Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Chứng khoán SBS - từ kỳ vọng đến thất vọng
Duy Bắc - 02/11/2022 10:04
 
Sau khi hàng loạt cổ đông lớn thoái vốn, Công ty cổ phần Chứng khoán SBS lại chứng kiến sự “quay xe” của nhóm cổ đông mới và bất ổn khi Đại hội đồng cổ đông không thể tổ chức do chỉ có số cổ đông đại diện 14,22% cổ phần tham dự.
Tiền thân của Công ty cổ phần Chứng khoán SBS là Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín.

Tận dụng đà tăng nóng, 3 cổ đông lớn đồng loạt thoái vốn

Công ty cổ phần Chứng khoán SBS (mã SBS) vừa thông báo, Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 17/10 chỉ có 41 cổ đông tham dự, đại diện cho 20.852.257 cổ phần, chiếm 14,22% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự, nên không thể tổ chức được. SBS dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2 vào ngày 7/11/2022.

Theo Điều lệ Công ty, Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2 chỉ có thể tổ chức khi có số cổ đông tham dự đại diện từ 33% tổng số phiếu biểu quyết trở lệ. Nếu như tiếp tục chỉ có 14,22% tổng số cổ phần tham dự, nhiều khả năng đại hội sẽ lại không thể tổ chức.

Cách đây hơn 1 năm, ngày 26/4/2021, SBS tổ chức Đại hội đồng cổ đông và đã có cổ đông đại diện 77.542.751 cổ phần tham dự, tương ứng tỷ lệ 61,22% vốn điều lệ của Công ty. Như vậy, chỉ có hơn 1 năm, tỷ lệ cổ đông đại diện tham dự đã giảm 47% vốn điều lệ. Trong lần công bố cơ cấu cổ đông gần nhất (ngày 31/12/2021), SBS cho biết, chỉ có một cổ đông lớn là bà La Mỹ Phượng sở hữu 7,2% vốn điều lệ, còn lại 92,8% thuộc về cổ đông nhỏ sở hữu dưới 5% vốn điều lệ.

Thực tế, năm 2021, SBS được nhiều nhà đầu tư quan tâm vì kỳ vọng Công ty sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu, thay đổi cơ cấu cổ đông và hưởng lợi từ sự bùng nổ của thị trường chứng khoán về thanh khoản, giá các cổ phiếu nhóm chứng khoán đều tăng nóng và cổ phiếu SBS cũng không phải ngoại lệ.

Trong đó, đầu năm 2021, SBS có 3 cổ đông lớn là bà Hà Thị Thu Hồng (sở hữu 25 triệu cổ phiếu, tương đương 19,74% vốn điều lệ); bà Lưu Thị Lợi (hơn 24 triệu cổ phiếu, chiếm 18,96% vốn điều lệ) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (hơn 11,6 triệu cổ phiếu, chiếm 9,17% vốn điều lệ).

Song cuối năm 2021, 3 cổ đông trên liên tục bán ra và không còn là cổ đông lớn tại SBS. Thời điểm thoái vốn của họ trùng với giai đoạn giá cổ phiếu SBS liên tục tăng nóng. Cụ thể, từ ngày 8/12/2020 đến 24/11/2021, giá cổ phiếu này tăng 12,93 lần, từ 1.500 đồng lên 20.900 đồng/cổ phiếu.

Cũng nhanh chóng sau khi nhóm cổ đông lớn bán ra và không còn cổ đông lớn, cổ phiếu SBS liên tục lao dốc và giảm điểm. Tính tới ngày 20/10/2022, cổ phiếu này chỉ giao dịch vùng 5.800 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 72,2% so với đỉnh ngày 24/11/2021 và vẫn cao hơn 2,87 lần so với đáy ngày 8/12/2020.

Nhà đầu tư mới “quay xe” với kế hoạch tăng vốn

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra đầu năm 2022, SBS thông qua việc chào bán 150 triệu cổ phiếu để huy động 1.500 tỷ đồng. Công ty dự kiến dùng 700 tỷ đồng cho hoạt động tự doanh chứng khoán; 500 tỷ đồng cho hoạt động môi giới chứng khoán, tư vấn và bảo lãnh phát hành; 300 tỷ đồng cho hoạt động giao dịch ký quỹ chứng khoán.

Trong danh sách 10 nhà đầu tư cá nhân dự kiến tham gia đợt chào bán, có 4 nhà đầu tư mua vượt 5% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn; 6 nhà đầu tư khác sẽ sở hữu dưới 5% vốn điều lệ. Như vậy, nếu phát hành thành công, tỷ lệ sở hữu của 10 nhà đầu tư này sẽ tăng từ 0,16% vốn điều lệ lên 54,29% vốn điều lệ và sẽ chi phối SBS.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, ông Phan Quốc Huỳnh, Chủ tịch HĐQT SBS nói, 10 năm tái cơ cấu, Công ty sắp bước sang trang mới, đổi tên, chuyển trụ sở sang địa điểm mới khang trang hơn. Đồng thời năm nay, Công ty thực hiện tăng vốn để đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường, tăng quy mô margin, tham gia các hoạt động mới trên thị trường chứng khoán.

Lãnh đạo SBS cho biết thêm, sẽ có cổ đông lớn nắm quyền chi phối mới tham gia thay cho Sacombank. Do yêu cầu bảo mật trong biên bản ghi nhớ giữa hai bên, nên Công ty chưa thể tiết lộ tên cổ đông mới, có thể trong vòng 3 tháng nữa có thể công bố thông tin về cổ đông này.

Tuy nhiên, kết thúc đợt chào bán 150 triệu cổ phiếu riêng lẻ, chỉ có 4/10 nhà đầu tư tham gia mua tổng cộng 19.947.000 cổ phiếu, chiếm 13,3% tổng lượng chào bán, mỗi người đều sở hữu dưới 5% vốn điều lệ. Sau thời gian hạn chế chuyển nhượng 1 năm, nhóm cổ đông này có thể bán cổ phiếu mà không cần thông báo.

Hàng loạt nhà đầu tư lớn trong danh sách dự kiến đều đã “quay xe”, không tham gia đợt phát hành riêng lẻ như lời giới thiệu của ông Phan Quốc Huỳnh. Thêm nữa, nếu bà La Mỹ Phượng không có giao dịch cổ phiếu SBS từ đầu năm, áp lực pha loãng đợt phát hành riêng lẻ sẽ giảm sở hữu từ 7,2% về còn 6,22% vốn điều lệ. Như vậy, tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi bên ngoài của nhà đầu tư nhỏ (sở hữu dưới 5%) đã lên tới 93,78% vốn điều lệ.

Có thể thấy, thay vì kỳ vọng làn gió mới từ nhóm cổ đông bên ngoài thay thế nhóm cổ đông Sacombank đã thoái năm 2021, SBS đã gây thất vọng cho nhà đầu tư khi cổ phiếu lao dốc, cổ đông mới “quay xe” với kế hoạch tăng vốn.

Thách thức lớn trong hoạt động kinh doanh

Tính tới ngày 30/6/2022, SBS sở hữu 696,8 tỷ đồng tổng tài sản, trong đó 322,03 tỷ đồng là các khoản cho vay, chiếm 46,2% tổng tài sản; 271,7 tỷ đồng là tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm 39% tổng tài sản; 55,04 tỷ đồng là các khoản phải thu khác, chiếm 7,9% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Trước đó, hoạt động môi giới, cho vay và phải thu chiếm trọng số lớn trong cơ cấu doanh thu của Công ty. Cụ thể, năm 2020, hoạt động này đóng góp 86,06 tỷ đồng, chiếm 95,4% tổng doanh thu; năm 2021 đóng góp 216 tỷ đồng, chiếm 97,5% tổng doanh thu.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán bước vào giai đoạn thoái trào trong năm 2022, thanh khoản suy giảm. Điều này dự báo sẽ tiếp tục là thách thức lớn về hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán, đặc biệt là các công ty có hoạt động chủ yếu là môi giới và cho vay như SBS.
Sacombank sẽ thoái vốn tại Công ty Chứng khoán SBS
Sacombank (mã: STB) cho biết, cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2021, Ngân hàng dự kiến thoái toàn bộ số cổ phần còn lại Công ty Chứng khóa Ngân hàng Sài...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư