Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 17 tháng 05 năm 2024,
Chuyên gia: Không nên lạc quan quá mức về con số xuất khẩu hàng hóa sáng tạo
Khánh Linh - 02/05/2024 15:41
 
Cần đánh giá đúng thực trạng về kinh tế sáng tạo tại Việt Nam, tránh đưa ra cách nhìn lạc quan quá mức về sức mạnh thực sự của nền kinh tế trong lĩnh vực kinh tế sáng tạo, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam khuyến nghị.

Băn khoăn trước các con số lạc quan

Thương mại hàng hóa sáng tạo của Việt Nam có xu hướng gia tăng trong giai đoạn 2002-2020. Cụ thể, xuất khẩu tăng trung bình 9,23%/năm trong giai đoạn 2011-2020. Việt Nam đứng thứ 8 trong số các nhà xuất khẩu hàng hóa sáng tạo lớn nhất vào năm 2020.

Thông tin được cập nhật trong Báo cáo “Phát triển Kinh tế Sáng tạo: Xu hướng, Kinh nghiệm quốc tế và Kiến nghị đối với Việt Nam”, vừa được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố.

Cụ thể, Báo cáo cho biết, năm 2020, Việt Nam xuất khẩu 14,2 tỷ USD hàng hóa sáng tạo, đứng thứ 8 trong số 10 nước xuất khẩu hàng hóa sáng tạo lớn nhất trên thế giới. Số liệu dẫn theo nguồn tổng hợp từ Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD).

Thương mại hàng hóa sáng tạo ở Việt Nam, 2002-2020 (triệu USD). Nguồn CIEM tổng hợp từ UNCTAD

Tuy nhiên, các con số này không khiến TS. Lê Duy Bình cảm thấy an tâm.

“Nhận xét này cũng như một số đánh giá khác trong Báo cáo được lặp lại nhiều lần cho chúng ta một cảm giác là Việt Nam đang làm rất tốt trong phát triển kinh tế sáng tạo. Nhưng có lẽ, chúng ta cần phải đánh giá đúng thực trạng về kinh tế sáng tạo tại Việt Nam này và tránh đưa ra những cách nhìn lạc quan quá mức về sức mạnh thực sự của nền kinh tế trong lĩnh vực kinh tế sáng tạo”, TS. Bình thẳng thắn.

Có một số lý do mà TS. Bình cho rằng, cần phải phân tích và có góc nhìn chuyên sâu hơn.

Ông Bình phân tích, phần thực sự sáng tạo của nhiều loại sản phẩm, hàng hóa thì được thực hiện tại nước phát triển, ví dụ thiết kế con chip, thiết kế đồ chơi lego, thiết kế quần áo hàng hiệu, thiết kế trong Iphone, điện thoại, đồ điện tử. Toàn bộ thiết kế này được chuyển sang các nước đang phát triển để phục vụ cho quá trình sản xuất, như điện thoại Iphone tại Trung Quốc, hàng may mặc của các hãng danh tiếng tại Việt Nam…

“Khi xuất khẩu, giá trị xuất khẩu của toàn bộ hàng dệt may cao cấp hay Iphone được tính vào doanh số xuất khẩu tại Việt Nam hay Trung Quốc, bao gồm cả phần thiết kế, nguyên liệu nhập vào và một phần đóng góp rất nhỏ của phần gia công của các nước chế xuất cho xuất khẩu. Do vậy, tính theo doanh số thì tổng xuất khẩu của Việt Nam hay của Trung Quốc có thể lớn hơn mức xuất khẩu của các nước phát triển khi đưa bản thiết kế sang để sản xuất tại các quốc gia chế biến hàng xuất khẩu. Nhưng phần giá trị gia tăng thực sự từ kinh tế sáng tạo lại nằm ở các nước phát triển”, TS. Bình làm rõ.

Ngay cả trong lĩnh vực phần mềm, một tỷ trọng đáng kể công việc trong phần mềm mà các doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện chỉ là gia công, coding, mã hóa theo thiết kế sẵn của các hãng, công ty nước ngoài tại các nước đang phát triển. Như vậy, doanh thu phần mềm của Việt Nam lớn, nhưng phần thực sự sáng tạo không lớn như vậy.

Vì vậy, ông Bình cho rằng, các nhận định và con số của các tổ chức như UNCTAC mới chỉ thể hiện một góc nhìn về thương mại, chưa phản ánh toàn bộ hiện trạng của nền kinh tế sáng tạo của các nền kinh tế.

Cũng vì lý do này,  ông Bình cho rằng, cần có đánh giá thận trọng hơn về con số “thiết kế là ngành xuất khẩu nhiều nhất trong suốt giai đoạn 2002-2020, đạt hơn 11,9 tỷ USD vào năm 2020, tương đương gần 84,36% tổng xuất khẩu hàng hóa sáng tạo của Việt Nam”. Theo sơ đồ thể hiện trong báo cáo, UNTAC đinh nghĩa rằng thiết kế gồm “kiến trúc, thời trang, đồ thủy tinh, nội thất, đồ trang sức và đồ chơi”. Theo định nghĩa này, phần thiết kế trong xuất khẩu của kinh tế sáng tạo đã chiếm một tỷ trọng rất lớn trong kim ngạch xuất khẩu của ngành thời gian, nội thất, đồ chơi của Việt Nam.

“Điều này nói lên một điều rất quan trọng là cần có định nghĩa chính xác về kinh tế sáng tạo, đồng thời “phân loại và đo lường nền kinh tế sáng tạo, định lượng hóa kinh tế sáng tạo”.

Còn nhiều việc phải làm hơn là hài lòng với các thứ hạng

Lý do chia sẻ về những băn khoăn trên, ông Bình cho rằng, nền kinh tế sáng tạo của chúng ta còn rất nhiều phải làm, không thể hài lòng với những thông tin tích cực như “hiện đang đứng thứ 8 trong số 10 nước xuất khẩu hàng hóa sáng tạo lớn nhất trên thế giới”, hay các nhận định rằng “kể từ năm 2011, các nền kinh tế đang phát triển xuất khẩu nhiều hàng hóa sáng tạo hơn các nền kinh tế phát triển”.

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam.

“Những thông tin này là đúng nhưng  chỉ phản ánh một phần của nền kinh tế sáng tạo. Để đánh giá đúng thực trạng, cần phải nhìn thật sâu vào lớp dưới của tình trạng này để đánh giá đúng hiện trạng về kinh tế sáng tạo của các nước đang phát triển, bao gồm Việt Nam để từ đó có những chính sách, biện pháp hiệu quả nhất nhằm phát triển kinh tế sáng tạo ở Việt Nam”, TS. Bình khuyến nghị.

Cũng phải nói thêm, thời gian vừa qua, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ về đổi mới sáng tạo và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Ví dụ, Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index 2023 - GII), Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong những năm gần đây.

Nhưng tổng thể, vị trí của Việt Nam trong Bảng xếp hạng GII năm 2023 vẫn nằm ở vị trí 46/132 quốc gia, nền kinh tế. Đáng chú ý, TS. Bình nhắc đến một số hạn chế và một số lĩnh vực Việt Nam được xếp hạng thấp so với nhiều nền kinh tế khác. Trong đó,  đáng chú ý là chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của Việt Nam (xếp hạng 66/132), chỉ số bền vững sinh thái  (110/132). GII 2023 tiếp tục nhắc đến những vấn đề về thể chế với các khuyến nghị cần nhiều nỗ lực cải thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt, GII năm 2023 cũng nhấn mạnh rằng hiệu quả thực thi pháp luật, đặc biệt là các luật về quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam còn thấp và được xếp hạng  ở mức 72/132 nền kinh tế. 

Đây là lý do này mà dù đồng thuận với các khuyến nghị của CIEM về việc “cần có thêm những chính sách, quy định rõ ràng nhằm tạo không gian, động lực và sự yên tâm cho các chủ thể sáng tạo”, TS. Bình cũng cho rằng, không nên thực hiện bằng cách xây dựng luật mới hay quy định mới về kinh tế sáng tạo.

“Kinh tế sáng tạo sẽ phát triển mạnh mẽ nếu các luật hiện hành tạo không gian, một văn hóa bao dung của cả các cơ quan chính quyền và người dân đối với các các ý tưởng mới, ý tưởng sáng tạo, những thử nghiệm mới", ông Bình bày tỏ quan điểm.

Hơn thế, văn hoá tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, trong đó quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ và trở thành hàng hoá cũng cần được đặc biệt lưu tâm.

Có nghĩa là, các tư tưởng bao dung, khuyến khích thử nghiệm cái mới, tư tưởng khuyến khích đổi mới sáng tạo, hay các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát phải được thể hiện trong tất cả các luật, quy định trong các lĩnh vực như điện ảnh, công nghệ thông tin, văn hóa, giải trí…

Song song với đó, ông Bình cho rằng, các hoạt động đào tạo, giáo dục cũng phải đi theo hướng khuyến khích đổi mới sáng tạo, xây dựng văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, tài sản đến từ sáng tạo của người dân và doanh nghiệp.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư