Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Chứng khoán tuần 25 - 29/11: Tiếp tục tăng
Thanh Thuý - 24/11/2013 15:55
 
Các công ty chứng khoán đều nhận định, thị trường sẽ tiếp tục đi lên trong tuần mới; nhà đầu tư cần tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc chốt lời, cắt lỗ.

Trong tuần từ 18/11 đến 22/11, VN-Index có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Kết thúc tuần, VN-Index tăng 4,3 điểm, tương đương tăng 0,87%. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 119,98 triệu đơn vị/phiên, tăng 37,58% so với tuần trước. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 1.595,45 tỷ đồng/phiên, tăng 49,17% so với tuần trước.

Tương tự, HNX-Index cũng có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Kết thúc tuần, HNX-Index tăng 0,66 điểm, tương đương tăng 1,03%. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 55,42 triệu đơn vị/phiên, tăng 21,83% so với tuần trước. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 422,54 tỷ đồng/phiên, tăng 32,06% so với tuần trước.

Thanh khoản là yếu tố đáng chú ý nhất trong tuần qua với sự tăng mạnh cả về khối lượng và giá trị. Trong đó, tâm điểm là các mã đầu cơ như ITA, FLC, PVT, VNH, HQC… đã đem lại cho phiên giao dịch thứ Năm ngày 21/11 gần 3.200 tỷ đồng, mức cao nhất trong 3 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam. Bên cạnh đó, nhóm bluechip lại được mua mạnh vào cuối tuần chứng tỏ dòng tiền tiếp tục chảy mạnh vào thị trường khiến tâm lý giới đầu tư khá hưng phấn.

Mặc dòng tiền trên thị trường vẫn miệt mài đổ vào nhóm cổ phiếu đầu cơ, giao dịch nhà đầu tư nước ngoài trong những phiên đầu tuần khá thận trọng với xu thế chủ yếu là bán ròng. Tuy nhiên, hai phiên cuối tuần, dòng tiền ngoại đã quay lại khá mạnh.

Thống kê trên sàn HOSE, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 2 phiên và bán ròng 3 phiên. Trong đó, tổng khối lượng mua vào trong tuần đạt 26,34 triệu đơn vị, tương ứng trị giá 1.134,24 tỷ đồng. Ngược lại, họ bán ra 23,81 triệu đơn vị, trị giá 1.072,65 tỷ đồng. Như vậy, họ mua ròng 2,53 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị mua ròng đạt 61,59 tỷ đồng.

Trong khi đó, trên sàn HNX, giao dịch nhà đầu tư nước ngoài có 2 phiên bán ròng và 3 phiên mua ròng. Cụ thể, khối lượng mua vào 6,94 triệu đơn vị, trị giá 75,3 tỷ đồng và bán ra 4,86 triệu đơn vị, trị giá tương ứng 57,11 tỷ đồng. Như vậy, họ đã mua ròng 2,08 triệu đơn vị, tương ứng với trị giá mua ròng 18,19 tỷ đồng.

Tính chung, trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 4,61 triệu đơn vị, tương ứng với trị giá mua ròng 79,78 tỷ đồng. Trong khi tuần trước, bán ròng 3,73 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng đạt 94,85 tỷ đồng.

Nhận định của các công ty chứng khoán

Nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét chốt lãi

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Thị trường tăng điểm mạnh phiên đầu tuần qua vùng cản kỹ thuật (VN-Index là 503-505 điểm, HNX-Index là 63-64 điểm) với khối lượng giao dịch cao. Áp lực chốt lời đã tăng mạnh khi thị trường tiến đến vùng cản kỹ thuật tiếp theo (lần lượt là 510-513 điểm và 66 điểm), đặc biệt tại nhóm cổ phiếu nhỏ đã tăng nóng.

Điểm tích cực là lực cầu mua vào cổ phiếu khá tốt, dòng tiền có xu hướng quan tâm hơn đến nhóm cổ phiếu Bluechips Midcap có thời gian tích lũy. NĐT nước ngoài trở lại mua ròng nhóm cổ phiếu Bluechips cũng là yếu tố hỗ trợ thị trường, giúp thị trường tăng nhẹ trở lại về cuối tuần, sau phiên bị chốt lời mạnh.

Lượng cổ phiếu về tài khoản trong tuần giao dịch tiếp theo không nhỏ. Áp lực cung dự báo tiếp tục ở mức cao khi thị trường tiến lại gần ngưỡng cản kỹ thuật. Thị trường dự báo tiếp tục giao dịch sôi động, VN-Index dao động trong khoảng 500-510 điểm, HNX-Index trong khoảng 63-66 điểm trong tuần giao dịch tới.

Nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét chốt lãi dần đối với các cổ phiếu đã đạt kỳ vọng lợi nhuận, tránh mua đuổi tại các phiên chỉ số gần vùng kháng cự. Đối với các nhà đầu tư trung dài hạn có thể tận dụng các phiên giảm điểm để tiếp tục tích lũy các cổ phiếu Bluechips có triển vọng tốt.

Cần tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc chốt lời/cắt lỗ

(CTCK Rồng Việt - VDSC)

Các chỉ số đảo chiều tăng điểm trở lại dù giao dịch không sôi động bằng phiên trước. Nhóm cổ phiếu lớn cho tín hiệu phục hồi đã giúp ổn định tâm lý NĐT sau phiên một phiên giao dịch đột biến. Bên cạnh đó, điểm tích cực là dòng tiền vẫn duy trì tại nhóm cổ phiếu đầu cơ, đặc biệt, khối ngoại có phiên mua ròng thứ hai liên tiếp trong tuần giao dịch này. Chúng tôi nhận thấy tâm lý tích cực của giới đầu tư trong phiên hôm nay có sự hỗ trợ đáng kể từ thị trường chứng khoán thế giới, hầu hết các chỉ số chứng khoán lớn đều tăng điểm, trong khi chỉ số S&P và Down Jones xác lập kỷ lục trên sàn chứng khoán Mỹ. Trong tuần qua, quỹ VNM ETF cũng đã tích cực phát hành chứng chỉ quỹ, tính đến ngày 21/11, lượng vốn VNM ETF huy động thêm khoảng 4,82 triệu USD (102 tỷ VND), tương đương rót thêm vào TTCK Việt Nam 71,4 tỷ VND. Ngoài ra, có thể VNM ETF cũng đã huy động được vốn trong phiên cuối tuần (22/11) và giúp dòng vốn đầu tư nước ngoài duy trì được trạng thái dương.

Nhận định cho các phiên giao dịch trong tuần tới, chúng tôi cho rằng xét về mặt điểm số, VNIndex vẫn đang nằm trong kênh giá 500-515 điểm và HNIndex tiếp tục dao động trong kênh từ 64 - 65 điểm. Tuy nhiên, về khía cạnh tâm lý, chúng tôi đánh giá NĐT đang duy trì kỳ vọng tích cực đối với diễn biến của các chỉ số trong trung hạn nhờ khả năng nới room, kỳ review quý IV/2013 của hai quỹ ETFs và triển vọng tăng trưởng kinh tế quý cuối năm. NĐT đặc biệt lưu ý đến việc đa dạng hóa danh mục và cần tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc chốt lời/cắt lỗ trong bối cảnh hiện nay.

Nhà đầu tư nên mua vào cổ phiếu cơ bản tốt

(CTCK FPT - FPTS)

Khối lượng giao dịch luôn ở mức cao, cho thấy niềm tin nhà đầu tư đang trở lại, dòng tiền đầu cơ liên tiếp dịch chuyển từ nhóm cổ phiếu này sang nhóm cổ phiếu khác và vẫn chưa có xu hướng ra khỏi thị trường chứng tỏ xu thế tăng điểm vẫn tiếp tục được củng cố. Nhìn vào lịch sử giao dịch vài năm gần đây thì cuối năm thường là thời điểm bắt đầu một con sóng tăng dài. Do đó đối với nhà đầu lướt sóng nên tranh thủ các phiên điều chỉnh để mua vào với giá thấp, tuy nhiên nên thận trọng trong việc lựa chọn cổ phiếu, nên tránh các cổ phiếu đã có một thời gian tăng giá dài. Nhà đầu tư dài hạn nên mua vào các cổ phiếu cơ bản tốt.

Khả năng thị trường sẽ tiếp tục đi lên

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Thị trường khép lại một tuần giao dịch với khá nhiều biến động đi kèm khối lượng giao dịch tăng đột biến. Điểm nhấn đến từ phiên tăng điểm khá hưng phấn vào đầu tuần và đặc biệt là phiên giao dịch ngày Thứ 5 với khối lượng giao dịch xác lập mức kỷ lục trong lịch sử, xấp xỉ 170 triệu đơn vị cổ phiếu khớp lệnh trên sàn HOSE.

Trong hơn một tuần trở lại đây, một phần dòng tiền đã có xu hướng rút bớt ra khỏi những mã cổ phiếu vốn hóa trung bình nhỏ và quay lại nhóm cổ phiếu bluechips. Tuy nhiên, hiện tượng phân hóa diễn ra khá rõ nét ngay cả trong từng nhóm cổ phiếu. Đối với nhóm bluechips, dòng tiền chỉ ưu tiên tìm đến những mã có thông tin hỗ trợ về kết quả kinh doanh hay khả năng mở room ngoại như REE, FPT, HCM... Đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ, một số cổ phiếu trễ nhịp hoặc các mã có tin cơ bản hỗ trợ vẫn đang có sức hấp dẫn dòng tiền trong khi các mã khác quay đầu điều chỉnh.

Hiện tượng phân hóa trên có thể được xem là đặc điểm riêng của sóng tăng này và luôn có các dòng cổ phiếu đóng vai trò dẫn dắt, giữ nhịp luân phiên tại từng nhịp một. Điều này cũng giúp diễn biến thị trường ổn định hơn, tránh rơi vào hiện tượng lao dốc mạnh mặc dù xuất hiện phiên phân phối kỷ lục vào ngày Thứ 5.

Trên phương diện kỹ thuật, thị trường bắt đầu cho thấy những phản ứng sớm đối với vùng cản 515-520 điểm của VNINDEX. Khả năng tiếp tục đi lên của thị trường vẫn được đánh giá cao nhưng chỉ số có thể sớm rơi vào một nhịp điều chỉnh ngắn với 2 vùng hỗ trợ đáng lưu ý tại quanh 498 và 492 điểm. Các nhà đầu tư được khuyến nghị thực hiện tích lũy lại từng bước tại 2 vùng hỗ trợ này phần danh mục ngắn hạn chốt lời theo kỳ vọng. Các mã nhiều khả năng được mở room và có triển vọng kết quả kinh doanh tích cực trong quý cuối năm vẫn được xem là dòng tiềm năng trong sóng tăng tới.

Thị trường tiếp tục giằng co

(CTCK SSI - SSI)

Chỉ số chỉ hiệu chỉnh trong phiên xuống nhẹ mốc 503 điểm ở mức 502,83 điểm và lại tăng trở lại trong phiên giao dịch. 3 mã vốn hóa lớn GAS, PVD, PPC tăng giá cũng góp phần nâng đỡ cho chỉ số trong khi đó MSN, VNM đứng giá không làm ảnh hưởng đến chỉ số. Cây nến ngày chạm nhẹ vùng hỗ trợ 500-503 và bật trở lại lên trên mốc 505 điểm. Khối lượng giao dịch tiếp tục ở mức cao 100,74 triệu đơn vị, giảm 40,5% so với phiên trước.

Các phiên gần đây thị trường liên tục giao dịch ở mức thanh khoản lớn và Vn-Index cần tích lũy để cân bằng ở mặt bằng giá mới. Chỉ số trong tuần liên tiếp vận động theo dạng một phiên tăng một phiên giảm trong vùng 502-508 điểm. Như vậy quá trình vận động giằng co này vẫn có thể tiếp tục trong tuần tới và chiến thuật bán cao mua thấp trong phiên để cân bằng giá vốn sẽ được nhiều nhà đầu tư áp dụng để thực hiện lướt sóng ngắn (Swing Trading).

Thận trọng hơn khi muốn gia tăng tỷ trọng cổ phiếu

(CTCK ACB - ACBS)

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index đạt 505,64 điểm, tăng 0,86% so với giá đóng cửa cuối tuần trước; tương tự HNX-Index đạt 64,59 điểm, tăng 1,03%.

Trong tuần qua, khối ngoại đã quay lại mua ròng 59 tỷ đồng trên HSX và 18 tỷ đồng trên HNX, chủ yếu tập trung vào các mã DPM, GAS, GMD, HSG, HAG, ITA, MSN, PPC, PVD, PVS và VCG.

Đáng chú ý, trong Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của 11 tháng 2013 tăng 5,54%, ước tính CPI cả năm sẽ tăng 6,2-6,3%, đây là mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua. Tính đến hết tháng 11/2013, dư nợ tín dụng tăng khoảng 9%, có khả năng cả năm sẽ đạt 11-12%. Mặt bằng lãi suất tiếp tục ổn định, tình hình kinh tế xã hội chuyển biến tích cực, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô tiếp tục được cải thiện.

Về diễn biến của các chỉ số chứng khoán Việt Nam, VN-Index hiện đang được hỗ trợ bởi vùng 502-503. Xét trong ngắn hạn, chúng tôi tin tưởng vùng giá này sẽ là ngưỡng chặn dưới khá vững đối với VN-Index. Tuy nhiên, ở chiều tăng, VN-Index cũng sẽ gặp kháng cự mạnh bởi vùng 513. Do vậy, rất có thể trong tuần tới VN-Index sẽ dao động trong vùng 502-513 trước khi cho tín hiệu chuyển sang xu thế mới. Nếu vượt qua được vùng 513, VN-Index sẽ hướng đến mục tiêu 520 (hoặc cao hơn) theo mô hình Bearish Gartley Pattern.

Đối với HNX-Index, nhiều khả năng chỉ số này sẽ tiếp tục lùi về vùng hỗ trợ 63,2-63,5 trước khi tiếp tục xu hướng tăng đến vùng kháng cự mạnh 66-67.

Khuyến nghị: nhà đầu tư nên thận trọng hơn khi muốn gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.

Nên tiếp tục giảm tỷ trọng cổ phiếu

(CTCK BIDV - BSC)

Hiện tại, dấu hiệu phân kỳ giữa giá và các tín hiệu kỹ thuật, cùng với áp lực chốt lãi lớn tại các vùng kháng cự cho thấy rủi ro thị trường đã tăng đáng kể. Do vậy, khi VNIndex không thể bứt phá qua 510 điểm và khối lượng vẫn duy trì cao trên 100 triệu trong tuần tới thì NĐT nên tiếp tục giảm tỷ trọng cổ phiếu để bảo vệ thành quả đầu tư.

Khả năng thị trường tăng giảm là 50/50

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

Tăng 0,4% lên mức 505,6 sau phiên giao dịch kỷ lục trước đó, VN-Index tránh được phiên giảm điểm nhắc lại. Nếu có phiên giảm điểm này, khả năng chỉ số này sẽ lọt thỏm vào khu vực đi ngang 492-505. Nhờ phiên tăng, VN-Index tiếp tục lơ lửng trên biên trên của khu vực tích lũy đi ngang suốt từ đầu tháng Mười trở lại đây. Trong phiên giao dịch, nhóm cổ phiếu bất động sản, vốn là các mã dẫn đầu thị trường trong vài tuần trước, chậm chạp. Các mã vốn hóa cao có mức tăng điểm khá, như DHG (+1,9%), FPT (+1,0%), PVD (+2,3%), REE (+2,4%). Chúng tôi đặc biệt ấn tượng bởi hoạt động của các cổ phiếu vận tải, trong đó PVT (+5,5%), VIP (+5,1%)…

Trong vài tuần trở lại đây, giao dịch của khối ngoại ít nổi trội. Tuần trước nữa, họ bán ròng nhẹ và trong tuần 18-22/11, họ mua ròng nhẹ. So với thanh khoản rất lớn của thị trường gần đây, khối lượng mua ròng hay bán ròng nhẹ của các nhà đầu tư nước ngoài ít gây tác động - không giống như những giai đoạn tháng Năm hoặc tháng Tám (khi chủ đề giảm bớt gói QE gây xáo trộn trên thị trường chứng khoán thế giới). Trừ phi có một biến động đột ngột đặc biệt xấu từ thị trường bên ngoài, chúng tôi cho rằng trong thời điểm hiện tại, bảng giá, đồ thị và thông tin trong nước sẽ là trọng tâm của các nhà đầu tư Việt Nam.

Về kỹ thuật, VN-Index đang nỗ lực thoát khỏi khu vực đi ngang 492-505 thiết lập cách đây xấp xỉ hai tháng. Hiện tại, những cố gắng của người mua chưa thành công, dù khối lượng đã được đẩy tới mức cao chưa từng có là 170 triệu vào phiên 21/11, và VN-Index tiếp tục được treo tại biên trên của khu vực giao dịch nói trên. Tại đây, chúng tôi xem khả năng thị trường hoặc bứt phá lên cao hơn, hoặc trở lại vùng giao dịch 492-505 là ngang nhau. Chúng tôi đề xuất các nhà đầu tư nên tiếp tục nắm giữ vị thế hiện có.

Chỉ số sẽ tiếp tục được tích lũy

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

VNINDEX có một tuần tăng điểm lập mức cao nhất 3 tháng tại 510 điểm. Thanh khoản và độ rộng thị trường tăng đột biến xác nhận cho tín hiệu bứt phá của chỉ số trung bình. Tuy đóng cửa tăng điểm so với tuần trước nhưng chỉ số không giữ được mức giá cao nhất, áp lực cung khá mạnh đẩy chỉ số xuống dưới ½ biên độ giá của tuần. Nguyên nhân là một bộ phận cổ phiếu đã không đủ sức duy trì trạng thái tăng giá và chuyển sang đứng giá hoặc có biểu hiện phân phối. Đây là dấu hiệu suy yếu đầu tiên của xu hướng tăng giá trên đồ thị tuần, hàm ý rủi ro đang tăng dần đối với các giao dịch mua giá cao trong tuần tới. Ngoài tín hiệu này, các yếu tố khác vẫn ủng hộ cho khả năng trở lại 510 điểm, thậm chí lập mức cao mới của VN-Index.

Trên đồ thị ngày, VN-Index một lần nữa được hỗ trợ ở 503 điểm và phục hồi. Chỉ số tạm thời loại bỏ kịch bản tạo đỉnh ở phiên 21/11 và trở lại trạng thái tích lũy trên hỗ trợ. Động lực tăng giá của một nửa thị trường có thể giúp chỉ số tiếp tục tích lũy trong phiên đầu tuần và trở lại xu hướng tăng giá, hướng tới 515 điểm, cận trên của dải giao dịch 465-515. Tuy nhiên, tín hiệu suy yếu liên tiếp của các chỉ báo mô-men trong các khung thời gian dưới 9 phiên là một cảnh báo rất đáng lưu tâm. Trong các phiên giao dịch cuối tuần, nếu độ rộng tiếp tục không cải thiện, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư ngắn hạn nên bán cổ phiếu.

Sẽ có nhiều diễn biến bất ngờ và khó lường

(CTCK Đầu tư Việt Nam - IVS)

Trong thời gian tới, “sức nóng” nhiều khả năng sẽ rơi vào những cổ phiếu tăng “nóng” giai đoạn vừa qua, kể cả đó là cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt. Tuy nhiên, điều này sẽ không diễn ra ngay như trong quá khứ, bởi tâm lý NĐT hiện nay khá vững vàng. Mặc dù vậy, sau khoảng thời gian đủ dài thì thị trường sẽ để lại những hậu quả.

Nói như NĐT huyền thoại Warrent Buffet: “chỉ khi thủy triều rút thì mới biết ai tắm biển mà không mặc đồ bơi”. Những NĐT mải mê “lướt sóng” hàng ngày có nguy cơ thua thiệt cao hơn trong những giai đoạn như vậy.

Do đó, sự cẩn trọng là điều cần phải được đặt lên hàng đầu và tránh những thông tin không chính thống gây tác động. Thị trường tới đây dự báo sẽ có nhiều diễn biến bất ngờ và khó lường.

Công ty chứng khoán nào đóng thuế lớn nhất
Mặc dù trong 4 năm qua, thị trường chứng khoán gặp nhiều khó khăn, hàng loạt công ty chứng khoán (CTCK) bị thua lỗ, nhưng trong danh sách 1.000 DN nộp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư