Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
Chứng khoán bán tháo diện rộng: Hòn tuyết lăn hay thói quen mang tiền về ăn Tết?
TT. - 17/01/2022 22:02
 
Tròn một tuần sau vi phạm bán chui của ông Trịnh Văn Quyết và hai tuần ngay trước kỳ nghỉ Tết nguyên đán kéo dài, nhà đầu tư ồ ạt bán tháo trên sàn chứng khoán phiên 17/1.

VN-Index mất hơn 43 điểm, vốn hóa “bốc hơi” hơn 7,2 tỷ USD

Sau tuần giao dịch tiêu cực, cả ba chỉ số chứng khoán tưởng chừng sẽ phục hồi khi giữ được sắc xanh trong phần lớn thời gian giao dịch đầu phiên sáng. Tuy nhiên, áp lực bán lại tăng mạnh từ chiều. VN-Index giảm 43,18 điểm (-2,89%) xuống 1.452,84 điểm – mức thấp nhất trong ngày. HNX-Index giảm 21,52 điểm (-4,61%) xuống 445,34 điểm. UPCoM-Index giảm 2,86 điểm (-2,55%) xuống 109,36 điểm.

Đây là phiên rơi sâu nhất của VN-Index (xét về mức giảm tương đối) trong 5 tháng trở lại đây. Vốn hóa thị trường sàn HoSE “bốc hơi” 165 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 7,2 tỷ USD. Với mức giảm 2,89%, chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường giao dịch tiêu cực nhất châu Á phiên đầu tuần.

.
Chứng khoán cắm đầu lao dốc, "bốc hơi" hàng tỷ USD vốn hóa

Trên sàn HoSE, chỉ có 49 mã tăng, 18 mã đứng giá và 446 mã giảm. Trong đó, 128 mã giảm kịch biên độ. Điều này cũng đồng nghĩa, trên sàn chứng khoán có quy mô vốn hóa thị trường số 1 của Việt Nam, cứ 100 mã niêm yết trên sàn HoSE lại có 24,3 mã bị hạ “đo sàn” phiên này. Ngay ở nhóm VN30-Index, 5/30 cổ phiếu giảm kịch biên độ và chỉ duy nhất VCB đóng cửa trong sắc xanh.

Thị trường chứng khoán Việt Nam không hiếm các phiên giảm 2-3%, nhưng ở phiên hôm nay, đà giảm đã xảy ra trên diện rộng với hàng loạt cổ phiếu giảm sàn, “trắng bên mua”. Thống kê trên ba sàn chứng khoán, có 795 mã giảm, chiếm 48% số lượng mã chứng khoán. Đáng chú ý hơn, có tới 183 mã giảm kịch biên độ.

Thanh khoản thị trường tăng so với phiên trước với tổng giá trị giao dịch đạt 37.339 tỷ đồng. Giá trị khớp lệnh đạt 34.593 tỷ đồng, tăng 38%. Khối ngoại đã có phiên thứ hai liên tiếp mua ròng với giá trị gần 181 tỷ đồng. Giao dịch của khối ngoại khá sôi động nhưng trải rộng ở thay vì tập trung ở một số cổ phiếu nhất định. Trong đó, cổ phiếu được giải ngân ròng nhiều nhất là STB (hơn 59 tỷ đồng). Đây cũng là cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất trong phiên (1.525 tỷ đồng).

Hòn tuyết lăn hay thói quen mang tiền về ăn Tết?

Dù thanh khoản thị trường vẫn đang ở trạng thái tốt, với nhiều mã chứng khoán, tính thanh khoản của cổ phiếu đã ở tình trạng đáng báo động. Tình trạng “trắng bên mua” kéo dài, khối lượng khớp lệnh nhỏ giọt, không đáng kể so với lượng dư bán sàn chất đống.

Ở thời điểm hiện tại, đã tròn một tuần sau vi phạm bán chui cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết kèm lệnh phong tỏa của Ủy ban chứng khoán Nhà nước được ban hành ngay chiều tối cùng ngày. Chưa có thông tin xử phạt hành chính đối với hành vi trên sau 168 giờ. Tuy nhiên, thiệt hại đối với các nhà đầu tư sở hữu FLC và cổ phiếu liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết lại thấy rõ. Phía cầu “trống rỗng”, trong khi lực cung áp đảo. Không ai muốn mua vào cổ phiếu khi còn dự đoán giá cổ phiếu còn giảm. Chung tình trạng tương tự, nhiều cổ phiếu bất động sản từng hưởng lợi từ kỳ vọng cơn sốt đất Thủ Thiêm cũng tiếp tục bị chất bán giá sàn.

Sau một tuần, giá cổ phiếu FLC đã giảm 1/3. Với các cổ phiếu giao dịch trên sàn HNX và UPCoM có biên độ 10% hay 15%, mức giảm thậm chí còn lớn hơn,

Theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta, đà giảm của thị trường phiên hôm nay vẫn liên quan tới các mã đầu cơ, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng đã lan rộng. Ông Minh cũng cho rằng một phần lý do đến từ khả năng bán giải chấp đã xảy ra với những cổ phiếu khác, bởi các mã đầu cơ mất thanh khoản. Trong trường hợp nhà đầu tư sử dụng margin để mua cổ phiếu nhóm FLC và nhóm hưởng lợi từ phiên đấu giá đất Thủ Thiêm, việc bán giải chấp không thể thực hiện. Khi đó, các công ty chứng khoán có thể bán các mã khác trong danh mục của khách hàng nhằm thu hồi khoản vay.

Ngoài ra, thời điểm này cũng khá đặc biệt, bởi theo lịch sử giao dịch nhiều năm, các nhà đầu tư có thói quen “rút tiền ăn Tết”. Số liệu thống kê các năm gần đây cũng cho thấy khả năng xảy ra một đợt giảm trước Tết âm lịch khá áp đảo.

Cùng đó, tại  buổi trao đổi thông tin kết quả hoạt động ngân hàng và triển khai nhiệm vụ năm 2022 ngày 15/1, một lần nữa, đại diện NHNN nhắc lại chuyện sẽ kiểm soát chặt tín dụng vào bất động sản, chứng khoán. Tuy nhiên đây là câu chuyện không mới. Tâm lý nhà đầu tư cũng đang thận trọng hơn trước các sự kiện mà gần nhất là ngày đáo hạn hợp đồng tương lai (20/1) và kỳ họp chính sách của Fed sẽ diễn ra 9 ngày nữa khi thị trường kỳ vọng ngày càng nhiều vào khả năng tăng lãi suất ngay vào tháng 3/2022. 

Thị trường chứng khoán không có nhiều điểm sáng cổ phiếu trong phiên hôm nay. Từ đầu phiên, nhóm ngân hàng và dầu khí giao dịch khá tích cực nhưng cũng quay đầu vì áp lực chốt lời.  VCB là cổ phiếu duy nhất đóng cửa trong sắc xanh cả ở VN30 và cả nhóm 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường. Trong khi đó, nhóm chứng khoán giao dịch tiêu cực. Diễn biến xấu của thị trường trên diện rộng như hiện tịa có thể tác động trực tiếp đến hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán. Chưa kể, quý I/2021 còn là khoảng thời gian lãi đậm của nhóm công ty này.

Trong báo cáo nhận định thị trường cuối phiên hôm nay, chuyên viên phân tích VCBS đánh giá lực bán mạnh về cuối phiên đã kích hoạt tâm lý khá tiêu cực và tạo hiệu ứng dây chuyền trên thị trường. Với phiên trượt dốc hôm nay, VDSC đánh giá VN-Index đã đánh mất vùng cân bằng và tiếp tục theo chiều hướng xấu. Mặc dù áp lực bán chưa cao nhưng dòng tiền vẫn thể hiện động thái thận trọng cao độ. Với đà giảm nhanh, có thể dòng tiền sẽ có hoạt động “bắt đáy” nhưng công ty chứng khoán này cũng cho rằng áp lực cản khi thị trường tăng điểm vẫn đang lớn và rủi ro đang tiềm ẩn cao. Các công ty chứng khoán phần lớn đều lưu ý nhà đầu tư hạn chế gia tăng rủi ro và bảo vệ thành quả.

Chứng khoán bốc hơi 8 tỷ USD; huỷ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC; Trần Uyên Phương quay lại mua YEG
VN-Index quay đầu giảm, cổ phiếu FLC do Chủ tịch bán không thông báo bị hoàn trả hay sự trở lại của cổ đông lớn Yeah1... là diễn biến đáng chú...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư