Chủ Nhật, Ngày 13 tháng 04 năm 2025,
Chuyên gia Deloitte khuyến nghị ngân hàng Việt tăng thu ngoài lãi, cắt giảm chi phí
Thùy Liên - 10/04/2025 17:08
 
Đối phó phó với bất ổn vĩ mô và áp lực giảm NIM trong nước, bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó tổng giám đốc Phụ trách Khách hàng và Thị trường, Deloitte Việt Nam khuyến nghị ngân hàng Việt mạnh tay áp dụng AI để giảm chi phí.

Bất ổn thị trường đang buộc ngân hàng Mỹ đa dạng doanh thu ngoài lãi 

Theo bà Trần Thị Thúy Ngọc, bức tranh vĩ mô bất ổn tại Mỹ là chất xúc tác chính khiến các ngân hàng đa dạng hóa danh mục đầu tư, chuyển dịch sự tập trung sang thu nhập ngoài lãi và thắt chặt công tác quản lý chi phí bền vững.

f
Bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó tổng giám đốc Phụ trách Khách hàng và Thị trường, Deloitte Việt Nam.

Tại Mỹ, những bất ổn kinh tế vĩ mô trong năm 2025 sẽ khiến các nhà điều hành ngân hàng phải cảnh giác khi số liệu chi tiêu tiêu dùng đang dừng ở mức vừa phải và có khả năng giảm. Trong đó, những áp lực tài chính lớn của người tiêu dùng cũng sẽ khiến các khoản vay mua thẻ tín dụng, ô tô có thể sẽ tăng trưởng chậm lại.

Nhu cầu thanh khoản của ngân hàng, sự miễn cưỡng của người gửi chấp nhận lãi suất tiền gửi thấp có thể sẽ khiến chi phí tiền gửi có lãi suất ở mức cao hơn. Biên lợi nhuận ròng trung bình của các ngân hàng dự kiến cũng sẽ giảm xuống mức 3% và 2,7% trong năm 2025 và 2026.

Lợi nhuận giảm, các ngân hàng bắt buộc phải cải thiện danh mục đầu tư, nhất là danh mục đầu tư chứng khoán. Trong kế hoạch này, các ngân hàng lớn sẽ có lợi thế cạnh tranh tốt hơn nhờ danh mục đầu tư đa dạng. Những điểm sáng khác về phí ngân hàng đầu tư nhờ hoạt động M&A, phát hành hay tập trung hoạt động thị trường vốn sẽ giúp ngân hàng cải thiện khiêm tốn thu nhập ngoài lãi nhất định.

Trong bối cảnh này, các ngân hàng có thể sẽ đặt ưu tiên hàng đầu vào việc tập trung tận dụng các đòn bẩy phù hợp để kiểm soát chi phí, lên kế hoạch hiện đại hóa công nghệ và giữ chân nhân tài chất lượng cao.

Kinh tế bất ổn, lãi suất huy động dự kiến vẫn ở mức cao trong khi lãi vay chịu áp lực giảm buộc các ngân hàng phải tìm cách tăng thu nhập ngoài lãi. Theo phân tích của Deloitte, các ngân hàng Mỹ có một số lựa chọn đáng cân nhắc để cải thiện thu nhập ngoài lãi của mình.

Thứ nhất, mở rộng ngân hàng bán lẻ. Theo đó, các ngân hàng có thể giới thiệu các dịch vụ mới, đơn cử bao hàm tư vấn và gói để nâng cao giá trị cho khách hàng; cân nhắc các chiến lược định giá mới, chẳng hạn như tính phí cho các dịch vụ hiện miễn phí, thiết kế mô hình định giá mới hay gộp hoặc bóc tách các dịch vụ; hiểu sâu hơn về nhu cầu của khách hàng và độ nhạy cảm về giá bằng cách tối ưu dữ liệu và marketing có mục tiêu.

Thứ hai, mở rộng dịch vụ thanh toán, đảm bảo các giao dịch liền mạch và an toàn để gia tăng khối lượng giao dịch được xử lý; cộng tác với người bán để cung cấp các phương thức thanh toán an toàn khác nhau, giải quyết các yêu cầu của khách hàng và các mối quan tâm về bảo mật.

Thứ ba, đẩy mạnh ngành quản lý tài sản. Thực tế, việc quản lý tài sản đang trở nên khó khăn hơn do mức độ cạnh tranh ngày càng tăng. Trong bối cảnh này, ngân hàng có thể mở rộng hoạt động tư vấn đầu tư cốt lõi đến các lĩnh vực như thuế, kế hoạch bất động sản hoặc chăm sóc dài hạn. Các sản phẩm phù hợp hơn như khoản đầu tư thay thế hay thiết kế lại cấu trúc phí để phù hợp với khách hàng cũng là yếu tố đáng cân nhắc.

Thứ tư, đẩy mạnh dịch vụ ngân hàng đầu tư. Các ngân hàng nên tìm kiếm phí chấm dứt cao hơn (lên đến 25%) cho các giao dịch lớn; tập trung vào các giao dịch nhỏ hơn, có thể lặp lại trong thị trường tầm trung để hoạt động kinh doanh nhất quán; khám phá các thị trường địa lý mới (như Mexico) để tận dụng số lượng sáp nhập ngày càng tăng.

Ngân hàng Việt đối mặt áp lực giảm NIM, phải tìm cách tăng thu ngoài lãi và giảm chi phí 

Riêng với ngân hàng Việt Nam, bà Thúy Ngọc cảnh báo sẽ phải đối mặt với tình trạng chênh lệch lãi suất cho vay/lãi suất huy động (NIM) giảm.

Cụ thể, để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên trong năm 2025, hơn 20 ngân hàng thương mại đã thực hiện yêu cầu giảm lãi suất huy động song song với việc tung ra nhiều gói tín dụng lãi suất thấp. Việc chênh lệch lãi suất ở hai chiều dự kiến sẽ ảnh hưởng đáng kể đến biên lợi nhuận, đặc biệt khi hoạt động của các ngân hàng vẫn dựa vào tín dụng.

Hơn nữa, Chính phủ cũng giao nhiệm vụ “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” cho ngành ngân hàng, do đó việc các ngân hàng đa dạng hóa nguồn thu, cải thiện thu nhập ngoài lãi là điều không thể bỏ qua.

Theo dự báo, tỷ trọng của thu nhập ngoài lãi trên tổng thu nhập của ngân hàng Việt năm 2025 vẫn sẽ ở mức 22%. Tỷ trọng này có thể gia tăng khi các ngân hàng điều chỉnh chiến lược của mình trong từng mảng kinh doanh.

Ngoài tăng thu ngoài lãi, Deloitte cũng khuyến nghị ngân hàng Việt dành sự chú ý trong việc cắt giảm chi phí hoạt động. Thực tế, thời gian qua, nhiều ngân hàng đang thực hiện những nỗ lực hay sáng kiến tiết kiệm chi phí, dù vậy thường không đạt được kết quả như mong đợi.

Tình trạng này diễn ra tương tự tại Mỹ, một số ngân hàng đã công bố các kế hoạch chính thức bao gồm tối ưu hiệu quả chi nhánh, giảm số lượng nhân viên, tinh giản tổ chức hoặc rút khỏi các thị trường thứ yếu. Tuy nhiên, trong một cuộc khảo sát của Deloitte MarginPLUS, 56% trong số 25 lãnh đạo ngân hàng và thị trường vốn toàn cầu cho biết tổ chức của họ thậm chí không đạt được 50% mục tiêu tiết kiệm chi phí vào năm ngoái.

Từ kinh nghiệm của các ngân hàng quốc tế, bà Thúy Ngọc cho rằng, các ngân hàng Việt Nam nên hướng đến việc chuyển đổi chi phí bền vững hơn bằng cách sử dụng các đòn bẩy như:

Khai thác sức mạnh của tính minh bạch về chi phí: nắm bắt tính minh bạch về chi phí để hiểu nguyên do chi phí cơ bản tăng cao; bổ sung chi phí hoạt động để hiểu cách tận dụng tài nguyên tốt hơn và giảm chi phí một cách bền vững.

Mở rộng quy mô tự động hóa và AI để giảm chi phí và tăng năng suất: đẩy nhanh việc áp dụng các công cụ tự động hóa và máy học; mở rộng quy mô AI và triển khai các mô hình ngôn ngữ lớn để tạo ra hiệu quả bổ sung và tiết kiệm chi phí.

Tích hợp việc kiểm soát rủi ro vào các sáng kiến thay đổi sớm: lồng ghép yếu tố rủi ro và tuân thủ sớm vào các sáng kiến chuyển đổi và thay đổi chi phí để giảm bền vững

Cuối cùng, phải duy trì kỷ luật thực thi mạnh mẽ. Cụ thể, phải liên tục theo dõi kết quả so với mục tiêu kinh doanh; tập trung vào trách nhiệm giải trình khi thực hiện các mục tiêu tiết kiệm chi phí.

Những ngân hàng đầu tiên công bố lợi nhuận quý I/2025
Các ngân hàng bắt đầu hé lộ kết quả kinh doanh quý đầu năm nay, với con số lợi nhuận khá ấn tượng, nhờ tín dụng tăng trong quý đầu năm 2025.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư