Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chứng khoán năm 2024: Nương theo những điểm sáng phục hồi của nền kinh tế
Thanh Thủy - 02/01/2024 08:42
 
Môi trường lãi suất thấp được kỳ vọng sẽ thu hút dòng tiền giao dịch sôi động hơn ở kênh chứng khoán. Dù vậy, không dễ dàng như giai đoạn Covid-19, dòng tiền lựa chọn những nhóm ngành hưởng lợi từ những điểm sáng phục hồi của nền kinh tế.
Lãi suất tiết kiệm thấp tạo cơ hội cho dòng tiền chuyển dịch sang kênh đầu tư khác, như chứng khoán.  Ảnh: Đ.T

Sau những tích lũy

Khép lại năm 2023 với hai phiên giao dịch cuối cùng đóng cửa trong sắc xanh, VN-Index đã chính thức bứt lên khỏi mốc tâm lý 1.125 điểm - ngưỡng kháng cự mà chỉ số này từng chạm đến 4 lần, nhưng không vượt qua trong năm 2023.

Tiếp sau năm 2022 đầy thăng trầm, chứng khoán Việt Nam lại có thêm một năm nhiều cung bậc cảm xúc. Sau đợt tăng đáng chú ý nhất trong giai đoạn từ tháng 7 đến giữa tháng 9/2023, thị trường quay đầu giảm sâu về mốc 1.028 điểm vào cuối tháng 10/2023.

Hai tháng cuối năm, quá trình đi ngang kéo dài, khiến VN-Index không bước qua được ngưỡng tâm lý 1.125 điểm. Áp lực bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại, nhất là trong 2 quý cuối năm, đã ngăn cản sự đi lên của nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn. Giá trị bán ròng cả năm 2023 của khối ngoại tại thị trường Việt Nam đạt 22.409 tỷ đồng, “trả lại” gần hết giá trị mua ròng của các nhà đầu tư nước ngoài trên sàn chứng khoán năm 2022 (30.785 tỷ đồng).

Kết thúc năm 2023, Chỉ số VN-Index đạt 1.129,93 điểm, tăng 12,2% so với cuối năm trước. HNX-Index và UpCoM-Index cũng lần lượt tăng 12,5% và 21,5% trong năm qua.

Dù tăng trưởng 2 con số, song so với cú lao dốc của năm 2022, thì sự phục hồi của chứng khoán Việt Nam trong năm vừa qua vẫn chỉ ở mức khiêm tốn. Trong khi đó, nhiều chỉ số chứng khoán không rơi sâu ở năm trước vẫn bứt lên mạnh mẽ trong năm 2023, như thị trường Hy Lạp (+38%), Thổ Nhĩ Kỳ (+34%), hay các thị trường châu Á như Nhật Bản (+28,5%), Đài Loan (26%)…

Sau khi đối mặt với hàng loạt vấn đề cùng hội tụ cuối năm ngoái, nền kinh tế Việt Nam đã qua giai đoạn “chữa trị” với nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn được áp dụng. Theo các chuyên gia, đã có những tín hiệu cho thấy, các yếu tố tích cực hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam dần tụ hội trong năm 2024.

Trong báo cáo chiến lược vừa công bố, Bộ phận Phân tích (CTCP Chứng khoán Tiên Phong - TPS) đánh giá, bối cảnh thị trường năm 2024 hứa hẹn có nhiều khởi sắc hơn khi quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã đến chặng cuối.

Theo bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu chứng khoán MB (MBS), dù khối ngoại đã bán ròng mạnh mẽ thời gian qua, nhưng nhìn dài hơi hơn, môi trường lãi suất thấp sẽ kích thích các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm lợi nhuận từ những thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Không chỉ từ bối cảnh chung toàn cầu, theo dự báo của MBS, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết cũng được kỳ vọng tăng trưởng 16,8% trong năm 2024, trong bối cảnh vĩ mô cải thiện tích cực.

Nhiều dự án bất động sản ở TP.HCM và Hà Nội đã dần tháo gỡ được các vướng mắc pháp lý, tạo tiền đề cho sự phục hồi của thị trường bất động sản. Đối với câu chuyện riêng của thị trường, bà Hiền kỳ vọng, hệ thống KRX khi được đưa vào vận hành sẽ là yếu tố tích cực, tạo nền tảng cơ sở để nhiều giải pháp giao dịch mới được triển khai, từ đó rút ngắn con đường nâng hạng của chứng khoán Việt Nam.

Ở giai đoạn “nằm gai nếm mật” của năm 2023, chứng khoán vẫn là một kênh đầu tư được lựa chọn với giao dịch sôi động. Thanh khoản bình quân trên 3 sàn dù giảm 12,6% so với bình quân năm 2022, nhưng vẫn lên tới 17.624 tỷ đồng/phiên. Tính đến trung tuần tháng 12/2023, mức vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam ước đạt 5,79 triệu tỷ đồng, tăng 10,8% so với cuối năm 2022.

Nhịp điều chỉnh mạnh từ giữa tháng 9/2023 đã đưa định giá của VN-Index về mức hấp dẫn hơn. Trong khi đó, nỗ lực hạ nhiệt lãi suất của Ngân hàng Nhà nước vẫn đang tác động đến lãi suất tiền gửi tại nhóm ngân hàng có vốn nhà nước. Qua đó, theo tính toán của Bộ phận Phân tích (TPS), khoảng cách giữa E/P và lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm tại nhóm ngân hàng quốc doanh tại thời điểm ngày 30/11 đã nới lên quanh 2,3%, cao tương tự thời điểm tháng 11/2022 - khi thị trường có sức hấp dẫn lớn đủ để thu hút dòng tiền mua vào một cách đầy quyết liệt, bao gồm cả dòng vốn ngoại.

Ngoài ra, theo TPS, một nguồn lực còn dư địa dồi dào có thể sẵn sàng tham gia hỗ trợ cho giai đoạn tăng tốc của thị trường là dòng vốn cho vay ký quỹ (margin) của các công ty chứng khoán. Dòng tiền cho vay đã thu hẹp trong các quý trước, trong khi năng lực tài chính của công ty chứng khoán được bổ sung mạnh mẽ từ các đợt tăng vốn giúp tỷ lệ dư nợ cho vay margin/vốn chủ sở hữu vẫn ở mức an toàn và có thể tăng lên nhanh khi thị trường có nhu cầu.

Nương theo sự phục hồi của nền kinh tế

Dù có nhiều yếu tố hội tụ để kéo dòng tiền trở lại kênh đầu tư chứng khoán nhờ xu hướng chuyển dịch từ chính sách tiền tệ thắt chặt sang giai đoạn hỗ trợ tăng trưởng, thì vẫn còn dấu hỏi lớn về thời điểm cũng như mức giảm lãi suất điều hành trong năm 2024. Dòng tiền cũng không rải đều, mà tập trung vào các nhóm ngành hưởng lợi từ xu hướng hồi phục.

Môi trường lãi suất thấp sẽ kích thích các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm câu chuyện tăng trưởng từ những thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam sau giai đoạn bán ròng năm 2023.

- Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu (Chứng khoán MB - MBS)

Sau năm 2023 nhiều khó khăn, nhóm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu được kỳ vọng sẽ trở lại trên con đường phục hồi. Năm 2024, Bộ Công thương đã đề ra mục tiêu tăng trưởng 7-8% đối với Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) và mức tăng 6% đối tổng kim ngạch xuất khẩu. Con số này đầy thử thách nếu nhìn vào những kết quả đạt được trong năm 2023. Chỉ số IIP năm 2023 chỉ tăng 1,5%, dù nỗ lực hồi phục mạnh quý IV/2023; xuất khẩu cũng có một năm tăng trưởng âm (giảm 4,4% so với năm trước).

Tuy nhiên, đây không phải mục tiêu bất khả thi trên mức nền thấp của năm vừa qua. Trong báo cáo chiến lược năm 2024, MBS kỳ vọng, hoạt động đầu tư sẽ quay trở lại, đẩy nhu cầu nguyên vật liệu gia tăng, kéo đơn hàng xuất khẩu quay trở lại. Cùng với đó, cũng có những tín hiệu về việc tồn kho thế giới đã tạo đáy, áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu hạ nhiệt, nhu cầu điện thoại, linh kiện điện tử có dấu hiệu hồi phục nhờ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất.

Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã có cú lội ngược dòng khi trở lại tăng trưởng dương trong nửa cuối năm và được dự báo tiếp tục tác động tích cực khi quốc gia này phát đi thông điệp ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024.

Chuyên gia phân tích của Chứng khoán Dầu khí (PSI) đánh giá, ngành thủy sản có tiềm năng hồi phục sau năm 2023 nhiều thách thức nhờ hai thị trường chủ lực là Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là sự phục hồi xuất khẩu cá tra.

Dù giá cá tra chưa cải thiện là một thách thức, song báo cáo chiến lược của TPS kỳ vọng, xuất khẩu mặt hàng này sẽ được hưởng lợi nhờ kết quả sơ bộ đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 19 (POR19) cho thấy, mức thuế sơ bộ POR19 đều giảm đáng kể và tồn kho cá tra tại Mỹ đang ở mức thấp.

Xuất khẩu cũng là một điểm nhấn đáng chú ý cho kịch bản thị trường thép. Sản lượng xuất khẩu thép, nhất là mặt hàng HRC, đã bù đắp cho sự sụt giảm tiêu thụ nội địa trong năm qua khi nhu cầu tiêu thụ trong nước tiếp tục kìm hãm đà phục hồi.

Ngành thép là một trong những chủ điểm đầu tư của năm 2024 được Chứng khoán Dầu khí đánh giá cao khi doanh nghiệp ngành này vừa vượt qua cơn khủng hoảng và ghi nhận tín hiệu cải thiện đáng kể trong các tháng cuối năm về sản lượng tiêu thụ và giá thép.

Ông Lê Hải Thành, chuyên gia phân tích MBS cũng đánh giá, đây là ngành có triển vọng hồi phục hiện hữu nhờ đà tăng giá thép thế giới, nhu cầu ấm lên ở thị trường nội địa cùng khả năng cải thiện biên lợi nhuận khi các yếu tố đầu vào như than, quặng được dự báo giảm giá nhẹ.

Bên cạnh động lực hồi phục của xuất khẩu, giải ngân đầu tư công đã và sẽ tiếp tục hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng năm 2024 với các dự án đầu tư công được tập trung trong giai đoạn 2024 - 2025, gồm 12 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn II, Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I…

Các chuyên gia kỳ vọng, khi các nút thắt đầu tư được tháo gỡ như công tác chỉ định thầu đẩy nhanh quá trình giao thầu, khai thác các mỏ đất đá mới được cấp phép…, giải ngân đầu tư công thực tế năm 2024 sẽ đạt 85 - 90% kế hoạch, tăng 38 - 45% so với năm 2023.

Tăng tốc giải ngân đầu tư công trong năm tới khi nền kinh tế đang bước vào giai đoạn hồi phục sẽ là cơ hội cho nhóm ngành xây dựng hạ tầng, đá, thép…, trong đó tập trung vào nhóm doanh nghiệp có dự án lớn và sản xuất vật liệu xây dựng.

Ngành bán lẻ là nhóm ngành được MBS kỳ vọng đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 gấp khoảng 2 lần, từ nền so sánh thấp của năm 2023, vượt trội so với dự báo tăng trưởng lợi nhuận bình quân của các doanh nghiệp niêm yết (16,8%).

Với dự báo chi tiêu dần phục hồi, chuyên gia phân tích của MBS đánh giá, sức mua có thể cải thiện từ quý III/2024 nhờ vào sự phục hồi của sản xuất cũng như môi trường lãi suất thấp kích thích tín dụng tiêu dùng.

Tuy vậy, sự hồi phục không giống nhau ở các ngành bán lẻ, đồng thời, chuyển đổi số và thanh toán điện tử là yếu tố mới tác động đến cục diện ngành bán lẻ. Chuyên gia MBS kỳ vọng, ngành bán lẻ dược phẩm có thể cải thiện tăng trưởng lợi nhuận từ khả năng mở mới cửa hàng và kiểm soát chi phí bán hàng. Trong khi đó, ngành trang sức vàng có thể tăng trưởng từ phát triển thêm các tệp khách hàng mới ở các phân khúc khác nhau và linh hoạt bắt kịp các xu hướng.

Còn với ngành bán lẻ nhóm điện tử và điện máy, biên lợi nhuận gộp sẽ được cải thiện khi cuộc chiến về giá giữa các hãng kết thúc, đi cùng sự hồi phục sức mua hàng không thiết yếu sau năm 2023 rất khó khăn với doanh nghiệp bán lẻ mảng này.

Tránh kẽ hở lạm dụng tài khoản chuyên dụng tiền gửi khách hàng tại công ty chứng khoán
Một trong hai vấn đề được đặc biệt nhấn mạnh tại Công văn số 8975 ban hành mới đây là việc điều khoản trong hợp đồng tín dụng với ngân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư