Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Chứng khoán MB khốn đốn khi cổ phiếu lao dốc
Duy Bắc - 18/12/2022 12:04
 
Cổ phiếu lao dốc và thanh khoản sụt giảm đang ảnh hưởng trực tiếp tới các công ty chứng khoán, như Chứng khoán MB, do hoạt động chủ yếu là môi giới, cấp margin và tự doanh chứng khoán.

Thanh khoản suy giảm và danh mục tự doanh cổ phiếu lao dốc

Việc tập trung vào cho vay và tự doanh trong môi trường thị trường chứng khoán, trái phiếu lao dốc đang tác động mạnh tới CTCP Chứng khoán MB.

Cụ thể, tính tới ngày 30/9/2022, CTCP Chứng khoán MB có tổng tài sản là 12.034,8 tỷ đồng. Trong đó, các khoản cho vay ghi nhận 7.101,9 tỷ đồng, chiếm 59% tổng tài sản; các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn ghi nhận 1.785,8 tỷ đồng, chiếm 14,8% tổng tài sản; các tài sản tài chính sẵn sàng để bán ghi nhận 994,8 tỷ đồng, chiếm 8,3% tổng tài sản; các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ ghi nhận 598,1 tỷ đồng, chiếm 5% tổng tài sản.

Theo thuyết minh của Chứng khoán MB, các khoản cho vay chủ yếu liên quan tới các hợp đồng margin hoặc hợp đồng ứng trước tiền bán.

Trước đó, cơ cấu doanh thu của Công ty trong năm 2021 chủ yếu đóng góp bởi hoạt động môi giới chứng khoán (ghi nhận 931,6 tỷ đồng, chiếm 42% tổng doanh thu; lãi từ các khoản cho vay và phải thu ghi nhận 646,6 tỷ đồng, chiếm 29,2% tổng doanh thu...).

Trong 9 tháng đầu năm 2022, cơ cấu này không thay đổi, khi lãi từ các khoản cho vay và phải thu ghi nhận 593,8 tỷ đồng, chiếm 38,3% tổng doanh thu; hoạt động môi giới ghi nhận 581,1 tỷ đồng, chiếm 37,4% tổng doanh thu.

Như vậy, cơ cấu doanh thu của Chứng khoán MB chủ yếu đóng góp bởi hoạt động môi giới, cho vay ký quỹ và tự doanh chứng khoán. Trong đó, tài sản chủ yếu là hoạt động cho vay lên tới 59% tổng tài sản.

Việc thị trường chứng khoán tiếp tục lao dốc trong quý IV/2022 đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán nói chung và Chứng khoán MB nói riêng.

Thống kê không chính thức trên website của Chứng khoán MB cho thấy, công ty này liên tục thông báo bán giải chấp cổ phiếu mất thanh khoản như HPX trong ngày 18/11, ngày 21/11. Tuy nhiên, các phiên bán giải chấp, cổ phiếu HPX đều mất thanh khoản, khớp lệnh không đáng kể.

Chứng khoán MB cũng liên tục thông báo việc bán giải chấp cổ phiếu PDR trong ngày 9/11, 10/11 và 16/11. Điểm đáng lưu ý, cổ phiếu PDR có dấu hiệu mất thanh khoản đến ngày 24/11. Cụ thể, từ ngày 3/11 đến ngày 24/11, cổ phiếu PDR giảm 65,6%, từ 40.300 đồng về 13.850 đồng/cổ phiếu.

Việc cổ phiếu mất thanh khoản gây khó cho công ty chứng khoán trong việc bán giải chấp để thu hồi nợ.

Một nhà đầu tư phân tích, thông thường, khi cổ phiếu mất thanh khoản, giá trị tài sản còn lại thấp hơn giá trị khoản vay, nhà đầu tư “cháy” tài khoản và bỏ tài khoản đó, không thực hiện bổ sung tài sản và tiền. Khi đó, công ty chứng khoán thực hiện bán giải chấp, nhưng khó thu hồi đủ khoản nợ vay, dẫn tới nợ xấu.

Thực tế, khác với nợ của ngân hàng có tài sản đảm bảo, có nghĩa vụ thanh toán, khoản vay đầu tư chứng khoán sẽ rất khó thu hồi nợ từ các nhà đầu tư.

Chứng khoán MB từng xóa lỗ lũy kế nhờ đánh giá lại tài sản

Tiền thân của Chứng khoán MB là Chứng khoán Thăng Long, được thành lập năm 2000 (đổi tên năm 2012).

Trước khi đổi tên, trong năm 2011, Chứng khoán Thăng Long ghi nhận lỗ 592,12 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 44,6 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế tới ngày 31/12/2011 là 556,2 tỷ đồng (đầu năm lãi luỹ kế 43,1 tỷ đồng). Như vậy, việc ghi nhận lỗ trong một năm, Công ty đã xóa toàn bộ lãi lũy kế nhiều năm kinh doanh.

Nguyên nhân lỗ trong năm 2011 chủ yếu do Công ty tăng trích lập dự phòng đầu tư ngắn hạn, từ 109,8 tỷ đồng lên 344,7 tỷ đồng, tăng 234,9 tỷ đồng và sụt giảm mạnh doanh thu môi giới, tự doanh do sự lao dốc của thị trường chứng khoán.

Điểm đáng lưu ý là, năm 2013, Chứng khoán MB đã hợp nhất với CTCP Chứng khoán VIT, đơn vị có vốn điều lệ 46 tỷ đồng, lỗ 3 năm liên tiếp và tính tới cuối quý II/2013, Chứng khoán VIT lỗ lũy kế 24,6 tỷ đồng, bằng 53% vốn điều.

Tuy nhiên, sau hợp nhất, Chứng khoán MB đã xóa lỗ lũy kế, lợi nhuận lũy kế chưa phân phối là 2,1 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do hai công ty đã đánh giá lại tài sản thuần.

Như vậy, từ hai công ty đang lỗ lũy kế, sau hợp nhất đánh giá lại tài sản, Chứng khoán MB đã không còn lỗ lũy kế, giúp báo cáo tài chính đẹp hơn trong mắt nhà đầu tư bên ngoài.

Tính tới ngày 30/9/2022, Chứng khoán MB nắm giữ 598,1 tỷ đồng các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (300 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi, 257,4 tỷ đồng trái phiếu và 40,7 tỷ đồng cổ phiếu); 876,8 tỷ đồng các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (chủ yếu trái phiếu); 7.191,9 tỷ đồng các khoản phải thu và cho vay (6.607,3 tỷ đồng phải thu margin và 494,6 tỷ đồng các khoản phải thu khác).

Thực tế, lợi nhuận quý III/2022 của Chứng khoán MB đã giảm 34,1% so với cùng kỳ năm trước, về 121,19 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 441,77 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ.

Có thể thấy, với việc tự doanh chứng khoán trong môi trường giảm giá và phụ thuộc vào hoạt động cho vay, môi giới chứng khoán, Chứng khoán MB đang đối mặt rất nhiều khó khăn.

Sau năm thăng hoa, Chứng khoán MB kỳ vọng thu 3.000 tỷ đồng trong năm nay
Công ty cổ phần Chứng khoán MB (HNX: MBS) dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch doanh thu năm nay ở mức 3.000 tỷ đồng cùng lợi nhuận trước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư