Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Chuyển đổi số nông nghiệp: Dữ liệu là... vua
Tú Ân - 17/04/2022 08:23
 
Trong nông nghiệp hiện đại và hội nhập, việc xây dựng kho dữ liệu còn đứng trước các yếu tố “nhất ước, nhì phân, tam cần, tứ giống”.

Dữ liệu là nền tảng để chuyển đổi số nông nghiệp

Đứng trước cánh đồng chuối bạt ngàn ở Long An, “vua chuối” Võ Quan Huy (Công ty TNHH Huy Long An), người có hơn 1.000 ha đất trồng chuối, ớt, bưởi, nuôi tôm, nuôi bò…ở 6 tỉnh miền Nam nói với tôi: “Có cách nào để biết thời tiết Trung Quốc trước vài tháng nhỉ, bởi nếu biết trước, ta sẽ canh thời gian xuất chuối, dưa hấu để được giá cao và tiêu thụ mạnh”.

Ông Huy bận tâm không phải là về công nghệ, kỹ thuật nuôi trồng, mà là về thời tiết của một thị trường xuất khẩu. Thời tiết ở thị trường tiêu thụ chính là dữ liệu mang lại giá trị lớn cho người nông dân. Nghe rất phi lý, nhưng thực ra lại rất có lý.

Vài năm sau chuyến đi đó, từ đầu năm 2022 đến nay, mỗi tháng có 1.000 - 2.000 ô tô chở nông sản như thanh long, xoài, dưa hấu, mít… ùn ứ tại các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc. Nghịch lý “được mùa - mất giá” kéo dài bao năm chưa thể khắc phục.

Thực trạng đó được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan gọi là “sản xuất mù”, “bán mù”, “mua mù”. Nông dân cứ sản xuất rồi trông chờ thương lái đến thu mua. Đến lượt thương lái cũng tìm cách đưa nông sản đến doanh nghiệp, hệ thống phân phối. Một chuỗi liên kết có tính rời rạc dễ bị đứt gãy khi bị ùn đầu ra.

- Đến cuối năm 2021, có hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành phố được đào tạo kỹ năng số; gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử với hàng ngàn giao dịch.

- Năm 2022, Hội Nông dân Việt Nam và Bưu điện Việt Nam đặt mục tiêu hỗ trợ 7,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp cập nhật thông tin lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn.

“Khi dữ liệu cung - cầu chưa khớp nhau, thì còn rủi ro mùa vụ, rủi ro cho người sản xuất, rủi ro cho thương lái, doanh nghiệp và cho cả nền kinh tế”, Bộ trưởng chia sẻ.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nhận định, nếu chuyển đổi số nông nghiệp mà không xây dựng được kho dữ liệu thì rất khó để thành công. Cần phải có số liệu cụ thể một năm thu hoạch mỗi loại nông sản bao nhiêu, trong đó có con số cụ thể từng tháng. Từ đó, tính toán xe, đem đi tiêu thụ ở thị trường nào, bao nhiêu sản lượng đưa vào chế biến sâu, bao nhiêu xuất khẩu, bao nhiêu tiêu thụ nội địa.

“Nếu thống kê cung - cầu, mà chỉ có dự báo tổng hợp về nguồn cung, không biết bao nhiêu sẽ chế biến sâu, xuất khẩu, tiêu thụ nội địa, phân ra từng thị trường thì không giải quyết được vấn đề. Đây là kết nối cung - cầu để tính toán phương án rải vụ, ứng dụng khoa học công nghệ, lập kế hoạch tiêu thụ. Làm được điều này thì mới giảm được tình trạng được mùa - mất giá”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ.

Hiện các điểm nghẽn trong nông nghiệp gồm sản xuất manh mún, biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến đổi xu thế tiêu dùng thế giới… liên quan đến hệ thống dữ liệu lớn. Nông nghiệp Việt Nam muốn chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh để tạo ra bước ngoặt trong thực hành nông nghiệp trên cả nước, chuyển từ giai đoạn sản xuất nông nghiệp là chính sang kinh tế nông nghiệp dựa trên khoa học công nghệ, thì hệ thống dữ liệu được xem là nền tảng.

Cần quyết tâm lớn của nhiều bên

Hiện tại, chuyển đối số trong nông nghiệp đã đi được một bước khá dài. Nông dân, doanh nghiệp, nhà quản lý đã đưa các ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tiêu thụ, như Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ tự hành (robotics), các công nghệ GIS thông minh quản lý sâu bệnh…

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), Tổng giám đốc Nafoods Group cho biết, chuyển đổi số trong chuỗi giá trị tại Nafoods được thực hiện theo mô hình con cá. Theo đó, Nafoods chỉ sở hữu cái lõi là đầu cá và xương sống. Trong đó, đầu là công nghệ, dữ liệu; xương sống gồm có 4 đốt: đốt đầu tiên là giống, đốt thứ 2 là trồng và nuôi, đốt thứ 3 là hậu cần và chế biến, đốt sống cuối cùng là tiêu thụ.

“Để số hóa, chuyển đổi số thì trước hết phải có dữ liệu. Muốn có dữ liệu, từng doanh nghiệp riêng lẻ không thể làm được, mà phải có sự hợp lực của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó là sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan”, ông Hùng đề xuất.

Còn theo ông Trần Hùng, đại diện Nhóm Nghiên cứu triển khai chuyển đổi số trong nông nghiệp của Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, chuyển đổi số nông nghiệp cần phải giải một trong những bài toán khó là vấn đề xây dựng kho dữ liệu của từng yếu tố liên quan và xây kho dữ liệu như thế nào cho chuẩn. Vậy cơ sơ dữ liệu này gồm những gì?

“Thứ nhất là khí hậu. Toàn bộ vùng khí hậu này sẽ được quan trắc tự động bằng ảnh vệ tinh, bằng những trạm quan trắc ảo, thực, rồi thông báo về một trung tâm dữ liệu. Thứ hai là vùng trồng, biết được thời điểm nào, canh tác bao nhiêu, thu hoạch đến đâu và tính được ra sản lượng”, ông Hùng khuyến nghị.

Được biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng Đề án Chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Bộ đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025, có 80% cơ sở dữ liệu về nông nghiệp được xây dựng, cập nhật trên nền tảng Big Data có sự đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng; trong đó cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu về cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Ðẩy mạnh hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số; xây dựng nền tảng ứng dụng công nghệ chuỗi khối để cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai phục vụ nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua nền tảng số.

Còn theo Quyết định 150/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thì nông nghiệp Việt Nam phải “phát triển và hướng đến đồng bộ các công cụ phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, số hóa, tạo lập dữ liệu, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu đất đai nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai, dịch bệnh; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước và sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp”.

Hy vọng rằng, những động thái tích cực trên sẽ thúc đẩy ngành nông nghiệp nhanh chóng xây dựng được kho dữ liệu lớn, chuyển đổi số thành công, giúp nông dân thoát cảnh “được mùa, mất giá”.

Du lịch chuyển đổi số để không lỡ “chuyến tàu lịch sử”
Trong hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp vực dậy ngành kinh tế xanh sau hơn 2 năm chịu tác động nặng nề của Covid-19, chuyển đổi số là việc cần làm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư