Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Chứng khoán châu Á ngụp lặn khi lạm phát Mỹ tăng nóng
Lê Quân - 14/07/2021 19:24
 
Sắc đỏ chi phối các thị trường chứng khoán lớn ở châu Á - Thái Bình Dương trong ngày giao dịch 14/7 sau thông tin lạm phát Mỹ tăng vọt.
Chỉ số Shanghai Composite để mất 1,07% trong ngày giao dịch 14/7. Ảnh: AFP
Chỉ số Shanghai Composite để mất hơn 1% trong ngày giao dịch 14/7. Ảnh: AFP

Cả hai chỉ số chính của thị trường Trung Quốc đại lục đều sụt giảm trong ngày giao dịch 14/7. Trong đó, chỉ số Shanghai Composite để mất 1,07% và đóng cửa ở mức 3.528,50 điểm còn chỉ số Shenzhen Component giảm 0,875% và kết thúc ngày giao dịch ở mức 15.056,32 điểm.

Trên thị trường Hong Kong, chỉ số Hang Seng rớt 0,69%, tính đến giờ giao dịch cuối ngày.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 đóng cửa mất 0,38% còn 28.608,49 điểm, trong khi chỉ số Topix trượt 0,23% xuống 1.963,16 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc hôm nay cũng giảm 0,2% xuống còn 3.264,81 điểm.

Trong khi đó, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia nhích lên 0,31% và khép lại ngày giao dịch với 7.354,70 điểm. Tuy nhiên, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) vẫn giảm 0,25%.

Thông tin kinh tế Singapore thu hút sự sự quan tâm của nhà đầu tư ngày giao dịch hôm nay. Nền kinh tế Singapore trong quý II/2021 ước đạt tăng trưởng 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trưởng này cao hơn dự báo 14,2% mà các nhà kinh tế đưa ra trong cuộc thăm dò trước đó của Reuters. Tuy nhiên, so với quý I/2021 nền kinh tế Singapore vẫn suy giảm 2%, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore cho biết.

Chỉ số Straits Times của Singapore giảm 0,33% vào lúc 3:03 chiều nay (giờ địa phương).

Phố Wall đêm qua chứng kiến cả ba chỉ số chính đều bị kéo giảm. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones để mất 107,39 điểm còn 34.888,79 điểm trong khi S&P 500 giảm 0,35% xuống 4.369,21 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,38% xuống 14.677,65 điểm.

Chứng khoán Mỹ "đỏ lửa" sau khi Bộ Lao động nước này công bố lạm phát trong tháng 6 đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần 13 năm qua. Cụ thể, giá tiêu dùng trong tháng 6 tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng hàng tháng cao nhất kể từ tháng 8/2008.

Trên thị trường tiền tệ, đồng đô New Zealand hôm nay gây chú ý khi tăng giá 1,09% lên mức 1 NZD "ăn" 0,7021 USD sau khi Ngân hàng Trung ương nước này thông báo thu hẹp chính sách kích thích tiền tệ hiện hành, bằng việc tạm dừng chương trình mua vào tài sản quy mô lớn vào ngày 23/7.

Chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác tăng lên 92,627 sau khi lấy lại đà tăng đạt 92,4. Đồng yên Nhật trượt giá về 110,47 JPY đổi 1 USD, từ mức 110 JPY/USD thiết lập đầu tuần, còn đồng đô la Australia cũng suy yếu so với ngày hôm qua và giao dịch 1 AUD đổi 0,7461 USD.

Giá dầu giao dịch theo giờ châu Á chiều nay hạ nhiệt. Giá dầu thô Brent giao kỳ hạn trượt nhẹ xuống 76,43 USD/thùng còn giá dầu thô giao sau của Mỹ giảm 0,21% xuống 75,09 USD/thùng.

Chứng khoán châu Á vật lộn tìm hướng đi
Các chỉ số chứng khoán chính của châu Á vật lộn tìm hướng đi trong ngày giao dịch 6/7 sau quyết định lãi suất của Ngân hàng Trung ương Australia.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư