Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Chứng khoán 3/6: Thanh khoản vẫn kém, bất ngờ OGC quay xe
Hải Trần - 03/06/2022 18:44
 
Thị trường có nỗ trợ hồi phục vào giai đoạn cuối phiên nhưng nhìn chung dòng tiền vẫn kém, thể hiện qua thanh khoản khớp lệnh thấp, có rủi ro tiềm ẩn suy yếu dòng tiền trong thời gian tới

Ở phiên trước, thị trường đã hạ nhiệt, bởi vậy, bước vào phiên hôm nay (3/6), trạng thái thị trường thận trọng hơn, thể hiện qua thanh khoản thấp và điểm số ở dưới mức tham chiếu trong phần khớp lệnh. Đồng thời, luôn tiềm ẩn áp lực bán khi thị trường vụt lên gần mức 1.293 điểm của VN-Index.

Áp lực bán đột ngột tăng mạnh ở cuối phiên sáng khiến thị trường chìm trong sắc đỏ và chỉ số VN-Index đe dọa mốc 1.280 điểm. Trong phiên chiều, sau khi lùi về mức thấp 1.276,37 điểm của VN-Index, thị trường đã nhanh chóng hồi phục và trở lại quanh vùng tham chiếu.

Kết phiên, VN-Index chỉ giảm 0,64 điểm (-0,05%) và đóng cửa tại 1.287,98 điểm. Thanh khoản sụt giảm so với phiên trước với 430,6 triệu cổ phiếu được khớp lệnh trên sàn HOSE.

Nhóm VN30 cũng diễn biến thận trọng với thanh khoản thấp nhưng có nỗ lực giữ sắc xanh khi kết phiên, với mức tăng nhẹ 0,14%. Nổi bật là GAS (+4,5%), MWG (+3,7%), FPT (+2,2%), VPB (+1,7%), SAB (+1,4%) ... Ở chiều ngược lại, có đến 17 mã giảm giá, như GVR (-3,1%), HDB (-2,3%), VCB (-1,9%), STB (-1,9%), NVL (-1,8%) ...

Với diễn biến thận trọng và kém sắc của thị trường chung, các nhóm ngành tiếp tục có diễn biến phân hóa và phân hóa giữa các cổ phiếu trong cùng nhóm ngành. Nhóm phân bón, nhóm thủy sản, nhóm công nghệ, nhóm bán lẻ, nhóm gas là những nhóm tiếp tục có diễn biến sôi động và hỗ trợ cho thị trường. Đồng thời, nhóm thép cũng hồi phục trở lại sau ít phiên có diễn biến kém.

Nổi bật trong phiên hôm nay là cổ phiếu OGC sớm nằm sàn từ phiên sáng, chủ yếu do tác động bởi thông tin sẽ bị hạn chế giao dịch từ 9/6 do chậm nộp báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán quá 45 ngày so với quy định.

Tuy nhiên, trước khi bước vào phiên chiều nay, OGC đã công bố thông tin về việc phát hành báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 sẽ không chậm hơn ngày 15/6/2022. Ngay sau thông tin này, cổ phiếu OGC đã giật mạnh đi lên.

Theo đó, bước vào phiên chiều, OGC đã dần thu hẹp biên độ và tăng vọt, áp sát mức giá trần khi đóng cửa tăng 6,3% lên mức 12.750 đồng/CP, tăng tới hơn 1,5 giá trong phiên, cùng thanh khoản bùng nổ, đạt hơn 4,16 triệu đơn vị.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên sàn HOSE với giá trị 183 tỷ đồng. Nhiều nhất là GAS (-37,8 tỷ) và HPG (-37,8 tỷ), tiếp đến là VCB (-21,2 tỷ), VIC (-21 tỷ), VHM (-19,9 tỷ) … Ở chiều mua ròng, nổi bật là CTD (+19,2 tỷ), tiếp đến là DPM (+11 tỷ), SAB (+10,6 tỷ), BCM (+8,4 tỷ), FRT (+8,2 tỷ) …

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 2,53 điểm (+0,2%) lên 1.287,98 điểm, HNX-Index giảm 0,69 điểm (-0,2%) xuống 310,48 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 6,6% so với tuần trước đó với 78.029 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 3,2% xuống 2.798 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 16% so với tuần trước đó với 10.253 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 3,7% lên 420 triệu cổ phiếu.

Trong tuần qua, nhóm cổ phiếu tiện ích cộng đồng tăng mạnh nhất trong tuần qua với 9,4% giá trị vốn hóa nhờ đà tăng mạnh của trụ cột trong ngành con điện, nước, xăng dầu khí đốt như REE (+3,8%), TDM (+8,9%), BWE (+10,2%), GAS (+12,9%)...

Tiếp đến là nhóm cổ phiếu dầu khí với mức tăng 3,9% giá trị vốn hóa nhờ hưởng lợi từ diễn biến giá dầu tăng mạnh như BSR (+15,9%), PVD (+4,1%), PVS (+10,6%), PVC (+10,2%), PVB (+6,4%)...

Và nhóm cổ phiếu dịch vụ tiêu dùng với mức tăng 1,6% nhờ đà tăng của các cổ phiếu thuộc ngành con bán lẻ như MWG (+4,4%), FRT (+2,6%), DGW (+1,4%)...

VN-Index đã hồi phục tuần thứ ba liên tiếp sau sáu tuần điều chỉnh, với mức tăng trong tuần qua là rất nhẹ (+0,2%). Thanh khoản khớp lệnh tiếp tục tăng nhẹ nhưng vẫn là mức thấp và đây đã là tuần thứ 19 liên tiếp thấp hơn mức trung bình 20 tuần gần nhất. Kết hợp với diễn biến trong tuần qua có thể thấy là bên mua và bên bán đang có sự giằng co ở vùng giá hiện tại sau khi thị trường tiến đến ngưỡng tâm lý 1.300 điểm.

Khối ngoại đã mua ròng hơn 2.000 tỷ đồng trong tuần, trong đó dẫn đầu là chứng chỉ quỹ VN-Diamond với giá trị mua ròng đạt 1.358 tỷ đồng, FPT là cổ phiếu được mua ròng nhiều thứ 2 với giá trị 391 tỷ đồng, DGC xếp thứ với giá trị mua ròng đạt 271 tỷ đồng. Chiều bán ròng, một chứng chĩ quỹ khác là VN30 (MCK: E1VFMVN30) đã dẫn đầu nhóm bán ròng với giá trị 188 tỷ đồng.

Sau nhịp hồi phục, VN-Index đang có trạng thái ngắn hạn là đi ngang, để trở lại xu hướng tăng, chỉ số này cần vượt ngưỡng tâm lý 1.300. Hỗ trợ ngắn hạn của chỉ số đang là 2 mốc 1.270 và thấp hơn 1.257 (ngưỡng MA 20 ngày). VN-Index đang có mức P/E là 13,9x

Khối ngoại quay đầu bán ròng, VN-Index một lần nữa chinh phục bất thành mốc 1.300 điểm
Các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 550 tỷ đồng, sau 4 phiên mua ròng liên tiếp. VN-Index có một vài thời điểm vượt 1.300 điểm nhưng vẫn quay...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư