Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Chứng khoán Nhật Bản nhích nhẹ, giá dầu tăng 1%
Lê Quân - 24/05/2021 20:27
 
Hầu hết các chỉ số chứng khoán lớn ở châu Á - Thái Bình Dương đều tăng điểm trong ngày giao dịch đầu tuần 24/5.
Chỉ số Nikkei 225 nhích nhẹ 0,17% trong ngày giao dịch 24/5. Ảnh tư liệu: AFP
Chỉ số Nikkei 225 tăng 0,17% trong ngày giao dịch 24/5. Ảnh tư liệu: AFP

Đà tăng của chứng khoán Nhật Bản suy giảm so với đầu phiên khi chỉ số Nikkei 225 nhích nhẹ 0,17% lên 28.364,61 điểm vào cuối phiên, còn chỉ số Topix tăng 0,44% lên 1.913,04 điểm.

Chỉ số Straits Times của Singapore tăng khiêm tốn 0,2%, trong khi hai chỉ số Nifty 50 và Sensex của Ấn Độ lần lượt tăng 0,23% và 0,26%. Chứng khoán Malaysia hôm nay tăng 0,53% còn chỉ số Taiex của Đài Loan nhích 0,22% lên 16.338,29 điểm.

Chứng khoán Australia cũng ghi nhận sắc xanh với chỉ số ASX 200 tăng 0,22% lên 7.045,90 điểm, dù cổ phiếu của các tập đoàn khai khoáng chịu áp lực bán tháo. Cổ phiếu của Tập đoàn khai thác khoáng sản Rio Tinto rớt 2,15% trong khi cổ phiếu của BHP và Fortescue lần lượt để mất 1,84% và 4,17%.

Ngược sóng với khu vực, chứng khoán Hàn Quốc "đỏ sàn" trong ngay đầu tuần với chỉ số Kospi trượt 0,38% xuống 3.144,30 điểm. Trên thị trường Hong Kong, chỉ số Hang Seng giảm 0,26% vào giờ giao dịch cuối ngày.

Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục hôm nay đảo chiều tăng điểm với chỉ số Shanghai Composite lên điểm 0,31% và đạt mức 3.497,28 điểm, còn chỉ số Shenzhen Component tăng 0,62% lên 14.506,61 điểm.

Thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương đón sắc xanh sau khi chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones và chỉ số S&P 500 của Mỹ tuần trước lần lượt đánh dấu tuần giảm điểm thứ tư và thứ hai liên tiếp.

Dữ liệu công bố tuần trước cũng cho thấy lĩnh vực dịch vụ của Mỹ và châu Âu đã phục hồi mạnh mẽ khi doanh nghiệp hoạt động trở lại sau thời gian dài phong tỏa chống dịch cũng như hưởng lợi từ sự phục hồi của nhu cầu toàn cầu.

Các nhà phân tích của Tập đoàn ANZ cho rằng: "Không còn quá nhiều tranh luận trên thị trường tài chính về việc GDP sẽ phục hồi nhanh chóng ra sao mà tập trung vào hình dáng phục hồi". Các chuyên gia ANZ cho rằng sẽ mất nhiều thời gian để trả lời các câu hỏi liên quan đến lạm phát, nhưng kỳ vọng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ điều chỉnh thị trường một cách phù hợp.

Trên thị trường tiền tệ, đồng bạc xanh hôm nay trượt giá. Chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác giảm về 89,939, từ mức 90,00 thiết lập trước đó. Đồng yên Nhật đổi mạnh lên và trao tay 108,69 JPY/USD, còn đồng đô la Australia nhích giá 0,1% lên mức 1 AUD đổi 0,7741 USD.

Dầu mỏ giao dịch theo giờ châu Á hôm nay tăng giá hơn 1%. Giá dầu thô giao sau của Mỹ tăng 1,16% lên 64,32 USD/thùng trong khi giá dầu Brent giao kỳ hạn cũng tăng sát nút 1,11% lên 67,18 USD/thùng.

Tuần trước, dầu thô Mỹ và dầu Brent sụt giá do lo ngại Iran tăng cung dầu ra thị trường. Tổng thống Iran cho biết Mỹ đã sẵn sàng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực dầu mỏ, ngân hàng, và vận tải biển của quốc gia này.

Theo đánh giá của các chuyên gia ANZ, sản lượng dầu mỏ của Iran đã tăng lên trong những tháng gần đây, có thể là nhờ kỳ vọng việc Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Các chuyên gia này cho rằng thị trường dầu mỏ cũng đang lo ngại tác động xấu của các biện pháp chống dịch hiện nay của châu Á khi giới chức khu vực này ra sức đánh chặn các đợt bùng phát Covid-19 mới.

Tuy nhiên, giới đầu tư dường như vẫn lạc quan về sự phục hồi nhu cầu nhiên liệu ở Mỹ và châu Âu khi các quốc gia này thoát khỏi tình trạng phong tỏa và nhiều người dân được tiêm vaccine kháng Covid-19 đã lên kế hoạch cho chuyến du lịch mùa hè.

Tiếp tục kéo dài thời hạn giảm giá dịch vụ chứng khoán đến hết năm 2021
Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho biết, Bộ Tài chính đã có văn bản tiếp tục kéo dài hiệu lực thi hành của Thông tư số 14/2020/TT-BTC ngày 18/3/2020.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư