Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Chuyện biên lợi nhuận và quyền lực của Thế giới Di động
Chí Tín - 22/07/2019 09:14
 
Sự “thăng hoa” trong những con số tăng trưởng khủng hết năm này đến năm khác của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG, sàn HoSE), dù đã đạt quy mô rất lớn, thể hiện ở chỉ số biên lợi nhuận gộp luôn cải thiện sau mỗi năm. Vậy, biên lợi nhuận thực sự là phép màu gì của đại gia bán lẻ này?
Nghe bài viết này tại đây :
Thế giới Di động đang thử nghiệm đưa thêm cả đồng hồ thời trang vào một số cửa hàng thegioididong.com
Thế giới Di động đang thử nghiệm đưa thêm cả đồng hồ thời trang vào một số cửa hàng thegioididong.com

Ý nghĩa tỷ lệ biên lợi nhuận

Trong 5 tháng đầu năm 2019, Thế giới Di động ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 42.784 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 1.792 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Công ty cho biết, tiếp tục duy trì thành công tỷ lệ biên lợi nhuận ròng 5 tháng đầu năm ở mức 4,2%, so với mức 3,5% cùng kỳ năm 2018.

Tỷ lệ biên lợi nhuận là thuật ngữ được nhắc đến nhiều trong kinh doanh, nhưng lại không phải là một trong những chỉ số cơ bản được thể hiện trong báo cáo kết quả kinh doanh theo mẫu chuẩn (trong bộ báo cáo tài chính doanh nghiệp).

Thông thường, mẫu báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh được các doanh nghiệp lập trên cơ sở quy định tại một trong 2 văn bản là Thông tư 200/2014/TT-BTC (hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp) hoặc Thông tư 133/2016/TT-BTC (hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa). Tuy nhiên, các mẫu báo cáo theo các tiêu chuẩn tại cả Thông tư 200 và Thông tư 133 đều chỉ có các mục cho các con số tuyệt đối về doanh thu và các chỉ số lợi nhuận cơ bản (bao gồm lợi nhuận gộp, lợi nhuận thuần, lợi nhuận trước thuế, lợi nhuận sau thuế), mà không có chỉ số về tỷ lệ biên lợi nhuận.

Một số doanh nghiệp có thông tin về tỷ lệ biên lợi nhuận trong các bản báo cáo không chính thức. Trong khi đó, với đa phần doanh nghiệp khác, nhà đầu tư muốn biết tỷ lệ biên lợi nhuận để có thể phân tích về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ phải tự tính ra con số này.

Về lý thuyết, tỷ số biên lợi nhuận cho biết mỗi đồng doanh thu tạo ra được bao nhiêu đồng thu nhập và doanh nghiệp nào có tỷ lệ biên lợi nhuận cao hơn chứng tỏ doanh nghiệp đó hoạt động có hiệu quả hơn. Có 3 loại tỷ số biên lợi nhuận: biên lợi nhuận gộp, biên lợi nhuận hoạt động và biên lợi nhuận ròng.

Quyền lực của ông lớn

“Phép màu” của những đại gia như Thế giới Di động nằm ở quy mô bán hàng lớn, khiến Công ty ngày càng có nhiều “quyền lực” hơn với các nhà cung cấp. Theo đó, doanh nghiệp có thể có thêm lợi thế khi đàm phán với các đơn vị cung ứng về giá đầu vào, thời gian trả chậm, các chính sách chiết khấu… Điều này giúp doanh nghiệp ngày càng tăng được tỷ lệ biên lợi nhuận gộp qua việc mở rộng quy mô.

Theo ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA Australia), nhìn vào biểu đồ doanh thu theo thời gian của Thế giới Di động, có thể dễ dàng nhìn thấy doanh thu của công ty này tăng trưởng rất mạnh trong mấy năm vừa qua.

Năm 2016, doanh thu của đại gia này tăng gần 80% so với năm 2015 và các năm sau đó vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, với 48,4% năm 2017 và 29,6% năm 2018 (Bảng 1 và Bảng 5). Theo đó, quy mô doanh thu năm 2018 đã tăng gấp gần 3,5 lần so với thời điểm trước đó 3 năm (năm 2015).

Đi theo sự tăng trưởng của doanh thu là sự gia tăng liên tục của tỷ lệ biên lãi gộp qua từng năm. Ông Long cho biết, với một công ty bán lẻ như Thế giới Di động, thì tỷ lệ biên lợi nhuận gộp có ý nghĩa rất quan trọng. Tỷ lệ này cho thấy mức độ đàm phán của Công ty đối với các nhà cung cấp như Apple, Samsung, Sony, Apple, Panasonic… Tỷ lệ biên lãi gộp ở đây được tính bằng giá vốn hàng bán so với doanh thu của Công ty trong kỳ.

Con số thực tế cho thấy, tỷ lệ biên lãi gộp của Thế giới Di động đã tăng đều đặn trong những năm qua: năm 2015 chỉ ở mức 15,4%, tăng lên 15,8% trong năm 2016 và sau đó tiếp tục tăng nhanh lên 16,5% trong năm 2017 và tăng tiếp lên 17,4% năm 2018 (Bảng 1).

Quy mô doanh thu Thế giới Di động gia tăng bao nhiêu thì “quyền lực” của đại gia này cũng gia tăng bấy nhiêu trước bàn đàm phán với bên bán hàng. Lợi ích được thể hiện ở cả thời gian trả chậm tiền hàng lẫn tỷ lệ chiết khấu. Tại báo cáo tài chính quý I/2019, riêng số tiền phải trả người bán ngắn hạn của Thế giới Di động đã lên tới gần 7.600 tỷ đồng. Những chủ nợ trong các khoản phải trả này không ai khác là các tên tuổi cung ứng lớn các mặt hàng điện tử như Samsung Electronics Việt Nam, Daikin Air Conditioning, Apple Việt Nam, Sony Electronics… Số nợ này chiếm tới 37% tổng nợ phải trả của Thế giới Di động và đây cũng là một trong những lý do lý giải vì sao, quy mô nợ của Thế giới Di động ở mức khá cao (hơn 20.000 tỷ đồng).

Quyền lực của những khách hàng khủng như Thế giới Di động còn được thể hiện ở khoản chiết khấu mà các nhà cung ứng phải cắt lại. Trong các mối quan hệ tài chính với nhà cung cấp, Thế giới Di động lại có những khoản phải thu với quy mô không nhỏ, tại thời điểm 31/3/2019 lên tới hơn 1.400 tỷ đồng. Các khoản phải thu này phần lớn là các khoản chiết khấu.

Tỷ lệ lợi nhuận gộp của Thế giới Di động tỏ ra vượt trội hơn hẳn so với đối thủ cạnh tranh là FPT Retail (11,6%) (Bảng 3). Tuy nhiên, cùng là doanh nghiệp bán lẻ, tỷ lệ lãi gộp có thể sẽ khác nhau tùy theo mặt hàng. Theo đó, dù là đại gia dẫn đầu thị trường bán lẻ ở mảng điện thoại, điện máy, nhưng tỷ lệ lãi gộp của Thế giới Di động vẫn thấp hơn so với Công ty Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận - PNJ (21,8%). Có thể đây cũng là lý do khiến Thế giới Di động đang thử nghiệm đưa thêm cả đồng hồ thời trang vào một số cửa hàng thegioididong.com trong thời gian gần đây.

Trong khi đó, bài toán biên lợi nhuận của chuỗi Bách hóa Xanh thời gian tới cũng sẽ là một mối quan tâm của giới đầu tư. So với một doanh nghiệp bán lẻ ngành bách hóa là Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), thì tỷ lệ biên lợi nhuận gộp của Hapro đang ở mức 15,3%, vẫn thấp hơn so với Thế giới Di động. Tuy nhiên, các con số so sánh này chưa nói lên nhiều ý nghĩa do tỷ trọng doanh thu từ chuỗi Bách hóa Xanh vẫn còn khá thấp trong toàn hệ thống Thế giới Di động, đến cuối tháng 5/2019 mới chỉ chiếm khoảng 7,3% tổng doanh thu.

Sức ỳ của biên lợi nhuận ròng

Tỷ lệ biên lợi nhuận gộp của Thế giới Di động có sức tăng tốc rất mạnh, thể hiện rõ ràng ở những con số thay đổi theo từng năm. Tuy nhiên, tỷ lệ biên lợi nhuận ròng lại không thể hiện sự tăng trưởng rõ ràng.

Thế giới Di động cho biết, tiếp tục duy trì thành công biên lợi nhuận ròng 5 tháng đầu năm 2019 ở mức 4,2%, so với mức 3,5% cùng kỳ năm 2018. Sự tăng trưởng này thực tế chỉ là kết quả của giai đoạn từ đầu năm 2019 đến nay, trong khi đó, biên lợi nhuận ròng trong suốt giai đoạn từ 2016 đến hết 2018 tỏ ra khá “ì ạch”.

Nếu so sánh trong vòng 1 năm (từ quý I/2018 đến quý I/2019), biên lợi nhuận ròng của Thế giới Di động quả thật có sự tăng trưởng, từ 3,5% lên 4,1%. Tuy nhiên, quan sát ngược lại để so sánh trong khoảng thời gian xa hơn, tỷ lệ biên lợi nhuận ròng cuối tháng 5/2019 thật ra chỉ ngang với cuối năm 2015, tức là sau hơn 3 năm, biên lợi nhuận ròng của Thế giới Di động vẫn trở lại vạch xuất phát. Trong thời gian đó, biên lợi nhuận ròng có giai đoạn bị sụt giảm khá mạnh từ 4,2% năm 2015 xuống chỉ còn 3,3% vào cuối năm 2018 (Bảng 1).

Riêng trong năm 2018, giai đoạn từ đầu năm đến quý III/2018 là thời điểm tuột dốc của tỷ lệ biên lợi nhuận ròng, giảm dần từ mức 3,5% trong quý I/2018 xuống 3,3% trong quý II/2018, giảm tiếp xuống chỉ còn 3% trong quý III/2018 (Bảng 2). Thế giới Di động có vẻ chỉ bắt đầu “bừng tỉnh” từ quý IV/2018 khi đẩy tỷ lệ biên lợi nhuận ròng tăng trở lại mức 3,2% và tăng tiếp lên 4,1% trong quý I/2019.

Một trong những thủ phạm “ăn mòn” tỷ lệ biên lợi nhuận ròng từ năm 2015 đến 2018 là sự đi xuống của lợi nhuận tài chính. Chỉ tiêu này giảm mạnh trong năm 2016, sau khi chỉ tăng rất nhẹ trong năm 2017 thì chuyển sang lỗ trong năm 2018 (Bảng 4). Trong hoạt động tài chính, Công ty có phát sinh hoạt động vay tài chính từ năm 2017, trong đó đáng chú ý là khoản vay trái phiếu hơn 1.100 tỷ đồng kỳ hạn 5 năm (từ 2017 - 2022). Lượng trái phiếu này có lãi suất chỉ 6,55%, nhưng theo ông Vũ Đăng Linh, Giám đốc Tài chính của Thế giới Di động, Công ty còn phải chịu khoản phí bảo lãnh 1,5% mỗi năm.

Ngoài ra, một số chi phí cơ bản khác như chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều có tốc độ tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng doanh thu từ năm 2016 đến 2018 (Bảng 5) cũng là những lý do khiến tỷ lệ biên lợi nhuận ròng giảm trong giai đoạn này. Điều này cho thấy, ngoài ưu thế về “quyền lực” với các nhà cung cấp, Thế giới Di động chưa thực sự phát huy được rõ rệt lợi thế về quy mô trong việc kiểm soát các chi phí cơ bản theo sự mở rộng của doanh nghiệp.

Bán hơn 10 triệu sản phẩm gia dụng, Thế giới di động thu hơn 1.700 tỷ đồng
Trong quý I/2019, đã có hơn 10 triệu sản phẩm trong nhóm hàng gia dụng/dụng cụ nhà bếp, được Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (mã:...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư