Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chuỗi cung ứng bán lẻ Mỹ đã trở lại bình thường
Đông Phong - 26/12/2022 07:47
 
Đại dịch Covid-19 có thể chưa biến mất, nhưng cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu đã lắng dịu khi giá cước và năng lực vận tải, tồn kho bán lẻ đều đã được cải thiện.
Bên trong một cửa hàng tiện lợi tại thành phố Monterey Park, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP
Bên trong một cửa hàng tiện lợi tại thành phố Monterey Park, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP

Theo ghi nhận của tờ Wall Street Journal, hàng hóa tại Mỹ đang quay trở lại vòng quay và được chuyển đến tay các công ty cũng như người tiêu dùng dễ dàng hơn, bất chấp một số khó khăn trong sản xuất và sự bùng phát dịch Covid-19 ở Trung Quốc. Tình trạng dồn ý kéo dài hàng tuần các tàu chở hàng ở các cảng lớn của Mỹ đã biến mất, còn giá cước vận tải biển cũng đã giảm xuống dưới mức trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.

Ông Soren Skou, Giám đốc điều hành "gã khổng lồ" vận tải biển Maersk cho biết: "Rõ ràng là giá cước vận tải đã đạt đỉnh và bắt đầu bình thường hóa do nhu cầu giảm xuống và tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng giảm bớt". Trong tháng 11, Maersk đã hạ dự báo về nhu cầu container năm 2023 với mức giảm khoảng 2 - 4%, từ mức dự báo giảm tối đa 1% trước đó.

Tại Mỹ, hàng tồn kho của các nhà bán lẻ đã trở nên dồi dào hơn. Ngành vận tải đường sắt của nước này cũng đã tránh được một cuộc đình công trong khi hệ thống vận tải đường bộ đang dư công suất dự phòng. Nhiều giám đốc điều hành và nhà phân tích cho rằng, đó là những tín hiệu tốt cho người tiêu dùng Mỹ khi bước sang năm 2023, mặc dù lợi nhuận của các công ty vận tải sẽ bị giảm sút khi cung và cầu đã cân bằng trở lại.

Nhà Trắng gần đây đã ra tay can thiệp để chấm dứt các cuộc đàm phán hợp đồng dài hạn giữa các công ty đường sắt vận chuyển hàng hóa của Mỹ với các tổ chức công đoàn. Quyết định này của chính quyền Mỹ yêu cầu cần có một hợp đồng có thời hạn 5 năm cho cả hai bên, từ đó tránh được một cuộc đình công có thể xảy ra trong tháng này.

Các công ty đường sắt lớn như Union Pacific, CSX, BNSF Railway, và Norfolk Southern cho biết họ đã tìm cách thuê thêm nhân viên lái tàu và thợ máy trong nửa cuối năm, sau nhiều tháng tuyển dụng khó khăn. Một số công ty đường sắt cho biết họ đã mở lại một số kho bãi và đưa đầu máy xe lửa rời kho để giúp giảm bớt tình trạng tắc nghẽn.

"Chúng tôi đã chuyển hướng sang dịch vụ", Giám đốc điều hành Alan Shaw của Norfolk Southern cho biết trong ngày hội đầu tư của công ty này vào đầu tháng. Những thay đổi này đã giúp cải thiện dịch vụ đường sắt từ mức thấp vào mùa xuân năm nay - thời điểm mà thời gian dừng và tốc độ tàu ở mức tồi tệ nhất. Tuy khách hàng phản hồi họ đã nhận thấy sự cải thiện chất lượng, nhưng họ cho rằng vẫn cần phải cải thiện hơn nữa.

Cơ quan dịch vụ bưu chính Mỹ - đơn vị thực hiện các chuyến giao hàng chặng cuối cho một số công ty chuyển phát gói hàng - cho biết rằng các khoản đầu tư trước đây của họ vào các máy phân loại hàng hóa đã giúp nâng công suất xử lý gói hàng ngày lên 60 triệu gói mỗi ngày. Nhờ đó, đơn vị này đã có thể xử lý tốt hơn các đợt gửi thư và vận chuyển gấp trong dịp nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới 2023.

"Cần nhắc lại rằng vào kỳ nghỉ lễ năm trước người Mỹ băn khoăn liệu họ có thể nhận được những hàng hóa cơ bản, chưa kể quà Giáng sinh, khi cần hay không", Bộ trưởng Giao thông vận tải Mỹ Pete Buttigieg nêu trong một bài phát biểu tại trung tâm hàng không toàn cầu UPS Worldport ở thành phố Louisville, vào đầu tháng 12.

Nhưng năm nay không xuất hiện nhiều vấn đề lớn như năm ngoái, theo đánh giá của ông Satish Jindel, Chủ tịch ShipMatrix. Ông Jindel ước tính có dư thừa công suất, đủ để xử lý thêm 3 - 5 triệu gói hàng mỗi ngày trong dịp cao điểm từ Lễ Tạ ơn đến cuối năm. Trong các năm 2020 và 2021 lần lượt ghi nhận thiếu hụt công suất 4,7 triệu và 1,3 triệu gói hàng mỗi ngày.

Hơn nữa, trước kỳ nghỉ lễ, các hãng vận chuyển bưu kiện cho biết nhiều người tiêu dùng Mỹ đã rút lại các đơn mua hàng trực tuyến. Người Mỹ tiếp tục chi tiêu cho du lịch, tiệc tùng và giải trí khi đại dịch Covid-19 qua đi. Hàng tồn kho bán lẻ dồi dào cũng đã buộc một số công ty phải rút lại đơn đặt hàng hoặc nhập kho.

FedEx và các hãng vận tải khác trong khu vực Thái Bình Dương đang có thời gian giao các gói hàng dễ thở hơn trong mùa cao điểm này, nhờ tăng cường năng lực vận chuyển và khối lượng bưu kiện ổn định. FedEx cho biết hôm 20/12 rằng khối lượng bưu kiện trung bình hàng ngày đã giảm 10,2%, đánh dấu mức giảm trong quý thứ 4 liên tiếp.

Nhìn chung, việc trang bị đủ máy phân loại và tài xế đã giúp FedEx đạt tỷ lệ giao hàng đúng giờ cao hơn, với 95,3% trong tuần cuối cùng của tháng 11, tăng đáng kể so với mức 83,9% cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu từ Công ty phân tích bưu kiện ShipMatrix.

Đối với một số nhà sản xuất và nhà bán lẻ lớn nhất nước Mỹ, chi phí cho chuỗi cung ứng giảm xuống là tin mừng cho ngân quỹ của họ. Đơn cử, Wall Street Journal dẫn thông báo hồi tháng 10/2022 của P&G cho hay, tập đoàn dự kiến giảm mức chi hơn 100 triệu USD so với dự kiến cho hoạt động vận chuyển và kho bãi trong năm tài chính kết thúc vào tháng 6/2023.

Còn Walmart và các nhà bán lẻ lớn khác, sau hơn 1 năm gánh chi phí hàng hóa tăng cao, đang hủy đơn đặt hàng của nhà sản xuất, phản đối việc tăng giá và trong một số trường hợp yêu cầu nhà cung cấp giảm giá. Giờ đây, khi đã có đầy đủ hàng trong kho hoặc trong một số trường hợp ghi nhận hàng tồn kho dư thừa, các nhà bán lẻ có nhiều cơ sở hơn để thương lượng giá với các nhà sản xuất.

Ông Bill Boltz, Phó chủ tịch điều hành bán hàng hãng bán lẻ đồ gia dụng Lowe's Cos cho biết: "Khi giá cả một số mặt hàng và chi phí vận chuyển bắt đầu giảm, chúng tôi sẽ xem xét lại các chi phí này với các nhà cung cấp của mình". "Chúng tôi kỳ vọng một phần trong số các chi phí sẽ được tái đầu tư trở lại vào danh mục đầu tư thông qua giá bán lẻ thấp hơn".

Tương tự, Tập đoàn Dollar General, sau vài năm ghi nhận hoạt động kinh doanh bị cản trở bởi chi phí vận chuyển tăng cao, vừa tuyên bố trong tháng này cho biết rằng giá cước vận chuyển sụt giảm có thể là khởi đầu tốt cho tập đoàn vào năm 2023.

Tuy nhiên, không phải tất cả các chuỗi cung ứng của Mỹ đều đã hoạt động trơn tru trở lại.

Apple mới đây cảnh báo rằng việc vận chuyển các mẫu iPhone cao cấp của hãng công nghệ này sẽ bị hạn chế trong bối cảnh các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 của Trung Quốc ảnh hưởng đến một trong những nhà cung cấp chính của họ.

Trong khi đó, hãng xe Ford đã ba lần tăng giá xe bán tải F-150 Lightning chạy điện trong năm nay, một phần do hạn chế về chuỗi cung ứng và chi phí nguyên vật liệu cao hơn. Những làn sóng mới của đại dịch Covid-19 hoặc căng thẳng địa chính trị có thể đặt ra những vấn đề và thách thức mới.

Hiện hàng hóa lưu thông qua Los Angeles-Long Beach - khu phức hợp cảng lớn nhất nước Mỹ - đạt tốc độ nhanh hơn so với trước khi hàng hóa bị dồn ứ tại các cảng ở khu vực hợp này do đại dịch Covid-19. Theo Hiệp hội vận chuyển thương mại Thái Bình Dương, thời gian lưu trú của một container trung bình ở Mỹ hiện chỉ là 2,8 ngày. Trong khi đó, nhập khẩu container của Mỹ trong tháng 11/2022 đạt mức thấp nhất kể từ những tháng đầu năm 2020, theo phân tích của Tập đoàn nghiên cứu dữ liệu Descartes Datamyne.

Lãi suất tiếp tục tăng cao cùng với nhu cầu suy giảm được cho rằng sẽ tiếp tục kéo giảm lưu lượng hàng hóa. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ước tính kim ngạch thương mại hàng hóa toàn cầu năm 2023 sẽ tăng 1% so với năm 2022, chậm lại so với mức tăng ước tính 3,5% trong năm nay.

Sức giảm của thương mại toàn cầu cũng đã thể hiện rõ trong giá cước vận tải biển. Giá cước giao ngay hàng ngày để chuyển một container từ châu Á đến bờ Tây nước Mỹ hiện dao động quanh mức 1.400 USD, giảm đáng kể so với mức 7.500 USD cách đây 5 tháng và mốc 15.000 USD một năm trước, theo Freightos Baltic Index. Trong khi đó, cước phí này đạt mức trung bình khoảng 1.500 USD vào năm 2019 - thời điểm trước khi dịch Covid-19 xuất hiện.

Ông Vincent Clerc, người sẽ đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành Maersk vào ngày 1/1/2023, cho biết: "Rõ ràng chúng tôi phải tìm ra sự cân bằng mới trong thị trường mới này", dựa theo các mức cước vận tải biển.

Với hơn 700 tàu đang hoạt động, Maersk được xem là hãng vận tải biển hàng đầu trong thương mại toàn cầu. Tập đoàn này cho biết họ đang hoạt động ở khu vực Thái Bình Dương với số lượng container giảm 30% so với năm ngoái, trong đó hàng chục tàu đã bị rút về.

"Chúng tôi đang chứng kiến đợt điều chỉnh hàng tồn kho đáng kể ở Mỹ và châu Âu, và chúng tôi đã thực hiện những điều chỉnh đáng kể đối với công suất của mình ở trong và ngoài châu Á", đại diện Maersk cho biết thêm.

Kinh tế Mỹ tăng trưởng 3,2% trong quý III/2022
Đây là lần đầu tiên trong năm nay nền kinh tế lớn nhất thế giới cho thấy sự tăng trưởng dương trở lại sau hai quý đầu tiên tăng trưởng âm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư