Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 02 tháng 07 năm 2024,
Chuyên gia, nhà quản lý: Ban hành Luật Nhà giáo là cần thiết
Hưng Anh - 31/05/2024 12:31
 
Bồi dưỡng và hợp tác quốc tế về nhà giáo trong Dự thảo Luật Nhà giáo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các nhà giáo, nhà quản lý, nhà nghiên cứu. Các chuyên gia có chung quan điểm ban hành “Luật Nhà giáo" là cần thiết.

Tham dự có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), thành viên Ban soạn thảo Dự án Luật Nhà giáo, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; lãnh đạo, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên), Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế).

Luật nhà giáo có ý nghĩa trong cả hiện tại và tương lai

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định sự cần thiết ban hành Luật nhà giáo. Ông cho rằng, những tư tưởng về chính sách đối với nhà giáo đến một lúc nào đó phải được thể chế hóa, cụ thể hóa thành các quy tắc, luật.

“Chúng ta đi từ tư tưởng, nhận thức, thái độ đến hành động cụ thể. Khi có luật sẽ chi phối hành động cụ thể. Vì vậy, việc ra đời một đạo luật về nhà giáo có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội không chỉ với hiện tại mà với cả tương lai”, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn chia sẻ

Luật nhà giáo là luật khó, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phân tích. Luật này điều chỉnh đối tượng là nhà giáo, mà trong đời sống xã hội nhà giáo có muôn vàn các mối quan hệ xã hội khác nhau. Vì vậy, luật không chỉ điều chỉnh hoạt động nghề nghiệp nhà giáo, mà còn chạm đến nhiều mối quan hệ xã hội khác.

Ban hành Luật nhà giáo là chủ đề được các nhà giáo dục đặc biệt quan tâm trong thời gian vừa qua.

Hiện các trường đại học sư phạm đào tạo giáo viên và bản thân các nhà giáo trong các trường sư phạm cũng là nhà giáo. Từ thực tế này, hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, tiếng nói của các nhà giáo trong trường sư phạm vừa với tư cách là đối tượng điều chỉnh, vừa với tư cách là một nhà khoa học, sẽ có cách nhìn và những dự báo vượt trước hiện tại. Điều đó có ý nghĩa lâu dài với nhà giáo.

Thay mặt Ban soạn thảo dự án Luật nhà giáo, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) đã thông tin tổng quan về Luật Nhà giáo và nội dung quản lí nhà nước về nhà giáo. Đồng thời mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận một số nội dung như: Sự cần thiết ban hành Luật nhà giáo; Quy định về nhà giáo nói chung và nhà giáo trong cơ sở đào tạo giáo viên nói riêng; Các hoạt động về đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, quy định về nhà giáo nước ngoài vào học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học… ở Việt Nam.

Tham luận về đào tạo nhà giáo, những vấn đề liên quan tới dự thảo Luật nhà giáo, GS.TS Nguyễn Văn Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã chia sẻ những nghiên cứu về mô hình đào tạo giáo viên của các nước, cũng như mô hình đào tạo truyền thống, mô hình đào tạo là xu hướng trong vài thập kỷ gần đây tại Việt Nam.

GS.TS Nguyễn Văn Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trình bày quan điểm tại tọa đàm.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, quy chuẩn đứng lớp ở nhiều nước rất chặt chẽ, ngặt nghèo và quy chuẩn đó kèm theo chế độ chính sách, bởi khi đời sống giáo viên không được nâng lên  thì những yêu cầu đặt ra sẽ khó làm. “Xu hướng đào tạo giáo viên trên thế giới là đào tạo tập trung, đầu tư có trọng điểm, đãi ngộ hấp dẫn”, chia sẻ điều này, GS.TS Nguyễn Văn Minh cho rằng cần chính sách thu hút, đãi ngộ xứng đáng cho nhà giáo.

Về một số vấn đề đặt ra trong đào tạo giáo viên, GS.TS Nguyễn Văn Minh đề cập tới 5 vấn đề. Đó là, mô hình đào tạo giáo viên trường sư phạm cần có sự gắn bó chặt chẽ giữa khoa học cơ bản và khoa học sư phạm; tiếp cận đào tạo sư phạm trình độ cao - hệ thống liên thông dọc giữa các bậc học; giải quyết mối quan hệ giữa đào tạo khoa học cơ bản và đào tạo nghiệp vụ sư phạm - sự nhất thể hoá trong đào tạo giáo viên; kết nối bền vững giữa đào tạo sư phạm và giáo dục phổ thông; thích ứng với chuyển đổi số trong giáo dục.

Có Luật, nhà giáo vinh quang hơn, vào ngành sư phạm yên tâm

Trao đổi từ góc độ bồi dưỡng giáo viên trong dự thảo Luật Nhà giáo, PGS.TS Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh 5 nguyên tắc hiệu quả trong phát triển chuyên môn của giáo viên.

Cũng theo ông bồi dưỡng nhà giáo cần đặt trong hệ quy chiếu, với nhiều yếu tố cần cân nhắc như: giáo viên là học viên người lớn (có kinh nghiệm, ít thời gian, nhiều mối quan tâm…); bồi dưỡng, đào tạo phải có tác động đủ liều mới đưa đến sự thay đổi; kinh phí triển khai bồi dưỡng có hạn.

Thời gian qua có nhiều ý kiến của các chuyên gia giáo dục về chủ đề ban hành luật nhà giáo.

Khẳng định sự cần thiết ban hành Luật nhà giáo, GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh, chất lượng giáo dục phụ thuộc nhiều vào năng lực của người thầy. Do đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cần được chú trọng. Từ hoạt động này, giúp nhà giáo phát triển chuyên môn, năng lực sư phạm nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế. Trên tinh thần đó, các cơ sở giáo dục, đội ngũ giáo viên và giảng viên các trường sư phạm cũng cần đổi mới một cách đồng bộ.

Hoan nghênh dự thảo Luật nhà giáo, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ chia sẻ, “đại kế giáo dục người thầy là gốc” nên nhiều nước đã ban hành Luật này rồi. Nếu có Luật, nhà giáo vinh quang hơn, trường sư phạm cũng thu hút được người học, vào học sư phạm sẽ yên tâm.

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ chia sẻ trong thảo luận.

Toạ đàm còn ghi nhận nhiều ý kiến từ chuyên gia, giảng viên, nhà quản lý giáo dục góp ý cho từng điều khoản cụ thể của dự thảo Luật, với mong muốn, dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được hoàn thiện đáp ứng mong mỏi của hàng triệu nhà giáo.

Dự thảo Luật Nhà giáo đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến đã ghi nhận nhiều ý kiến trái chiều trong thời gian qua. Đặc biệt liên quan đến chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo.
Theo Dự thảo Luật Nhà giáo quy định: Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà giáo cấp cho người đạt chuẩn nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, trường chuyên biệt và các cơ sở giáo dục khác (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục).
AI là cơ hội và thách thức lớn với giáo dục Việt Nam
Ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trăn trở về tác động, cơ hội, thách thức của AI đối với giáo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư