Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 16 tháng 01 năm 2025,
Chứng khoán Trung - Nhật đi xuống khi thỏa thuận OPEC+ chưa được "chốt"
Lê Quân - 10/04/2020 15:17
 
Chứng khoán châu Á im ắng trong phiên giao dịch chiều 10/4 khi nhiều thị trường lớn tại khu vực đóng cửa nghỉ “Thứ Sáu Tốt lành” - một ngày lễ diễn ra vào thứ sáu trước Lễ Phục sinh.
Chỉ số Nikkei 225 tuột đà tăng trước đó và giảm 0,38% trong phiên giao dịch chiều nay 10/4. Ảnh: AFP
Chỉ số Nikkei 225 tuột đà tăng trước đó và giảm 0,38% trong phiên giao dịch chiều nay 10/4. Ảnh: AFP

Tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tuột đà tăng trước đó và giảm 0,38% trong phiên giao dịch chiều nay còn chỉ số Topix trượt 0,5%. Trong khi đó, chỉ số Kospi của Hàn Quốc nhích 0,33%.

Chứng khoán Trung Quốc đại lục chiều nay đi xuống sau công bố thông tin chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3. Chỉ số Shanghai Composite giảm 0,65% còn Shenzhen Composite trượt sâu hơn với 1,349%.

Trước đó, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố CPI tháng 3 của nước này tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức 4,8% mà các nhà phân tích dự báo trước đó.

Thị trường chứng khoán Australia, Hong Kong, Singapore và Ấn Độ hôm nay đều đóng cửa nghỉ “Thứ Sáu Tốt lành”.

Thị trường chứng khoán Mỹ đêm qua đồng loạt lên điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,5% và đóng cửa với 2.789,82 điểm còn chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng 1,2% và kết thúc phiên giao dịch với 23.719,37 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa nhích 0,8% lên 8.153,58 điểm.

Tính từ đầu tuần đến nay, chỉ số S&P 500 đã tăng 12,1% - mức lên điểm mạnh nhất trong tuần từ năm 1974, còn Nasdaq Composite cũng ghi nhận tuần giao dịch tốt nhất kể từ năm 2009 với mức tăng 10,6% và chỉ số Dow Jones lên điểm hơn 12% - một trong những mức tăng điểm hàng tuần cao nhất trong lịch sử. Chứng khoán Mỹ hôm nay 10/4 cũng đóng cửa nghỉ “Thứ Sáu Tốt lành”.

Thông tin đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư là thỏa thuận cắt giảm sản lượng lịch sử giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (gọi chung là OPEC+). Thỏa thuận này gặp trở ngại sau khi Mexico từ chối cắt giảm sản lượng dầu mỏ.

Trước đó, các thành viên khác của OPEC+ dẫn đầu là Saudi Arabia và Nga đã đồng ý giảm sản lượng 10 triệu thùng/ngày do dịch Covid-19 khiến nhu cầu dầu thô sụt giảm. Tuy nhiên, Mexico phản đối chỉ tiêu cắt giảm sản lượng được phân bổ và cuộc họp kết OPEC+ thúc mà không có thỏa thuận dứt khoát.

Nguồn thạo tin của Bloomberg cho hay, OPEC+ sẽ tiếp tục thảo luận trong ngày 10/4.

Thị trường tiền tệ hôm nay ghi nhận chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác trượt từ mốc 100,5 thiết lập trong tuần trước đó về 99,463. Đồng yên Nhật Bản giao dịch ổn định ở mức 108,37 JPY/USD, còn đô la Australia mạnh lên và trao tay với 1 AUD/0,6337 USD.

Thị trường chứng khoán: Đã thoát đáy?
Ðáy của thị trường chứng khoán Việt Nam được xác lập ngày 24/3 ở vùng 650 điểm, dù giảm gần 340 điểm so với phiên 22/1 (trên 990 điểm), nhưng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư