Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 07 năm 2024,
Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ tám của Quốc hội: Nỗ lực hoàn thiện thể chế, thúc đẩy tăng trưởng
Nguyễn Lê - 15/07/2024 08:48
 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ thống nhất tiếp tục phối hợp chặt chẽ, nâng cao hiệu quả hoàn thiện thể chế, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của cuộc sống.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chuẩn bị Kỳ họp thứ tám của Quốc hội

Gấp rút chuẩn bị Kỳ họp thứ tám của Quốc hội

Sau thành công của Kỳ họp thứ bảy - kỳ họp có khối lượng công tác lập pháp lớn nhất kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ tám của Quốc hội (dự kiến khai mạc ngày 21/10 tới) đang được gấp rút tiến hành.

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 35 vừa qua, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 11 dự án luật, cho ý kiến 12 dự án luật khác.

Trong các luật được cho ý kiến, có những dự án sẽ tác động mạnh mẽ đến môi trường đầu tư, kinh doanh, như Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Điện lực (sửa đổi)…

Riêng với Luật Điện lực (sửa đổi), Quốc hội đã thống nhất, trong trường hợp được Chính phủ chuẩn bị tốt, quá trình thảo luận tại Quốc hội đạt sự đồng thuận cao, thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ tám theo quy trình tại một kỳ họp.

Quyết định như thế có lẽ cũng bởi tầm quan trọng và tính cấp bách phải sửa đổi Luật Điện lực. Tại Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi), Bộ Công thương nói rằng, có nhiều vướng mắc liên quan đến các quy định pháp luật trong thực hiện đầu tư các dự án điện, thiếu các cơ chế đặc thù cho phát triển ngành điện.

Cũng tại tờ trình trên, Bộ Công thương đã xác định một số chính sách lớn trong quy hoạch, đầu tư phát triển điện lực, cấp giấy phép hoạt động điện lực, trong hoạt động mua bán điện, vận hành hệ thống điện…

Ngay chính sách thứ nhất về quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước đã đặt mục tiêu thể chế hóa các cam kết của Lãnh đạo Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) để làm cơ sở đưa vào các mục tiêu phát triển điện năng lượng tái tạo trong Quy hoạch Phát triển điện quốc gia và từ đó xây dựng các chính sách để đạt được các mục tiêu trong Quy hoạch Phát triển điện quốc gia.

Đáng chú ý, Dự án luật xây dựng 1 chương về phát triển điện năng lượng mới, điện năng lượng tái tạo. Định hướng chính sách ở đây là khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo nói chung, điện năng lượng tái tạo có quy mô nhỏ, tiêu thụ tại chỗ, cho mục đích tự sử dụng, tự sản và tự tiêu, không gây quá tải hệ thống truyền tải, phân phối.

Chương này cũng quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn không qua lưới điện quốc gia, đồng thời sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trong Luật Đầu tư làm cơ sở thực hiện điện gió ngoài khơi, đề xuất quy định thẩm quyền quyết định của Thủ tướng đối với một số dự án và tăng cường phân cấp cho UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án trên địa bàn.

Theo nhấn mạnh của Bộ Công thương, chính sách này có những tác động tích cực, nổi trội về kinh tế, xã hội và đảm bảo các yếu tố về thủ tục hành chính, môi trường, hệ thống pháp luật, đặc biệt là tác động về kinh tế và xã hội.

Nỗ lực hoàn thiện thể chế

Với 23 dự án luật được xem xét và cho ý kiến, công tác lập pháp tại Kỳ họp thứ tám của Quốc hội đã là rất lớn. Nhưng, nhiều khả năng, khối lượng các dự án luật cũng như các vấn đề quan trọng cần Quốc hội “ra tay” sẽ còn lớn hơn.

Ngày 8/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, một trong hai Phó trưởng ban là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn chí Dũng.

Kỳ họp thứ tám của Quốc hội tiếp tục chia làm hai đợt

Kỳ họp thứ tám của Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội, tổ chức theo 2 đợt (với khoảng cách 9 ngày giữa 2 đợt). Dự kiến, Quốc hội làm việc 24 ngày, khai mạc ngày 21/10, bế mạc ngày 28/11. Việc tiếp tục chia kỳ họp làm hai đợt nhận được sự đồng tình của cả Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Phó thủ tướng Lê Thành Long.

Một trong những nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo là đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV xem xét, ban hành văn bản phù hợp, hiệu quả để xử lý ngay các bất cập, vướng mắc pháp lý phát sinh trong thực tiễn, cản trở sự phát triển.

“Dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội Dự án luật sửa 1 số điều của các luật nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội”, Phó thủ tướng - Phó trưởng ban Thường trực Lê Thành Long cho biết tại Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thông tin tiếp theo từ ông Lê Thành Long là, Chính phủ đã thông qua 4 đề nghị bổ sung vào chương trình Kỳ họp thứ tám của Quốc hội, gồm Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Luật Phòng bệnh, Luật Dữ liệu, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam.

Phó thủ tướng cũng thống nhất với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn là Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội sẽ họp với nhau sớm hơn các kỳ họp trước, trước khi khai mạc kỳ họp mới khoảng 1 tháng.

Lưu ý cần chuẩn bị tất cả các nội dung của Kỳ họp thứ tám thật kỹ, từ sớm, từ xa, bảo đảm về chất lượng, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành bám sát Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khi trình các dự án luật, nghị quyết đã được Quốc hội quyết định.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận xét, việc lấy ý kiến cử tri và nhân dân, những đối tượng chịu sự tác động của các dự án luật hiện nay còn rất hình thức và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết hướng dẫn quy trình, thủ tục và giám sát việc thực hiện lấy ý kiến này.

Hoàn thiện thể chế để chuyển đổi nền kinh tế
“Thể chế” là từ khóa được nhiều đại biểu Quốc hội nhắc đến khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư