Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 07 tháng 10 năm 2024,
Chủ tịch Vietjet Air: Không để hình ảnh doanh nghiệp tư nhân bị bóp méo
Anh Hoa - 02/05/2019 18:41
 
Nếu doanh nghiệp tư nhân bị đối xử không bình đẳng, công bằng từ phía cơ quan quản lý và định hướng tuyên truyền thiếu khách quan sẽ ảnh hưởng tới tinh thần khởi nghiệp của xã hội.

Tại phiên toàn thể của Diễn đàn Kinh tế tư nhân có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự, bà Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietjet Air đã có 2 kiến nghị nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Thứ nhất, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải ưu tiên tập trung xây dựng quy hoạch phát triển hạ tầng sân bay, nhà ga, tạo điều kiện cho các tập đoàn kinh tế tư nhân có tiềm lực được tham gia, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng sân bay. doanh nghiệp tư nhân đầu tư nhiều dự án không đặt mục tiêu hiệu quả kinh tế.

Ví dụ như đề xuất dự án nâng cấp sân bay Điện Biên, hãng tính phải 60-70 năm mới hoàn vốn nhưng dự án có ý nghĩa lịch sử, một địa danh gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ. Do đó hãng nhận thấy cần đầu tư thành điểm đến quốc tế mang tính lịch sử, một vùng kinh tế phát triển văn minh.

Thứ hai, doanh nghiệp tư nhân mong được sự đối xử bình đẳng, công bằng của cơ quan quản lý và định hướng tuyên truyền khách quan, không để hình ảnh doanh nghiệp tư nhân bị bóp méo ảnh hưởng tới tinh thần khởi nghiệp của toàn xã hội, ý chí của những doanh nghiệp tiên phong.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Vietjet Air
Bà Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Vietjet Air

Là hãng hàng không tư nhân đầu tiên, với giấy phép mở đường cho tư nhân đầu tư vào lĩnh vực hàng không, Vietjet cất cánh mang đến những thay đổi với ngành hàng không Việt Nam. Nhờ đó, hàng triệu người lần đầu tiên tiếp xúc với phương tiện di chuyển văn minh, được đi trên những máy bay mới, hiện đại.

Thống kê quốc tế cho thấy, cứ 1% tăng trưởng của hàng không tương ứng với 0,4 - 0,5% tăng trưởng GDP. Ở Việt Nam trong những năm gần đây, ngành hàng không đều tăng trưởng bình quân 14 -15%, tương ứng với mức tăng GDP 6,8-7% mỗi năm.

Năm 2018, Vietjet đóng góp vận chuyển hơn 23 triệu lượt khách trong số 49,3 triệu của toàn ngành; thực hiện 118.923 chuyến bay an toàn với 66 đường bay quốc tế tới Nhật Bản, Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Campuchia... Tổng doanh thu đạt 52.135 tỷ đồng.

"Chúng tôi tự hào là nhân tố thúc đẩy những đổi mới tích cực của ngành hàng không Việt Nam từ luật pháp chính sách, tới phương thức quản lý và kế hoạch liên tục mở rộng, nâng cấp xây mới các sân bay, phát triển chuỗi cung ứng dịch vụ hàng không. Doanh nghiệp có ước vọng xây dựng Việt Nam trở thành một trung tâm dịch vụ hàng không của khu vực trong công tác dịch vụ kỹ thuật, sửa chữa, bảo dưỡng, đào tạo nhân lực chất lượng cao", bà Hà cho biết 

Chủ tịch Tập đoàn Airbus sang Việt Nam hợp tác cùng Vietjet Air
Đây là chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu một bước tiến mới trong mối quan hệ hợp tác bền vững, lâu dài giữa Vietjet Air với nhà sản...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư