Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 01 năm 2025,
Chương trình OCOP tái sinh nghề thủ công Xuân Phước
Lê Trâm (Báo Phú Yên) - 25/12/2020 20:36
 
Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên đã “tái sinh” nghề làm dầu phộng (lạc) ở Xuân Phước tưởng như đã lụi tàn
.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên kiểm tra tình hình thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tại Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước

Ông Nguyễn Dư, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước cho biết, với sự hỗ trợ từ Chương trỉnh OCOP của tỉnh, Hợp tác xã đã đầu tư kinh phí mua máy ép dầu sản xuất dầu phộng, đóng chai nhựa loại 1 lít và 0,5 lít. Sản phẩm đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận, đăng ký mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, có giấy chứng nhận đăng ký. Trung bình hằng năm, hợp tác xã sản xuất khoảng 2.000 lít dầu phộng, bán với giá 100.000 đồng/lít. Thông qua chương trình OCOP, sản phẩm sẽ được quảng bá rộng rãi hơn đến người tiêu dùng

Ông Nguyễn Thảo (70 tuổi), nông dân xã Xuân Phước cho biết: Xã Xuân Phước có cánh đồng Chay, trước đây chuyên trồng đậu phộng ép dầu. Đậu phộng trồng ở cánh đồng Chay phơi khô hột no sát vỏ, khi ép dầu có mùi rất thơm. Sau một thời gian, máy ép dầu thủ công không hoạt động nữa thì nông dân ăn các loại dầu công nghiệp bán trên thị trường. Mới đây, Hợp tác xã làm dầu phộng Xuân Phước bán ra thị trường, người dân mua ăn ai cũng khen ngon, sản phẩm dầu truyền thống “sống” trở lại.

Bà Bùi Thị Hiền ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) chia sẻ: “Cách dùng dầu phộng là bắt lên bếp cho dầu bốc khói sau đó khử hành, nếu dầu còn nguội mà chiên xào sẽ bay mùi dầu. Dầu phộng Xuân Phước chiên cơm nguội ăn cũng ngon”.

Trao đổi về sản phẩm OCOP dầu phộng Xuân Phước, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân Phạm Trung Chánh cho biết: UBND huyện đã đăng ký sản phẩm dầu phộng Xuân Phước đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Đến nay, hội đồng thẩm định OCOP của huyện tổ chức họp đánh giá phân hạng sản phẩm dầu phộng Xuân Phước đã hoàn thiện đạt sản phẩm 3 sao và chuyển hồ sơ đề nghị cấp tỉnh thẩm định, đánh giá, phân hạng. Thời gian tới, thông qua kênh OCOP, dầu phộng Xuân Phước sẽ được quảng bá rộng rãi, mở rộng thị trường tiêu thụ. Sau khi xây dựng thương hiệu, về hiệu quả kinh tế, trồng đậu phộng lãi nhiều so với trồng lúa thì huyện chỉ đạo xã mở rộng vùng nguyên liệu, chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng đậu phộng để tăng thu nhập cho người dân.

Mới đây, Sở NN-PTNT và Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh tiến hành kiểm tra tình hình thực hiện Chương trình OCOP tại HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước. Qua kiểm tra thực tế và làm việc với HTX, ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh nhận định, Chương trình OCOP được xem là “làn gió mới” trong xây dựng nông thôn mới thông qua việc phát triển nội lực và gia tăng giá trị của các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị bền vững.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư