Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Chuyên gia CIEM: Đòi hỏi tinh thần kiến tạo mới
Khánh Linh - 13/07/2020 17:04
 
Chuyên gia Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, ngay bây giờ, phải cách để thích ứng với tình hình mới chứ không thể đợi tình hình ổn định rồi mới cải cách.
.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Kinh tế Tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM)

5 lý do lo ngại

Dự báo của CIEM về các tháng cuối năm của kinh tế Việt Nam chứa đựng nhiều yếu tố đáng lo ngại.

Thứ nhất, kinh tế thế giới còn rất bất định. Dù các đánh giá đều thống nhất về khả năng suy thoái của kinh tế thế giới trong nửa cuối năm 2020, nhìn nhận về mức độ nghiêm trọng của suy thoái lại khá khác biệt. Có thể thấy sự lúng túng trong các dự báo về thời điểm kết thúc dịch, kịch bản phục hồi, số “làn sóng dịch”, hiệu lực của các gói hỗ trợ ở nhiều nền kinh tế,.. của các tổ chức nghiên cứu, đánh giá.

Thứ hai, việc nhiều nền kinh tế thực hiện các gói hỗ trợ quy mô lớn, trong khi thiếu điều phối giữa các biện pháp này ở cấp độ toàn cầu, có thể gây ra những rủi ro không nhỏ đối với thị trường tài chính thế giới và tình trạng nợ toàn cầu.

Thứ ba, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn có thể diễn biến phức tạp hơn, đặc biệt là trong quý III và nửa đầu quý IV.

Thứ tư, dù kỳ vọng nhiều vào tác động tích cực của EVFTA, Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ, v.v., không chỉ ở thị trường Mỹ.

Thứ năm, mức độ thích ứng của doanh nghiệp đối với thị trường trong nước có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Cảnh báo xu hướng đang manh nha

Không phải nội địa hóa, không phải toàn cầu hóa, thuật ngữ đang được giới chuyên gia kinh tế toàn cầu nhắc tới lúc này là glocalization.

Đây là sự kết hợp giữa toàn cầu hóa (globalization) và địa phương hóa (localization). Từ này mới xuất hiện gần đây, nhưng có thể sẽ được nhắc đến nhiều vì đây đang là xu hướng trong chuỗi giá trị mới, dù mới manh nha.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Kinh tế tổng hợp của CIEM chia sẻ thông tin tại cuộc hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020: Tinh thần kiến tạo trong bối cảnh bình thường mới”.

“Covid -19 đang làm thu hẹp, thu ngắn lại chuỗi giá trị, chuỗi giá trị diễn ra nhanh hơn, phạm vi hẹp hơn và gắn kết với từng thị trường cụ thể hơn”, ông Dương nói.

Cụ thể, các nhà đầu tư nước ngoài đã chủ động và cân nhắc nhanh chóng hơn yêu cầu điều chỉnh chiến lược đầu tư. Các xu hướng phổ biến nhất là đẩy mạnh đa dạng hoá các địa điểm đầu tư và/hoặc rút các công đoạn quan trọng nhất trở về quốc gia xuất phát điểm của họ.

Bên cạnh đó, rủi ro, hệ lụy từ đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19 cũng kéo theo xu hướng “làm ngắn” chuỗi cung ứng để thích ứng. Nhà đầu tư nước ngoài công khai hơn định hướng dịch chuyển ít nhất một phần cơ sở sản xuất khỏi thị trường Trung Quốc.

Thực ra, xu hướng dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc đã manh nha từ trước năm 2020. Lý do là chi phí nhân công ở Trung Quốc gia tăng nhanh, suy giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc. Đặc biệt, những thay đổi mạnh mẽ theo hướng mời gọi đầu tư, cởi mở hơn trong chính sách, môi trường đầu tư – kinh doanh của Ấn Độ, các quốc gia ASEAN đã thúc đẩy sự chuyển dịch này.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và cả thời gian sắp tới, xu hướng dịch chuyển đầu tư không còn thuần túy do tín hiệu thị trường. Các biện pháp kinh tế hoặc định hướng chiến lược - hành chính của chính phủ ở quốc gia xuất xứ của nhà đầu tư có thể sẽ quyết định điểm đến của các dòng đầu tư.

Xu hướng dịch chuyển đầu tư không còn thuần túy do tín hiệu thị trường. Các biện pháp kinh tế hoặc định hướng chiến lược - hành chính của chính phủ ở quốc gia xuất xứ của nhà đầu tư có thể sẽ quyết định điểm đến của các dòng đầu tư.

Đòi hỏi “tinh thần kiến tạo mới”

Việc lựa chọn chủ đề “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020: Tinh thần kiến tạo trong bối cảnh bình thường mới” cho buổi công bố dự báo kinh tế 6 tháng của CIEM có chủ đích rõ ràng.

“Nhiều người vẫn đang hỏi, động lực tăng trưởng kinh tế ở đâu. Câu trả lời của chúng tôi là cải cách. Cải cách để thích ứng với tình hình mới chứ không thể đợi tình hình ổn định rồi mới cải cách”, ông Dương thẳng thắn.

Lý do để đặt vấn đề này, theo ông Dương và các cộng sự CIEM, khi làm việc với các bộ, ngành và doanh nghiệp, đang có rào cản lớn từ tư duy của các cấp thực thi.

Thử nhìn vào tốc độ giải ngân đầu tư công. Mặc dù đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công được coi là một giải pháp bù đắp thiếu hụt động lực tăng trưởng trong năm 2020 và trong dài hạn, nhưng tốc độ vẫn chậm.

“Mặc dù tốc độ giải ngân đầu tư công đạt cao hơn cùng kỳ năm ngoái, nhưng do các năm trước thực hiện chậm, chứ không phải năm nay làm nhanh hơn. Nút thắt chính ở đây là sự sợ trách nhiệm của các cấp thực thi. Chúng tôi lo ngại, nếu tình hình này kéo dài, thì kế hoạch giải ngân 30 tỷ USD trong năm nay cũng chỉ trên kế hoạch, trên giấy”, ông Dương nói.

Cùng với sợ trách nhiệm, ông Dương nhắc tới 3 điểm bất an khác trong đề xuất và thực thi chính sách. Đó là sự sốt ruột, sự dè dặt và cảm giác thiếu việc làm.

“Tôi muốn khuyến nghị cần giảm bớt các cảm giác, thái độ này. Bớt dè dặt với các mô hình, kinh doanh mới; bớt sốt ruột với các con số thống kê thấp trong xuất khẩu, thu hút FDI… để đánh giá tình hình thực tế một cách cẩn trọng, tránh vội vã đưa ra các chính sách thái quá. Bài học gói hỗ trợ 8 tỷ USD giai đoạn 2008-2009 và hệ lụy kéo dài sau đó cần phải được lưu tâm… Đó là chính là đòi hỏi cải cách trong bộ máy thực thi, từ chức năng đến cách tư duy để phù hợp với bối cảnh mới”, ông Dương đặt vấn đề thẳng thắn.

Đặc biệt, các cơ quan cần linh hoạt đề xuất các chính sách, cách làm mới phù hợp với bối cảnh mới, thay vì chỉ cứng nhắc làm theo đúng chức năng, nhiệm vụ.

Ba đạo luật quan trọng về đầu tư, kinh doanh sẽ giúp doanh nhân vượt khó
Ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, khi đi vào cuôc sống, Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư 2020, Luật PPP sẽ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư