Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Chuỗi khí điện lô B - Ô Môn vẫn bế tắc
Thanh Hương - 03/06/2021 10:19
 
Những vướng mắc trong việc triển khai Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III (TP. Cần Thơ), khiến tiến độ của chuỗi khí điện lô B - Ô Môn đang bị “ùn tắc”.
Một góc Trung tâm Điện lực Ô Môn
Một góc Trung tâm Điện lực Ô Môn.

Chưa xác định được thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư

Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án triển khai đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III nhằm khai thông chuỗi dự án khí điện lô B - Ô Môn.

Lật lại quá khứ, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III đã được Chính phủ phê duyệt danh mục vay vốn tín dụng ưu đãi (ODA) của Chính phủ Nhật Bản vào năm 2012. Theo đó, EVN là chủ đầu tư, đồng thời là chủ thể Hợp đồng vay lại vốn ODA, ký với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật bản (JICA).

Trung tâm Điện lực Ô Môn có 4 nhà máy điện, gồm Ô Môn I (660 MW), các Dự án Ô Môn II, Ô Môn III và Ô Môn IV đều có công suất khoảng 1.050 MW

Trong số này, Nhà máy Ô Môn I do EVN đầu tư đã vận hành từ năm 2009, công nghệ nhiệt điện ngưng hơi, hiện sử dụng dầu FO, nhưng sẽ chuyển đổi sang nhiên liệu khí khi Dự án lô B đi vào hoạt động.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II (đầu tư theo hình thức IPP- dự án điện độc lập) đã được phê duyệt chủ trương đầu tư với nhà thầu phát triển dự án là Liên danh Vietracimex - Marubeni. Chủ đầu tư đang tiếp tục đàm phán với EVN về hợp đồng mua bán điện (PPA) để làm cơ sở phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu EPC (mua sắm, thiết kế và xây dựng) vào quý IV/2021.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn IV do EVN đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. EVN cũng đã triển khai công tác chuẩn bị mặt bằng, hồ sơ mời thầu EPC, nhưng chờ sau khi Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III được phê duyệt đầu tư, thì sẽ triển khai các bước tiếp theo.

Trong khi đó, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III vẫn đang gặp vướng mắc.

Tháng 3/2013, Việt Nam và Nhật Bản ký Công hàm cam kết cấp khoản vay vốn đầu tiên cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III với giá trị 27,901 tỷ yên. Hiệp định vay vốn của JICA sẽ được các bên ký kết khi có kết quả đàm phán và ký kết hợp đồng mua bán khí.

Vào tháng 7/2019, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã đề nghị và sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1015/QĐ-TTg, ngày 14/8/2019 về việc thành lập Hội đồng Thẩm định Nhà nước để thẩm định Dự án.

Ngày 1/1/2020, Luật Đầu tư công có hiệu lực. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Thủ tướng áp dụng các quy định của Luật Đầu tư công để thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III; đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1015/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng Thẩm định Nhà nước để thẩm định Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thủ tục đầu tư đã phát sinh những vướng mắc, mà đáng chú ý nhất là thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư.

Bộ Công thương, Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có nhiều văn bản báo cáo Chính phủ tháo gỡ khó khăn về thủ tục đầu tư cho Dự án.

Tháng 12/2020, Chính phủ có tờ trình gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề trên. Tuy nhiên, theo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thì việc sử dụng vốn vay ODA cho doanh nghiệp vay lại 100% đối với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư công, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không ban hành nghị quyết để giải thích vấn đề này.

Điều này cũng đồng nghĩa, thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III vẫn chưa xác định được.

Tới tháng 3/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng trả lời Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, việc Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp vay lại 100% không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư công, đồng thời không thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trả lại hồ sơ Dự án cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để hướng dẫn EVN thực hiện đầu tư sau khi Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài được ban hành và có hiệu lực.

Như vậy, sau gần 2 năm  kể từ ngày EVN trình Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III tới Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào tháng 6/2019 để xin chủ trương đầu tư, tới nay vẫn chưa xác định được thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư cho dự án này.

Nguy cơ trượt tiến độ toàn chuỗi

Báo Đầu tư từng đăng tải một số bài báo phản ánh việc chậm tiến độ ở chuỗi khí điện lô B - Ô Môn khi các nhà đầu tư nước ngoài trong Dự án Khai thác khí và đường ống lô B - Ô Môn gửi thư tới Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, tháng 7/2020, các đối tác nước ngoài trong Dự án Khai thác khí và đường ống lô B - Ô Môn, gồm Mitsui Oil Exploration Co., Ltd (MOECO) đến từ Nhật Bản và PTT Exploration and Production Public Company Limited (PTTEP) đến từ Thái Lan đã gửi thư tới Thủ tướng Chính phủ bày tỏ lo ngại, việc chậm phê duyệt dự án điện trên bờ có thể khiến chuỗi dự án khí lô B gặp trở ngại lớn và tiếp tục làm chậm quyết định đầu tư cuối cùng. Kéo theo đó, mục tiêu dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2023 có thể bị trượt tiến độ.

Tiếp đó, tháng 9/2020, các đối tác nước ngoài này tiếp tục gửi thư tới Thủ tướng Chính phủ và cho biết, thời điểm có dòng khí đầu tiên sớm nhất của Dự án Khí lô B sẽ là tháng 9/2024, thay vì cuối năm 2023 như dự tính trước đó.

Theo MOECO và PTTEP, do chậm trễ trong việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III, nên mục tiêu của Dự án có quyết định đầu tư cuối cùng (FID) trong năm 2020 và dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2023 không còn khả thi.

Ngay cả mục tiêu có dòng khí đầu tiên của Dự án Khí lô B vào tháng 9/2024 cũng kèm theo điều kiện: FID không muộn hơn tháng 3/2021.

EVN cho rằng, việc chậm phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III do không xác định được cơ quan đứng ra làm công việc này “làm giảm tiến độ và giảm hiệu quả chuỗi dự án khí điện lô B - Ô Môn”. Vì, giá khí miệng giếng được tính từ năm 2016 với mức trượt giá 2,5%/năm và giá vận chuyển trượt giá 2%/năm đã làm tăng tổng mức đầu tư và giá thành sản xuất điện.

Cũng theo EVN, với điều kiện vay vốn ODA của JICA, thì phương án vay vốn ODA có hiệu quả kinh tế tốt hơn so với phương án vay thương mại. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản đã khẳng định tiếp tục cung cấp vốn vay ODA cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III.

Tuy nhiên, hiệu quả của việc sử dụng vốn vay ODA cho Dự án còn phụ thuộc vào việc xác lập thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi cho doanh nghiệp vay lại 100%. Đến nay, Dự án vẫn đang chờ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2020/NĐ-CP được thông qua để triển khai.

Để ban hành được nghị định sửa đổi, cần lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan và sẽ mất rất nhiều thời gian, trong khi nhu cầu có FID là vào tháng 10/2021.

Nhằm chủ động tháo gỡ khó khăn tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III, EVN đã tính toán phương án sử dụng vốn vay thương mại trong và ngoài nước.

Ở phương án dùng vốn vay thương mại nói trên, tiến độ phát điện của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III diễn ra vào quý III/2026, sớm hơn 1,5 năm so với phương án dùng vốn ODA. Tuy nhiên, điểm vướng mắc lớn nhất trong phương án này chính là tổng mức đầu tư của Dự án sẽ tăng lên, chủ yếu do phát sinh lãi vay.

Được biết, ngày 7/5/2021, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 2999/VPCP-QHQT thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các cơ quan liên quan xử lý đề xuất của EVN, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Chờ đến bao giờ?

Có thể thấy, đề nghị của EVN về việc dùng vốn vay thương mại để triển khai Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III nhằm đẩy nhanh tiến độ toàn chuỗi không dễ nhanh chóng được chấp thuận.

Một trong những vấn đề mấu chốt phải giải quyết là tổng mức đầu tư của Dự án tăng lên, kéo theo giá bán điện tăng so với các tính toán trước đây.

Vào năm 2018, khi tính toán Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III và IV sử dụng nhiên liệu khí, EVN đã đề xuất mức giá bán điện là 2.355 đồng/kWh và tối đa khoảng 2.840 đồng/kWh nhằm đảm bảo hiệu quả tài chính của các dự án này. Khi đó, Bộ Tài chính đã cho rằng, mức giá này gấp rưỡi đến gấp đôi giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, nên sẽ gây áp lực cho giá điện.

Bởi vậy, nếu thay đổi nguồn vốn đầu tư, làm tăng tổng mức đầu tư, áp lực về giá điện cũng theo đó mà ảnh hưởng và chắc chắn, không cơ quan hữu trách nào dễ dàng đưa ra quyết định.

Đối với Dự án Khai thác khí lô B và Dự án Đường ống lô B - Ô Môn được thực hiện bởi Liên doanh Điều hành dầu khí Phú Quốc (PQPOC) và Công ty Điều hành đường ống Tây Nam (SWPOC) với các đối tác nước ngoài (PTTEP và MOECO), thì việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III là căn cứ để hoàn tất các đàm phán thương mại, cũng như chấm thầu thương mại các gói thầu EPCI (mua sắm, thiết kế, thi công, chạy thử vận hành) ngoài khơi để triển khai thi công.

Được biết, các gói thầu EPCI sẽ hết hạn hiệu lực dự thầu (đã gia hạn lần thứ 4) vào tháng 10/2021 và các đối tác trong PQPOC kỳ vọng, chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III được ban hành trước tháng 8/2021 để mở các gói thầu thương mại. Nếu chậm trễ, PQPOC cần gia hạn lần thứ 5 về hiệu lực dự thầu đối với các nhà thầu EPCI. Trong trường hợp xấu nhất, có thể phải tổ chức đấu thầu quốc tế EPCI lại và mất thêm khoảng hơn 1 năm nữa.

Khánh Hoà đề xuất Chính phủ ủng hộ dự án điện khí 22,5 tỷ USD
Tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ủng hộ chủ trương đầu tư dự án trung tâm điện khí hóa lỏng (LNG) và kho cảng đầu mối LNG Vân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư