Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Chưa thể tạm ngưng xuất khẩu phân bón
Thế Hoàng - 17/07/2021 08:25
 
Giá nhiều loại phân bón tăng rất mạnh nhiều tháng nay và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng chưa thể kìm đà tăng này bằng biện pháp tạm ngưng xuất khẩu.
Ảnh minh họa.
Năng lực sản xuất của các nhà máy phân bón trong nước là trên 8 triệu tấn.

Giá phân bón trong nước tăng phi mã

Từ cuối năm 2020 đến nay, giá nhiều loại phân bón tăng rất mạnh. Cụ thể, phân u-rê tăng khoảng 62%, DAP tăng trên 51%, kali tăng 27%... Thị trường vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí, giá phân bón còn được dự báo tiếp tục đi lên trong những tháng cuối năm.

Trong khi đó, ở chiều xuất khẩu, chưa bao giờ ngành sản xuất phân bón đạt được tốc độ tăng xuất khẩu lớn đến thế. 6 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp trong ngành đã xuất bán 667.000 tấn phân bón, trị giá gần 250 triệu USD.

Để hạ nhiệt giá phân bón trong nước, nhiều ý kiến cho rằng, cần tạm ngưng hoặc đánh thuế cao với phân bón xuất khẩu. Tuy nhiên, theo Cục Hóa chất (Bộ Công thương), chưa đủ cơ sở để thực hiện điều này và các bộ, ngành liên quan cùng cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội cần có đánh giá cụ thể.

Đà tăng của phân bón xuất khẩu đã diễn ra trong cả năm 2020. Cụ thể, trong năm 2020, Việt Nam xuất khẩu 1,163 triệu tấn phân bón, trị giá 341 triệu USD, tăng 39,7% về lượng và 27,1% về giá trị so với năm 2019.

Sáu tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 667.000 tấn phân bón, trị giá gần 250 triệu USD, tăng 44,7% về lượng và tăng 82,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

 (Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương)

Đại diện Bộ Công thương cho hay, Luật Quản lý ngoại thương (năm 2017) quy định, có thể áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu đối với hàng hóa, nhưng phải trong trường hợp mất cân đối nghiêm trọng của cán cân thanh toán hoặc các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác theo quy định của pháp luật; trong khi đó, lượng phân bón sản xuất trong nước và nhập khẩu hiện cơ bản đáp ứng được nhu cầu.

Hiện nay, năng lực sản xuất của các nhà máy phân bón trong nước là trên 8 triệu tấn, cộng với lượng nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước. Việt Nam đã cơ bản tự chủ được về phân urê, lân và NPK; đáp ứng khoảng 86% nhu cầu DAP và MAP; chỉ nhập khẩu phân SA và kali, do trong nước không có nguồn nguyên liệu.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, các nhà máy đẩy mạnh công suất, sản lượng đạt 4,33 triệu tấn phân bón vô cơ các loại; nhập khẩu phân bón các loại trên 2,3 triệu tấn, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Hiện tượng giá phân bón tăng mạnh được lý giải là do yếu tố bên ngoài, chủ yếu do các nguyên liệu sản xuất chính của phân DAP và MAP là lưu huỳnh, amoniac và giá cước vận chuyển tăng cao.

Cụ thể, giá lưu huỳnh về tới nhà máy sản xuất tăng hơn 2 lần, từ 95 USD/tấn lên hơn 200 USD/tấn, giá amoniac cũng tăng hơn 31,4%, giá acid sulfuric tăng 500%, giá cước vận tải tăng từ 3 đến 5 lần... Những yếu tố này cộng hưởng làm giá phân bón trong nước tăng phi mã.

Tăng kiểm tra, phát hiện găm hàng tăng giá

Theo ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), giá phân bón tăng trong thời gian vừa qua vì nhiều lý do khác nhau.

“Trong quá trình phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đánh giá cung cầu, Bộ Công thương nhận thấy, lượng phân bón thời gian qua hoàn toàn đủ năng lực cung ứng nhu cầu trong nước. Với phân bón DAP, MAP, từ khi có sản xuất trong nước làm đối trọng với hàng nhập khẩu, thì mức tăng của DAP, MAP sản xuất trong nước thấp hơn so với mức tăng của hàng nhập khẩu”, ông Dũng nói.

Để bình ổn thị trường, Bộ Công thương đã có Văn bản số 1321/BCT-HC ngày 11/3/2021 đề nghị các tập đoàn, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh phân bón lớn trên toàn quốc chủ động tìm nguồn nhập khẩu nguyên liệu đầu vào có chất lượng với giá cả hợp lý; tăng cường sản xuất cung ứng sản phẩm ra thị trường; không thực hiện các hành vi đầu cơ để trục lợi; kiểm soát hoạt động xuất khẩu phù hợp với thực tế.

Trên cơ sở đó, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đơn vị liên quan để đánh giá, rà soát biện pháp tự vệ đối với phân bón DAP, MAP một cách khách quan, tổng thể và phù hợp với quy định của pháp luật... Ngoài ra, Bộ Công thương tiếp tục chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá.

Dù vậy, ở góc nhìn của doanh nghiệp nhập khẩu phân bón, ông Vũ Duy Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam hẳng định: “Giá tăng là do yếu tố cung - cầu”.

Theo ông Hải, không phủ nhận giá phân bón trong nước tăng là theo đà tăng của phân bón thế giới, đặc biệt đối với những chủng loại trong nước chưa sản xuất được và phải nhập khẩu 100%. Tuy nhiên, có một nghịch lý là, nhiều loại phân bón trong nước sản xuất được với sản lượng đủ đáp ứng nhu cầu, hay như DAP đáp ứng được 60 - 70% nếu chạy hết công suất, nhưng vẫn tích cực xuất khẩu và đua nhau tăng giá.

Một trong những lý do được ông Hải nêu ra là sự duy trì cứng nhắc thuế phòng vệ đối với phân DAP, MAP, khiến giá phân nhập khẩu đã cao lại cao thêm hơn 1 triệu đồng/tấn khi đưa vào lưu thông. Bên cạnh đó, phản ứng chậm chạp khi không quyết liệt và nhanh chóng ra quyết định tạm ngừng hoặc đánh thuế xuất khẩu đối với u-rê và DAP cũng góp phần khiến giá phân bón tăng mạnh.

“Kết quả số lượng DAP và u-rê xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ 6 tháng đầu năm phải được coi là thành tích đáng buồn, vì giá xuất khẩu thường thấp hơn giá nhập khẩu cùng loại trong cùng kỳ”, ông Hải thẳng thắn nói.

Giá phân bón chưa thể hạ nhiệt
Giá nguyên liệu đầu vào sản xuất phân bón tăng mạnh, có loại tăng hơn 2 lần, cộng với cước vận tải bị đội giá...là những nguyên nhân dẫn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư