Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước Nguyễn Hoàng Anh: Giám sát danh mục đầu tư trực tuyến
Thạch Huê (TTXVN/BNEWS) - 01/01/2019 13:36
 
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước Nguyễn Hoàng Anh đã có cuộc trao đổi với phóng viên về tiến độ và tình hình chuyển giao vốn và tài sản của các doanh nghiệp Nhà nước. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu chứng kiến Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 5 Bộ về kế hoạch chuyển giao các công việc và chuyển giao hồ sơ các doanh nghiệp về Ủy ban. Ảnh: Thống Nhất –TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu chứng kiến Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 5 Bộ về kế hoạch chuyển giao các công việc và chuyển giao hồ sơ các doanh nghiệp về Ủy ban. Ảnh: Thống Nhất –TTXVN

Nhận nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ, ngày 30/9/2018, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước chính thức đi vào hoạt động, đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty là những doanh nghiệp nòng cốt, với tổng tài sản hơn 2,3 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 100 tỷ USD, chiếm gần 42% giá trị GDP của nền kinh tế.

Tuy mới thành lập trong khoảng thời gian rất ngắn, nhưng khối lượng công việc đã và đang được triển khai thực sự không hề nhỏ; tạo sức nóng lan tỏa trong số những đơn vị được chuyển giao nói riêng và toàn khu vực doanh nghiệp có vốn Nhà nước nói chung. Đây được xem là những “khối bê tông” khó lay chuyển, trong cuộc vận động sinh tồn để trở nên năng động hơn, hiệu quả hơn.

Ngày cuối cùng của năm 2018, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước Nguyễn Hoàng Anh đã có cuộc trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về tiến độ và tình hình chuyển giao vốn và tài sản của các doanh nghiệp Nhà nước.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước

Bước sang năm 2019, năm được coi là bản lề trong giai đoạn nước rút để hoàn thành kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế xã hội (2016-2020), Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước có lời gì chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp hay không?

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay thực sự “không có điểm dừng”. Trong đời sống kinh tế hội nhập và đầy cạnh tranh như hiện nay,“chuyến tàu nào đang đến cũng có thể là chuyến cuối cùng” nên bất cứ sự chần chừ nào cũng có thể thành lỗi bước và tụt hậu trên thương trường.

Doanh nghiệp luôn là lực lượng chủ đạo và tiên phong, có ý nghĩa quyết định sự thành công trong việc thực hiện cuộc cách mạng 4.0 này. 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc danh mục do Ủy ban quản lý sẽ cùng chung tiếng nói để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý và sản xuất kinh doanh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, nhằm hiện thực hóa khát vọng vượt ra ngoài biên giới quốc gia, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ không chỉ chinh phục thị trường trong nước mà còn chiếm lĩnh các thị trường khó tính trên thế giới.

Chính phủ khởi xướng và quyết liệt thực hiện các chính sách kiến tạo nhằm từng bước đưa đất nước đến bến phồn vinh, thịnh vượng. Để hiện thực hóa các mục tiêu và chính sách kiến tạo ấy, chắc chắn phải thông qua hoạt động của các doanh nghiệp; trong đó, doanh nghiệp Nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Bước sang năm 2019, tôi mong các doanh nghiệp phải thực hiện tốt việc kết nối điện tử với Ủy ban trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin; đảm bảo thông tin số liệu chính xác, đầy đủ và nhanh chóng; góp phần giảm thiểu chi phí và nâng cao hiệu quả giám sát, chỉ đạo theo nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Bên cạnh đó, Ủy ban cũng sẽ nỗ lực thực hiện tốt vai trò cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; cùng đồng hành với doanh nghiệp và hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp phát triển.

Ông có thể điểm qua tiến trình chuyển giao và tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước ở 19 tập đoàn, tổng công ty trong năm 2018?

Bên cạnh việc nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số và phần mềm giám sát, đánh giá thực trạng doanh nghiệp thường xuyên, bao gồm các chỉ số chung và chỉ số riêng theo ngành/lĩnh vực, trên cơ sở xem xét với tương quan ngành trong toàn thị trường; đồng thời xây dựng 44 quy chế về nghiệp vụ, quản lý nội bộ và ứng dụng công nghệ thông tin, tháng 11/2018, Ủy ban đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu tại 19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước gồm: Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam.

Ngay sau khi tiếp nhận các doanh nghiệp, Ủy ban đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp; xử lý kịp thời các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ; có ý kiến trình Thủ tướng Chính phủ một số nội dung về tái cơ cấu các đơn vị thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và cơ chế quản lý dự án của EVN; xử lý một số nội dung sau cổ phần hóa tại một số tập đoàn, tổng công ty thuộc ngành giao thông và nông nghiệp…

Qua đánh giá sơ bộ, trong năm 2018, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban đều dự kiến hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra về sản lượng sản xuất, doanh thu và lợi nhuận.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, dự kiến lợi nhuận năm 2018 đạt thấp như: Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; Tổng công ty lương thực miền Nam; Tổng công ty cà phê Việt Nam (9 tháng đầu năm lỗ 51 tỷ đồng).

Với khối lượng công việc lớn như vậy, Ủy ban có gặp khó khăn gì trong quá trình chỉ đạo và điều hành hay không, thưa ông?

Đến thời điểm hiện tại, theo quy định, Ủy ban đã có 9 đơn vị chuyên môn. Tuy nhiên, Trung tâm thông tin vẫn đang trong quá trình Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ cơ cấu tổ chức và biên chế. Năm 2018, Ủy ban mới được bố trí 50 biên chế, chưa đủ cán bộ, công chức theo đề án, trong khi khối lượng công việc cần xử lý nhiều, do đó, gặp nhiều khó khăn.

Không chỉ số lượng công việc nhiều, nội dung các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn, chưa rõ cũng đã ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng xử lý các công việc của Ủy ban.

Bước sang năm 2019, nhiệm vụ và mục tiêu đề ra của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước sẽ như thế nào, thưa ông?

Cơ bản thì Ủy ban sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá lại thực trạng của từng tập đoàn, tổng công ty và xác định nguyên nhân, giải pháp xử lý từng dự án lớn có vấn đề. Trên cơ sở đó đề xuất cơ chế xử lý và có lộ trình khả thi thực hiện cơ cấu lại tài sản/doanh nghiệp để tập trung nguồn lực cho hoạt động kinh doanh chính; đồng thời, gắn xử lý dự án tồn đọng với cơ cấu lại doanh nghiệp, kiện toàn nhân sự và quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Ủy ban cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo và thúc đẩy sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; không làm chậm, gián đoạn lộ trình đã được phê duyệt; tăng tính giám sát và thực hiện minh bạch, công bố thông tin kịp thời hơn. Gắn thoái vốn tại các đơn vị thành viên của tập đoàn, tổng công ty với kế hoạch tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty về cả tài chính và tổ chức quản trị, áp dụng các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp hiện đại; chú trọng chất lượng và tăng trưởng hơn số lượng đơn vị.

Cùng với đó, Ủy ban sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương xử lý các vấn đề tồn đọng hoặc phát sinh mới, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời, tạo môi trường thuận lợi, tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Tới đây, ngoài việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình hoạt động 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước được giao quản lý; Ủy ban sẽ xây dựng Chiến lược tổng thể phát triển các doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Song song đó, Ủy ban sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát các luật, nghị định, các văn bản quy phạm pháp luật về quyền đại diện chủ sở hữu của Ủy ban và việc quản lý của các bộ chuyên ngành để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đảm bảo việc quản lý, thực hiện không chồng chéo, mâu thuẫn để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Trước mắt, chúng tôi sẽ sớm đưa vào vận hành phần mềm Bộ chỉ số giám sát tài chính doanh nghiệp và cơ chế quản lý, giám sát danh mục đầu tư vốn nhà nước của các doanh nghiệp được giao quản lý trên cơ sở hệ thống thông tin trực tuyến.

Chuyển giao tập đoàn, tổng công ty về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước như thế nào?
Các kế hoạch chuyển giao nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang được rốt ráo thực...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư