất lượng điều hành của các sở ban ngành và UBND cấp huyện với mục tiêu tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa chính quyền các huyện, thị xã, thành phố và các sở ban ngành thuộc tỉnh; tạo động lực cải cách quyết liệt, đồng bộ nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp; xây dựng kênh thông tin tin cậy, rộng rãi và minh bạch để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền địa phương và các sở ban ngành; và tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực.

Công bố một số chính sách mới

Tại buổi họp báo, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã công bố một số chính sách mới được ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV): Ngay sau khi Luật hỗ trợ DNNVV có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, Nghị định 39/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 30/6/2018, Thừa Thiên Huế là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành chính sách hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh (QĐ 39/2018/QĐ-UBND ngày 28/6/2018). Nhiều nội dung hỗ trợ từ Chính sách này bao gồm: hỗ trợ tiếp cận tín dụng, mặt bằng sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo,...

Chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ (QĐ 13/2018/QĐ-UBND ngày 09/02/2018). Một số nội dung hỗ trợ từ Chính sách này bao gồm: hỗ trợ khuyến khích phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ sáng chế, giải pháp hữu ích nhằm nâng cao năng suất, chất lượng các đặc sản trên địa bàn; hỗ trợ tạo lập, đăng ký bảo hộ và quảng bá nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các đặc sản, sản phẩm làng nghề,...

TP Huế đang có những đổi thay mới. Ảnh: Phan Thiên Định.
TP Huế đang có những đổi thay mới. Ảnh: Phan Thiên Định.

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xã hội hóa đã được HĐND tỉnh khóa VII thông qua ngày 11/7/2018. Theo đó một số nội dung hỗ trợ từ Chính sách này bao gồm: chính sách cho thuê đất, chính sách ưu đãi tín dụng, các chính sách về thuế như lệ phí trước bạ, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; thuế thu nhập doanh nghiệp,...

Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã và đang thực hiện như: Chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo Quyết định số 19/2017/QĐ-UBND ngày 21/4/2017 (hỗ trợ các công trình kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào; Hỗ trợ GPMB và rà phá bom, mìn, vật nổ; Hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin;...).

Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng theo Quyết định số 13/2015/QĐ-UBND ngày 24/6/2015 (Hỗ trợ trùng tu, tôn tạo nhà chính; Hỗ trợ tôn tạo khuôn viên vườn; Hỗ trợ kinh doanh dịch vụ tại nhà vườn; Hỗ trợ 100% tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp;...).

Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo Quyết định số 32/2016/QĐ-UBND ngày 23/5/2016 (Hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình trong hàng rào các dự án: đầu tư cơ sở sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; đầu tư cơ sở sản xuất giống; đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; đầu tư cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá đánh bắt xa bờ;...).

Chính sách hỗ trợ hoạt động khuyến công theo Quyết định số 74/2016/QĐ-UBND ngày 18/10/2016 (hỗ trợ sản xuất hàng lưu niệm, quà tặng; sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp; hàng thủ công mỹ nghệ, thủ công truyền thống,...)

Trung Nam Group tìm cơ hội đầu tư tại Thừa Thiên Huế
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện nay Công ty Cổ phần Trung Nam Group đang nghiên cứu tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư