Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Chuyên gia ngân hàng họp bàn giải pháp thu hút kiều hối
TL - 10/10/2016 19:53
 
Tại Hội thảo Khoa học “Chính sách kiều hối của Việt Nam trong thời gian qua - Thực trạng và giải pháp” diễn ra sáng nay (10/10), đại diện NHNN và các chuyên gia đã đưa ra những đề xuất để thu hút và sử dụng hiệu quả hơn kiều hối.

Với hơn 500 nghìn lao động xuất khẩu, khoảng 4 triệu người Việt Nam (tương đương 4,5% dân số quốc gia) đang sinh sống tại nước ngoài và thường xuyên gửi số lượng lớn kiều hối về nước, Việt Nam đang đứng thứ 3 tại châu Á, và đứng thứ 11 trên thế giới về thu hút kiều hối – theo WB. Trong suốt 22 năm qua, dòng tiền này tăng khoảng gần 100 lần từ 0,14 tỷ USD năm 1993 lên 11 tỷ USD năm 2013 và khoảng 13,2 tỷ USD vào năm 2015 và có xu hướng gia tăng do hiệu quả của chính sách xuất khẩu lao động cũng như các chính sách để thu hút dòng kiều hối của Chính phủ. Giai đoạn 2002–2015, dòng kiều hối chiếm khoảng 6,0% GDP trong khi đó dòng vốn FDI và ODA vào Việt Nam lần lượt là 7,7% và 3,0% GDP.

Trong những năm qua, dòng kiều hối trở thành nguồn vốn quan trọng để bù đắp thâm hụt cán cân thương mại đồng thời hỗ trợ dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Sự gia tăng trong dòng kiều hối vào Việt Nam trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất do người Việt Nam xuất khẩu lao động và định cư ra nước ngoài ngày càng nhiều.

Thứ hai, khung chính sách và quy định pháp luật ngày càng được hoàn thiện khuyến khích kiều bào trở về nước đầu tư, kinh doanh và phục vụ Tổ quốc.

Thứ ba, hệ thống chính sách quản lý ngoại hối rất thông thoáng, tạo điều kiện cho người Việt ở nước ngoài gởi tiền về nước được thuận lợi, nhanh chóng, dễ dàng. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã từng bước đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc cấp giấy phép hoạt động chi trả kiều hối cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chi trả kiều hối với mạng lưới rộng khắp cả nước. Ngoài ra, dịch vụ chuyển tiền kiều hối ngày càng phát triển, chất lượng được nâng cao với sự đa dạng các hình thức chi trả như chi trả tại nhà, chi trả tại quầy, chi trả qua hệ thống ngân hàng và dịch vụ chăm sóc khách hàng.

Bên cạnh chính sách quản lý ngoại hối, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài cũng là một chính sách quan trọng không kém trong thu hút dòng kiều hối chảy vào Việt Nam.

Dòng kiều hối ngày càng trở thành nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam, bù đắp thâm hụt thương mại và đóng góp vào quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực của dòng kiều hối đến kinh tế xã hội, kiều hối cũng nảy sinh những hệ lụy gắn với đô la hóa, rửa tiền, tiêu dùng quá mức…

Chính vì vậy, tại Hội thảo sáng nay, nhiều chuyên gia đã tập trung phân tích thực trạng kiều hối tại Việt Nam, kết quả sử dụng kiều hối và đề xuất các chính sách thu hút kiều hối, chính sách sử dụng kiều hối tại VN. Theo cảnh báo của các chuyên gia, trong bối cảnh hội nhập, tự do hóa và thị trường hóa, dư địa cho các chính sách thu hút kiều hối không còn nhiều, để có thể thu hút hơn nữa dòng kiều hối thì cần phải có sự phối hợp giữa các bộ, ngành chặt chẽ vì lợi ích chung.

Kiều hối vẫn ngần ngừ với đầu tư
Chiếm 5,58% GDP theo số liệu 2015, nhưng nguồn kiều hối do người Việt Nam ở nước ngoài gửi về vẫn đứng ngoài các dòng đầu tư chính thức.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư