Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 09 năm 2024,
Chứng khoán Trung - Nhật bật dậy, S&P/ASX 200 vẫn rớt mạnh
Lê Quân - 18/03/2020 13:51
 
Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương ghi nhận nhiều xáo trộn trong phiên giao dịch sáng 18/3 sau khi phố Wall đêm qua hồi sức trở lại nhờ thông tin gói kích thích kinh tế trước tác động của đại dịch Covid-19.
Chứng khoán Nhật Bản phiên sáng nay vẫn duy trì giao dịch trong vùng tích cực khi chỉ số Nikkei 225 lên điểm 1,48% còn Topix tăng vọt 2,83%. Ảnh: AFP
Chứng khoán Nhật Bản phiên sáng nay 18/3 giao dịch trong vùng tích cực với chỉ số Nikkei 225 tăng 1,48% còn Topix vọt lên 2,83%. Ảnh: AFP

Mất điểm nhiều nhất tại khu vực, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia giảm tới 6,43% do hầu hết các nhóm cổ phiếu nặng ký đều lao dốc. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục bật tăng mạnh mẽ sau thời gian dài đi xuống do dịch Covid-19. Chỉ số Shenzhen Composite tăng 2,637%, còn chỉ số Shanghai Composite lên điểm 1,26%. Tại thị trường Hong Kong, chỉ số Hang Seng nhích 0,2%.

Chứng khoán Nhật Bản phiên sáng nay tiếp tục giao dịch trong vùng tích cực khi chỉ số Nikkei 225 lên điểm 1,48%, còn Topix tăng vọt 2,83% bất chấp kim ngạch xuất khẩu tháng 2 của Nhật Bản sụt giảm.

Kênh truyền hình CNBC dẫn số liệu sơ bộ được Bộ Tài chính Nhật Bản công bố sáng nay cho thấy, xuất khẩu trong tháng 2 của Nhật Bản giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mức giảm này vẫn thấp hơn nhiều so với mức 4,3% được các chuyên gia kinh tế dự báo với hãng tin Reuters trước đó.

Chỉ số Kospi của Hàn Quốc sáng nay đã phục hồi 0,28% sau phiên trượt sâu trước đó. Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) trượt 0,38%.

Những diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu vẫn giáng mạnh vào tâm lý của nhà đầu tư khi hiện tượng tháo chạy khỏi thị trường vẫn tiếp diễn. Số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới đã vượt mốc 190.000 người. Đại dịch đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 7.894 người, theo thống kế của Đại học John Hopkins.

Chính phủ các nước trên thế giới đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm ngăn sự lây lan của Covid-19. Các quốc gia thành viên EU nhất trí đóng cửa biên giới và cấm nhập cảnh đối với người đến từ quốc gia khác trong vòng 30 ngày. Tại châu Á, Malaysia tuyên bố sẽ đóng cửa biên giới, trường học và hầu hết các doanh nghiệp từ ngày 18/3 - 31/3.

Tại Mỹ, Nhà Trắng đang cân nhắc gói kích thích kinh tế trị giá từ 850 tỷ USD đến hơn 1.000 tỷ USD, trong đó sẽ ưu tiên chi trả trực tiếp cho người lao động Mỹ.

“Bung tiền lúc này và quên đi các khoản nợ, quên đi thâm hụt, không ai thực sự buộc bạn (các chính phủ) phải đảm bảo một số chỉ tiêu lố bịch như chỉ tiêu thâm hụt 3% hay bất cứ thứ gì tương tự”, ông Rob Carnell, trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của tổ chức tư vấn tài chính toàn cầu ING nhận định.

“Những gì các quốc gia phải đối mặt là sự mất mát rất lớn về kinh tế nếu không thực hiện các biện pháp đó”, ông Carnell cảnh báo.

Thông tin gói kích thích tài khóa của chính phủ Mỹ đã vực dậy chứng khoán phố Wall đêm qua. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones đóng cửa tăng 1.048,79 điểm lên 21.237,31. Chỉ số S&P 500 kết thúc phiên giao dịch tăng với mức tăng hơn 6% lên 2.529,19 điểm, còn Nasdaq Composite chốt phiên với 7.334,78 điểm, tăng vọt 6,2%.

Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác tăng từ mốc 98 thiết lập hôm qua lên 99,308. Đồng yên Nhật Bản trượt giá và giao dịch ở mức 107,20 JPY/USD còn đô la Australia cũng suy yếu và quy đổi ở mức 1 AUD/0,6015 USD.

Giá dầu trên thị trường châu Á sáng nay đi lên với dầu thô Brent giao kỳ hạn quốc tế tăng giá 1,15% lên mức 29,06 USD/thùng còn giá dầu thô giao kỳ hạn của Mỹ nhích 0,45% lên 27,07 USD/thùng.

Nhà đầu tư chứng khoán "ngóng" T+0
Dù đã được bàn tính từ lâu, nhưng đến nay, thời gian cụ thể đạt được bước tiến lên T+0 vẫn là một ẩn số.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư