Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Chứng khoán Trung Quốc chốt phiên im ắng, S&P/ASX 200 tăng mạnh
Lê Quân - 15/05/2020 19:19
 
Các chỉ số chứng khoán lớn trên thị trường châu Á không ghi nhận biến động lớn trong phiên giao dịch hôm nay 15/5, bất chấp thông tin tích cực về tình hình sản xuất công nghiệp Trung Quốc được công bố sáng nay.
Chỉ số Shanghai Composite kết thúc phiên giao dịch 15/5 trượt nhẹ về 2.868,46 điểm. Ảnh: AFP
Chỉ số Shanghai Composite kết thúc phiên giao dịch 15/5 trượt nhẹ về 2.868,46 điểm. Ảnh: AFP

Chứng khoán Trung Quốc đại lục ghi nhận những sắc thái đối lập nhau trong phiên giao dịch 15/5. Chỉ số Shanghai Composite trượt nhẹ về mức 2.868,46 điểm còn Shenzhen Composite nhích 0,159% lên 1.808,56 điểm. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng trên thị trường Hong Kong diễn biến đi ngang ở giờ giao dịch cuối phiên.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 nhích 0,62% lên 20.037,47 điểm còn chỉ số Topix tăng 0,5% và kết thúc phiên với 1.453,77 điểm. Trên thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi nhích thêm 0,12% và đóng phiên với 1.927,28 điểm, trong khi chỉ số S&P/ASX 200 của Australia tăng mạnh nhất khu vực với 1,43% lên 5.404,80 điểm. Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) nhích nhẹ 0,19%.

Thông tin sản xuất công nghiệp tích cực từ Trung Quốc đã không tạo lực kéo cho thị trường chứng khoán châu Á. Theo công bố sáng nay 15/5 của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, sản xuất công nghiệp tháng 4 của nước này tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức 1,5% được dự báo trước đó. Đây là lần đầu tiên sản xuất công nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng kể từ đầu năm nay. Trái lại, doanh số bán lẻ tháng 4 của nước này không chênh lệch nhiều so với dự báo và lao dốc 7,5%.

Nhà đầu tư đang dõi theo các số liệu kinh tế của Trung Quốc để đánh giá tác động của đại dịch và sức hồi phục của nền kinh tế này khi các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội được gỡ bỏ. “Trong thời gian tới, suy thoái toàn cầu sẽ chi phối nhiều tới sức hồi phục của nền kinh tế Trung Quốc”, ông Louis Kuijs, Trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á tại Công ty tư vấn tài chính Oxford Economics (Anh) bình luận.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào nhu cầu trong nước. Dù động lực tăng trưởng tiêu dùng hộ gia đình trong tháng 4 tại Trung Quốc có bước cải thiện, nhưng vẫn còn yếu, theo chuyên gia Kuijs.

Chứng khoán Mỹ đêm qua khởi sắc với chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones chốt phiên tăng 377,37 điểm lên 23.625,34 còn chỉ số S&P 500 đóng cửa với 2.852,50 điểm, tăng 1,15%. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite nhích 0,9% lên 8.943,72 điểm. Diễn biến tăng điểm đêm qua không giúp 3 chỉ số trên thoát bóng phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ phiên 20/3.

Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác hôm nay trượt từ mốc 100,5 thiết lập hôm qua về 100,358 điểm. Đồng yên Nhật Bản suy yếu và trao tay 107,17 JPY/USD còn đô la Australia trượt nhẹ và quy đổi 1 AUD/0,6453.

Giá dầu trên thị trường châu Á chiều nay tăng cao với dầu Brent giao kỳ hạn quốc tế tăng giá 3,76% lên 32,30 USD/thùng còn dầu thô giao kỳ hạn của Mỹ tăng 3,37% lên 28,49 USD/thùng.

Nhận định chứng khoán tuần tới: Tìm kiếm cơ hội tối ưu hóa lợi nhuận
Với những diễn biến tích cực như hiện tại, nhiều công ty chứng khoán nhận định mạch tăng của thị trường có thể tiếp diễn trong tuần...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư