Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Chứng khoán Phú Hưng sau hợp nhất chính thức hoạt động
Chí Tín - 20/01/2016 10:36
 
Ngày 20/1/2015, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chính thức trao giấy phép thành lập hoạt động công ty hợp nhất Công ty Chứng khoán Phú Hưng.
Lễ trao giấy phép thành lập Chứng khoán Phú Hưng vừa diễn ra tại trụ sở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Lễ trao giấy phép thành lập Chứng khoán Phú Hưng vừa diễn ra tại trụ sở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Công ty Chứng khoán Phú Hưng được thành lập trên cơ sở hợp nhất Công ty Chứng khoán Phú Hưng và Công ty Chứng khoán An Thành.

Đây là thương vụ mua bán và sáp nhập thứ tư giữa các công ty chứng khoán tính đến thời điểm này.

Các thương vụ hợp nhất trước đó là các cặp Công ty Chứng khoán VIT (VITS) và Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS), cặp Công ty Cổ phần Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) và Công ty cổ phần Chứng khoán Đại Tây Dương (OSC) và cặp Công ty Cổ phần Chứng khoán Hải Phòng (HPC) và Công ty Cổ phần Chứng khoán Á Âu (AAS).

Trước thời điểm sáp nhập, vốn điều lệ của Chứng khoán Phú Hưng là 347 tỷ đồng, trong khi vốn của An Thành lại khá khiêm tốn chỉ với 41 tỷ đồng.

Sau khi hợp nhất, vốn điều lệ của Công ty sẽ bằng giá trị tài sản thuần của Phú Hưng và giá trị tài sản thuần của An Thành đã được Công ty TNHH Kiểm toán KPMG kiểm toán, con số cụ thể là gần 203 tỷ đồng.

Giá trị tài sản thuần của từng bên được tính là chênh lệch giữa tổng tài sản với tổng nợ phải trả. Tổng số lượng cổ phần của công ty hợp nhất là 20.258.507 cổ phần, tương ứng với tổng vốn gần 203 tỷ đồng.

Trong đó, cổ phần của Phú Hưng và An Thành tương ứng trong công ty hợp nhất là 16.743.779 cổ phần và 3.514.728 cổ phần. Dựa trên cơ sở này, cổ đông Phú Hưng sở hữu 1 cổ phần sẽ nhận được 0,4819 cổ phần công ty hợp nhất và cổ đông An Thành sở hữu 1 cổ phần sẽ nhận được 0,8572 cổ phần.

Việc hợp nhất các công ty chứng khoán nằm trong lộ trình của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Ủy ban Chứng khoán cho biết, từ giai đoạn 2011 đến nay, tình hình tài chính của các công ty chứng khoán đã được dần cải thiện. Tính thanh khoản của tài sản đã tốt hơn với tài sản ngắn hạn bình quân chiếm 84,93% so với tỷ lệ 76% hồi năm 2011.

Tổng số vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán tại ngày 31/12/2015 đã tăng 20% so với thời điểm 31/12/2011, tỷ lệ công ty chứng khoán có tỷ lệ an toàn tài chính từ 180% (ngưỡng bình thường) của năm 2015 đã tăng 15% so với năm 2011.

Kết quả hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay diễn biến theo chiều hướng tăng lên, số lượng các công ty chứng khoán hoạt động có hiệu quả nhiều hơn và lợi nhuận cũng tăng lên.

Cụ thể, tính đến hết năm 2015, số lượng công ty chứng khoán hoạt động kinh doanh có lãi tăng 30% so với năm 2011, với tổng lợi nhuận sau thuế là trên 2.200 tỷ đồng, trong khi tổng lợi nhuận sau thuế tại thời điểm 31/12/2011 là âm.

Khó sống, công ty chứng khoán "bán mình" cho đối tác ngoại
Thua lỗ triền miên, khó tìm thấy “cửa sống” trong bối cảnh cạnh tranh giữa các CTCK ngày một khắc nghiệt, không ít CTCK đã phải “bán mình”...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư