Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chứng khoán châu Á tiếp tục vật lộn với thương chiến
Lê Quân (CNBC) - 22/11/2019 15:50
 
Những bất định về thương chiến Mỹ - Trung tiếp tục đè nặng chứng khoán châu Á phiên cuối tuần 22/11 với những "gam màu" trái ngược nhau.
TIN LIÊN QUAN
Chứng khoán Trung Quốc đại lục chiều nay 22/11 ghi nhận những sắc thái trái ngược nhau. Ảnh: AFP
Chứng khoán Trung Quốc đại lục chiều nay 22/11 ghi nhận những sắc thái trái ngược nhau. Ảnh: AFP

Chứng khoán Trung Quốc đại lục chiều nay ghi nhận chỉ số Shanghai Composite trượt 0,6% còn Shenzhen Composite lên điểm 1,24%. Trên sàn Hong Kong, chỉ số Hang Seng tăng khiêm tốn 0,26%.

Sắc xanh bao phủ chứng khoán Nhật Bản với chỉ số Nikkei 225 nhích 0,36% và Topix tăng 0,16%. Tuy nhiên, cổ phiếu của công ty game Nintendo trượt dốc hơn 3% sau khi hãng tài chính Morgan Stanley hạ mức cổ phiếu Nintendo từ tăng tỷ trọng xuống giảm tỷ trọng.

Trên sàn Hàn Quốc, chỉ số Kospi tăng điểm không đáng kể, còn S&P/ASX 200 của Australia tăng 0,47%.

Theo hãng tin Reuters, cổ phiếu tập đoàn ngân hàng Westpac sụt giảm 1,5% sau khi tập đoàn đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs dự báo giá cổ phiếu Westpac sẽ trượt dốc 10%. Cổ phiếu Westpac liên tiếp trượt giảm vài ngày qua sau khi cơ quan chống rửa tiền và tài chính khủng bố của Australia ra án phạt dân sự đối với Westpac với cáo buộc có sai sót trong giám sát hoạt động ngân hàng và các dịch vụ được chỉ định thông qua các mối quan hệ ngân hàng khác.

Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) tăng 0,08%. Nhìn lại tuần qua, chứng khoán châu Á liên tiếp ghi nhận các phiên trái chiều do lo ngại bất ổn thương chiến Mỹ-Trung.

Tạp chí Phố Wall ngày 21/11 đưa tin trong cuộc trao đổi qua điện thoại được cho là cuối tuần trước, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã mời Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tới Bắc Kinh đàm phán.

Hiện chưa rõ các nhà đàm phán Mỹ có chấp nhận lời mời trên không, nhưng Tạp chí Phố Wall thông tin, các quan chức thương mại Mỹ sẵn sàng gặp gỡ phía Trung Quốc. Trong khi đó, tờ South China Morning Post dẫn nguồn tin thân cận chính quyền Trump cho hay hai bên đang ở ngưỡng đạt thỏa thuận.

"Tôi cho rằng thỏa thuận giai đoạn 1 là quan trọng bởi nó có thể đặt dấu chấm hết cho thương chiến Mỹ - Trung. Ngoài ra, thỏa thuận cũng giúp tạo niềm tin và sự ổn định trong hệ thống giao dịch thương mại", Myron Brilliant, Phó Chủ tịch điều hành kiêm trưởng bộ phận các vấn đề quốc tế của Phòng Thương mại Mỹ cho biết.

"Nếu thỏa thuận được thực hiện, đó là bước đi đúng hướng", ông Brilliant nói thêm.

Vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên phức tạp hơn sau khi các cơ quan lập pháp Mỹ thông qua dự thảo đạo luật về Hong Kong. Hạ viện Mỹ ngày 20/11 thông qua dự luật ủng hộ người biểu tình ở Hong Kong - một động thái mà Bắc Kinh cáo buộc Washington can thiệp vấn đề nội bộ Trung Quốc. Hiện Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa ký ban hành đạo luật.

"Trung Quốc kêu gọi Tổng thống Trump phủ quyết dự luật trên, nhưng với sự ủng hộ của cả Thượng viện và Hạ viện, nhiều khả năng ông Trump sẽ ký ban hành", bà Kathy Lien, Giám đốc điều hành chiến lược ngoại hối tại Quỹ quản lý tài sản BK Asset Management bình luận.

"Họ (Trung Quốc) dọa dùng các biện pháp mạnh nếu dự luật được ký ban hành, điều này sẽ đẩy căng thẳng Mỹ - Trung leo thang", bà Lien nhấn mạnh.

Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác tăng từ mốc 97,8 thiết lập hôm qua lên 97,957. Đồng yên Nhật Bản nhích giá nhẹ và giao dịch ở mức 108,62 JPY ăn 1 USD, trong khi đó đô la Australia trượt giá từ mức 1 AUD/0,681 USD phiên hôm qua về 1 AUD/0,6786 USD.

Giá dầu trên thị trường châu Á sáng nay sụt giảm, với giá dầu thô Brent giao kỳ hạn giảm 0,5% còn 63,65 USD/thùng, còn giá dầu thô giao kỳ hạn của Mỹ trượt 0,65% về 58,20 USD/thùng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư